Vì nhiều lý do, một số phụ nữ không lấy chồng nhưng vẫn quyết định sinh con. Điểm chung ở họ là mạnh mẽ, chấp nhận đương đầu với định kiến xã hội và những khó khăn khi làm mẹ đơn thân.
Khát khao làm mẹ
Khi biết chúng tôi hẹn gặp với ý định viết về mình, chị Nguyễn Duyên Hà (43 tuổi, ngụ phường 7, TP. Vũng Tàu) không chút ngại ngùng, đồng ý tiếp chuyện vào khoảng thời gian rảnh hiếm hoi của buổi tối đầu tuần. Nghe tiếng chuông cửa, cô con gái hơn 3 tuổi của chị nhanh nhảu chạy ra xem. Chị theo sau mở cửa, tươi cười nói thay lời chào: “Ba mẹ chị đi vắng, ở nhà chỉ có hai mẹ con nên bé đang “hành” bà mẹ già. Mẹ già, con mọn vất vả lắm cô ạ”!
Chị Duyên Hà trầm ngâm kể, chị vốn là người cứng cỏi, mạnh mẽ, có thu nhập cao, tài chính vững vàng. Với đặc thù công việc kinh doanh bất động sản, chị có mối quan hệ rộng, tiếp xúc với nhiều người nên chị tự nhận mình là hiểu rõ đàn ông. Những điều đó đã tạo nên một cô gái “kiêu kỳ” trong tình yêu nơi chị. Vì thế, chị luôn tỏ ra… cảnh giác mỗi khi có người khác giới muốn tìm hiểu mình vì sợ bị họ lợi dụng.
Thời gian thoi đưa, bước qua tuổi 30, chị mới thảng thốt nhận ra mình vẫn đi về lẻ bóng. Dù vậy, chị không muốn nhắm mắt đưa chân lấy đại một người làm chồng. Những lúc một mình, nghĩ về tuổi già, chị thấy rằng cần có một đứa con. “Bước qua tuổi 30, tôi nhận ra rằng nếu không lấy chồng, mình vẫn cần một đứa con để nương tựa khi về già nhưng một phần còn ngại dư luận, phần khác gặp phải sự phản đối quyết liệt của ba mẹ nên cứ đắn đo, lần lữa. Vì vậy, mãi đến năm 39 tuổi, tôi mới quyết định sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ba mẹ tôi cũng không còn nặng nề chuyện tôi làm mẹ đơn thân nữa”, chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, quá trình mang thai, sinh con và chăm con, chị đều tự lực là chính, bởi mẹ chị đã già yếu. “Tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối diện dư luận khi bỗng dưng không có chồng mà lại có con. Thế nhưng, bạn bè, đồng nghiệp và cả người thân đã thấu hiểu và ủng hộ quyết định của tôi”, chị Duyên Hà tâm sự. Dù xác định làm mẹ đơn thân là sẽ đối diện nhiều khó khăn nhưng đôi lúc chị cũng không khỏi chạnh lòng. Ấy là những khi con đau, bệnh, chị phải đưa con đi bệnh viện một mình hay những đêm thức trắng chăm con. “Mọi chuyện rồi cũng qua, giờ cháu đã được hơn 3 tuổi, xinh xắn và rất ngoan. Mỗi ngày, thấy con vui cười là bao mệt mỏi như tan biến”, chị Duyên Hà nói thêm.
Chị Lê Thanh Mai (37 tuổi, ngụ phường 1, TP. Vũng Tàu) lại chọn cách làm mẹ đơn thân và cắt đứt mọi liên lạc với cha của đứa trẻ vì không cảm nhận được tình yêu với người đàn ông đó. Chị Mai kể, trước đây, chị làm việc tại một công ty truyền thông ở TP. Hồ Chí Minh. Anh là đồng nghiệp của chị, có ngoại hình cao ráo, đẹp trai. Hai người có quan hệ trên mức tình bạn và có lúc tưởng rằng có thể tiến tới hôn nhân, nhưng lạ thay chị không có cảm giác yêu đương khi bên anh. Vì vậy, khi biết mình có thai, chị quyết định nghỉ việc, về Vũng Tàu sinh nở, nuôi con một mình và cắt đứt mọi liên hệ với anh. “Đứa con là của riêng tôi và tôi sẽ nuôi dạy cháu thật tốt”, chị Mai quả quyết.
