Phú Quốc là đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm cận vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc ngày nay còn có thêm mỹ danh là "Đảo Ngọc" bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, tài nguyên phong phú, đa dạng. Gắn liền với hòn đảo này là những giai thoại, truyền thuyết dân gian từ thời xa xưa, thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam, tạo thêm nét hấp dẫn cho đảo.
Giếng Tiên
Giếng Tiên cách thị xã An Thới, huyện đảo Phú Quốc, chừng 2km. Giếng Tiên là một mạch nước ngọt từ khe đá chảy ra, về sau được người dân xây tường bao quanh để lấy nước. Giếng đơn giản chỉ là một vũng nước nhỏ, nhưng rất kỳ diệu là cho dù lấy bao nhiêu nước, giếng cũng không bao giờ cạn.
Truyền thuyết dân gian nói về Giếng Tiên như sau: Chúa Nguyễn Ánh thất trận, bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông cùng tàn quân chạy ra Phú Quốc. Khi cặp bến thuộc An Thới ngày nay cũng là đến lúc lương thực và nước ngọt cạn kiệt, lòng quân hoang mang, dao động. Chúa Nguyễn đã cắm mũi kiếm xuống đá cảm thán: Nếu trời cho ta làm vua thì hãy ban cho nước ngọt và lương thực. Dứt lời, từ dấu mũi kiếm cắm xuống đá tràn ra nước ngọt. Còn từ biển nổi lên đàn cá cơm. Vậy là đoàn quân có lương thực và nước uống. Ngày nay, quanh khu vực Giếng Tiên còn một số dấu vết, được cho là của vua Gia Long như ghế ngự, vết kiếm, dấu chân, mũi Ông Đội (là tên của một vị tướng hộ giá, trầm mình nhổ neo cho vua chạy, bị sóng biển cuốn trôi).
Bà Kim Giao
Đây là nhân vật lịch sử đã đi vào truyền thuyết dân gian. Bà Kim Giao được xem là người đầu tiên có công khai phá đảo Phú Quốc.
Tương truyền, bà Kim Giao thuộc dòng dõi hoàng tộc Chân Lạp, do chính biến nên bà phải trốn sang đảo Phú Quốc. Tại đây, bà khai khẩn, lập dinh trại, khai thác đồng cỏ rộng lớn cho đàn trâu mà bà mang theo. Bà còn mộ dân phu khai khẩn đất hoang để canh tác, sản xuất. Những cánh đồng lúa xưa kia, ngày nay vẫn còn dấu tích, dân địa phương gọi là Đồng Bà. Trên đồng còn nhiều cột cây, dấu vết của những chuồng gia súc hồi ấy.
Dọc theo sông Cửa Cạn có một địa danh có tên gọi là Búng Dinh Bà. Nơi này, xưa kia bà Kim Giao lập dinh trại. Về sau, bà hồi hương về cố xứ. Truyền thuyết dân gian còn kể, bà đã giúp đỡ lương thực cho Chúa Nguyễn Ánh trong thời gian ông ẩn náu trên đảo lánh nạn Tây Sơn. Hiện nay có hai Dinh Bà. Một ở Cửa Cạn, một ở gần Dinh Cậu (Dương Đông). Dinh Bà (gốc) nằm trên hữu ngạn sông Cửa Cạn xưa kia là mái tranh vách lá đơn sơ. Ngày nay, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, Dinh Bà khang trang hơn. Hằng năm, dân chúng tổ chức cúng Bà vào rằm tháng Giêng âm lịch rất trang nghiêm, long trọng.
Điện thờ bà Kim Giao - người có công khai khẩn vùng đất Phú Quốc trong khuôn viên Bảo tàng Cội Nguồn. Ảnh: DUY KHÔI
Dân gian còn kể rằng lúc bà Kim Giao hồi hương có để lại bầy trâu. Sau này chúng sinh sôi nảy nở thành đàn trâu rừng sống hoang dã.Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, người ta vẫn còn gặp bầy trâu này ở khu vực Bắc Đảo.
"Sói lửa" hay Khuyển vương
Góp phần cho sự nổi tiếng của Phú Quốc là câu chuyện về giống chó Phú Quốc quý hiếm, gắn liền với truyền thuyết về loài "Khuyển vương" xa xưa trên đất đảo.
Ông Hai Suôl, một lão nông tri điền ở xã Bãi Thơm cho biết: Những câu chuyện về "Sói lửa" đã xuất hiện hàng trăm năm trên đảo. Ngày xưa, lúc trà dư tửu hậu các cụ thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện rất ly kỳ về chó xoáy, trong đó câu chuyện đáng tin nhất là chó xoáy Phú Quốc có nguồn gốc từ hoang đảo ở Ấn Độ Dương, được các hải tặc châu Âu nuôi trên tàu nên chúng thích nghi với sóng nước, biển cả. Trong một lần đi đánh tàu buôn trên biển, do gặp bão, bọn hải tặc phải tấp vào Phú Quốc tạm trú. Bầy chó xoáy xổng chuồng, chạy vào rừng. Từ đó, chó xoáy bắt đầu sinh sôi nảy nở trên đảo.
Người Thái đã có lúc cho rằng chó Phú Quốc có nguồn gốc từ Xiêm. Nhưng nhiều công trình nghiên cứu, phản biện có cơ sở của các nhà khoa học đã bác bỏ điều này và khẳng định chó xoáy là loài chó đặc hữu của Phú Quốc. Trên thế giới chỉ còn lại một vài loài giống này.
Chó Phú Quốc rất được các thợ săn tin dùng, người ta thường gọi nó là "khuyển vương" hoặc "sói lửa". Đây là loài chó tinh khôn, dũng mãnh, có thể tự săn mồi tha về cho chủ.
Ông Đạo Đụng
Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, ngày xưa có ông lão sống trong một hang đá trên đỉnh núi Hàm Ninh, ông hiền từ, râu tóc bạc phơ, dáng tiên phong đạo cốt. Ông tu hành và làm rẫy trên núi, rất hiếm khi gặp ông xuống núi. Chuối ông trồng, ông không bán mà đem xuống chân núi rồi treo ngay giữa ngã ba đường, khách đi đường có đói, cứ việc ăn. Nếu cần đến thực phẩm thì ông gánh một gánh củi xuống núi, để đó rồi về. Người dân sẽ mang thực phẩm đến, để lại và gánh củi về dùng. Dân địa phương chẳng biết tên ông là gì, họ gọi ông là ông Đạo Đụng. Bẵng một thời gian khá lâu, người ta không còn thấy ông xuống núi nữa. Họ lên hang đá tìm, thì ra ông đã mất. Nhiều người dân địa phương tin rằng ông Đạo Đụng là hiện thân cho lối sống không so đo, tính toán, thoát khỏi hỉ- nộ- ái- ố thường tình nên cho rằng ông đã tu hành đắc đạo thành tiên.
** *
Đảo Ngọc Phú Quốc ngày nay đã trở thành địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Đến hòn đảo tuyệt đẹp này tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá cảnh quan, nghe những giai thoại truyền thuyết xa xưa đầy thú vị.
Bình luận (0)