Chị Dương Thanh Thúy (32 tuổi, nhân viên ở một DN nhà nước ở TP. Bà Rịa) thì quyết định làm mẹ đơn thân sau một biến cố cuộc đời. Năm 24 tuổi, cô kỹ sư nông nghiệp mới ra trường với bao hoài bão ấy bị tai nạn lao động phải cắt bỏ một bên chân. Sau vụ tai nạn, người yêu đã rời xa chị. Biết rằng sẽ khó có người đàn ông nào chấp nhận đến với mình nên sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định sinh con một mình. Trước khi sinh con, chị gặp lãnh đạo công ty trình bày hoàn cảnh, nguyện vọng của mình. Rất may, lãnh đạo đơn vị và cả đồng nghiệp đều hiểu và tạo điều kiện giúp đỡ chị trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ. Hiện nay, con gái chị Thúy đã được 4 tuổi, có khuôn mặt xinh xắn giống mẹ. Nhìn 2 mẹ con chị Thúy hạnh phúc bên nhau, tôi thầm nghĩ đó là quyết định đúng đắn của chị.
Phải nỗ lực nhiều hơn
Chị Duyên Hà tâm sự, làm mẹ đơn thân, chị luôn phải nỗ lực gấp hai, gấp ba những phụ nữ bình thường, bởi cùng lúc phải đảm nhiệm hai vai trò của người cha và người mẹ. Tuy nhiên, khi con lớn dần cũng là lúc chị lo lắng chưa biết sẽ trả lời con ra sao khi một ngày nào đó, con thắc mắc về cha của mình. “Bất đắc dĩ tôi mới phải làm mẹ đơn thân. Tôi đã chuẩn bị những thứ tốt đẹp nhất dành cho con và sẵn sàng tinh thần để đương đầu với những khó khăn. Thỉnh thoảng, bạn bè thân thiết vẫn hỏi đùa cha cháu là ai, tôi cũng nửa đùa nửa thật trả lời: Bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ. Tôi dự định khi con gái lớn thêm và đủ hiểu biết, tôi sẽ nói cho cháu rõ để cháu hiểu và thông cảm với quyết định của mẹ mình”, chị Duyên Hà chia sẻ.
Còn chị Thúy cho rằng, khoảng thời gian mang thai và sinh con đối với người không lành lặn vất vả hơn gấp bội người bình thường. Dù lường trước những khó khăn, nhưng việc thiếu vắng sự chăm sóc, sẻ chia của người đàn ông cũng khiến chị không khỏi có những phút chạnh lòng. Nhưng với tình yêu thương con và khát khao làm mẹ, chị đã vượt qua tất cả. “Lúc đi làm giấy khai sinh cho con, khi viết vào tờ khai con không có cha tôi cảm thấy mình có lỗi với con quá. Nhưng vì hoàn cảnh éo le nên tôi mới phải lựa chọn con đường đó. Tôi tin rằng, khi lớn lên, con sẽ thông cảm và thấu hiểu cho nỗi lòng của mẹ”, chị Thúy tâm sự.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm truyền thông - tư vấn - đào tạo Ý Tưởng Việt (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chị đã từng tiếp nhiều trường hợp làm mẹ đơn thân đến trung tâm để nhờ tư vấn. Một số người nhìn bên ngoài mạnh mẽ nhưng cũng có những khi họ rất yếu đuối và muốn con họ có một gia đình trọn vẹn. Nhưng thông thường, những phụ nữ đã quyết định làm mẹ đơn thân là những người có suy nghĩ độc lập, không muốn phụ thuộc vào người khác và có sự chuẩn bị tốt cả về tâm lý lẫn kinh tế. “Hiện nay, xã hội đã có cái nhìn tích cực hơn với những người mẹ đơn thân. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu nhiều áp lực nên rất cần sự đồng cảm, chia sẻ từ cộng đồng, để họ có thêm niềm tin, động lực nuôi dạy con nên người, không bị thua thiệt so với chúng bạn”, bà Mỹ Hạnh nói.
(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.
Bình luận (0)