Để bắt đầu đợt hóa trị, những nữ bệnh nhân mắc bệnh ung thư phải cạo trọc đầu, bỏ đi mái tóc dài quý giá của người con gái. Hơn nữa, họ phải đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ về ngoại hình, nội tiết tố bên trong, sự xáo trộn trong cuộc sống cùng khoản tiền cực lớn để điều trị bệnh.
Bỗng hóa trọc vì ung thư
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với những người đàn bà bệnh nhân ấy tại khu nhà lưu trú - Bệnh viện K cơ sở Tân Triều diễn ra trong nước mắt. Hầu hết những bệnh nhân ở đây đều quấn khăn kín đầu vì muốn che đi mái đầu đã rụng tóc sau khi truyền hóa chất, xạ trị, số khác để đầu trần với loe hoe vài sợi tóc.
Đang sải bước trong khu nhà, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ trạc tuổi lục tuần với vẻ mặt khắc khổ của một người nông dân chân chất. Trên manh chiếu cũ trải ở hành lang, cô nằm co quắp một góc. Khi chúng tôi hỏi chuyện, cô không thể trả lời vì những lần hóa trị đã vắt kiệt sức lực.
Mái tóc ngày nào giờ rụng hoàn toàn, sức khỏe suy kiệt, kiên cường chiến đấu là vậy nhưng con đường chữa trị của cô còn nhiều gian nan phía trước. Không chỉ có bệnh tật mà nỗi lo gánh gồng cuộc sống cũng đè nặng lên đôi vai và giấc ngủ hàng đêm.
Đối với những người mắc bệnh ung thư, hóa trị là phương pháp không thể thiếu trong việc điều trị, đặc biệt là ung thư đã ở giai đoạn lan rộng và di căn. Việc điều trị hóa chất mặc dù giúp tiêu diệt tế bào ung như nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến những tế bào lành, gây nên những tác dụng phụ như nôn mửa, thiếu máu, giảm tiểu cầu, suy nhược, rụng tóc...
Việc mang trong mình căn bệnh ung thư không chỉ làm người bệnh phải chịu đựng những đau đớn về mặt thể trạng mà còn là những mất mát to lớn về mặt tinh thần. Với các chị, các bà,... mái tóc là thứ mang lại vẻ đẹp tự nhiên và thể hiện sự hiền dịu, việc từ bỏ mái tóc đen mượt trên đầu là điều bắt buộc phải làm dù họ không hề muốn.
Những cú sốc về vẻ ngoài khác biệt, sự thiếu tự tin, đôi khi mặc cảm bởi sự kỳ thị đã làm những phụ nữ này mất đi sức mạnh và sự lạc quan để chống chọi với bệnh tật trên một chặng đường dài. Chặng đường đó đòi hỏi ở chính họ một nghị lực phi thường gấp trăm ngàn lần.
Với các cô gái trẻ, chẳng may mắc căn bệnh ung thư thì chuyện lần đầu cắt bỏ mái tóc, hầu như ai cũng tiếc nuối. Em Nguyễn Bạch Yến (15 tuổi) vốn có mái tóc dài, luôn được em tết khá cầu kỳ. Em bị bệnh suy tủy xương, được bác sĩ tư vấn về việc cắt tóc để xạ trị nhưng tới lần thứ 3 cô gái trẻ ấy mới đồng ý. Và những ngày đầu khi có kiểu tóc ngắn mới, tối nào chiếc gối đầu của em cũng thấm ướt những giọt nước mắt.
Đối với bệnh nhân nữ mắc bệnh ung thư, mái tóc đen dài bị rụng đi là nỗi mất mát lớn
Cô Nguyễn Thị Tịnh (mẹ của Yến) cho biết, Yến đã chiến đấu với căn bệnh ung thư suốt 6 năm qua, đồng nghĩa với việc suốt 6 năm ròng rã, em sống trong sự mặc cảm với mái đầu trọc. Những đợt xạ trị khiến tóc em rụng dần. Lần đầu tiên nhìn cái đầu trọc trong gương, em đã khóc nức nở, về sau đến soi gương em cũng không dám. Nhờ mọi người động viên, giờ đây Yến cũng hiểu về diễn biến trong quá trình điều trị, em đã nhờ mẹ mua sẵn một chiếc mũ phòng tới khi tóc ngắn sẽ đội. “Con bé tủi thân lắm, nó vốn thích tóc dài, khi nào cũng bảo phải nuôi tóc dài để được tết, được tạo kiểu nhưng bất ngờ bệnh ập đến, tội nghiệp quá”, cô Tịnh thì thào nói.
Chẳng những vậy, với các chị đã làm mẹ thì chuyện “đầu trọc” thậm chí càng ám ảnh hơn gấp bội. “Lần đầu tiên truyền hóa chất, tôi chuẩn bị tâm lý tóc mình sẽ bị rụng. Bước tới đợt truyền hóa chất lần hai, tôi thấy tóc bắt đầu rụng, nhưng không rụng quá nhiều, tôi thoáng mừng vì có lẽ tóc mình rụng ít. Nhưng chỉ một tuần sau đó, tóc tôi đã rụng gần hết. Thấy tôi như vậy, cả nhà đều lo lắng, các con tôi rất sợ, không dám gặp mẹ. Ban đầu tôi đã tuyệt vọng, nhưng rồi tôi quyết định gần gũi con, nói với các con để chúng hiểu mẹ bị bệnh nên tóc mẹ rụng. Khi mẹ hết bệnh rồi tóc mẹ sẽ mọc lại. Dần dần các con tôi cũng hiểu và chúng lại quấn mẹ như xưa. Đấy là động lực to lớn giúp tôi chiến đấu với căn bệnh ung thư này”, một bệnh nhân nghẹn ngào chia sẻ.
Phụ nữ, dù bạo bệnh, thì cũng luôn mong mình xinh đẹp
Còn rất nhiều người phải đối diện với căn bệnh ung thư quái ác, nhưng bằng nghị lực sống phi thường họ đã làm nên những kỳ tích để lại cho cuộc đời. Trước mắt họ dù là những cơn đau vật vã, dù là những đợt xạ trị, hoá trị rụng tóc, lả người, dù là nằm bẹp trên giường với những cảm nhận đớn đau nhức buốt tận các tế bào thịt da thậm chí phải cắt hết những gì cần cắt, dẫu vậy sự sống cũng chẳng thể kéo dài quá 2 năm, 3 năm,...
Nhưng sau tất cả, họ vẫn cố gắng để chống chọi cùng bệnh tật. Gia đình đã giúp họ nuôi sống tinh thần mệt mỏi sau những tháng ngày đằng đẵng sống trong tâm trạng của một người biết trước được ngày tận thế của đời mình. Mái tóc dài đen nhánh, dịu dàng hay kiểu tóc ngắn năng động, cá tính đều là một phần kiêu hãnh của phụ nữ. Tuy nhiên sau quá trình hóa trị, niềm kiêu hãnh ấy của các bệnh nhân ung thư lại thưa thớt và rơi rụng dần.
Theo các bác sĩ lúc chưa truyền hóa chất, những cơn sốt khiến cơ thể người bệnh đổ mồ hôi, mái tóc có thể từng rất dài, rất dày và đẹp, giờ cũng sẽ bết lại, chua nồng. Trong khi đó, họ đang yếu phải hạn chế tắm rửa, lâu ngày tóc sẽ trở thành nơi tiềm ẩn những mầm bệnh. Vì thế, cắt để có mái tóc gọn gàng là giải pháp vừa vệ sinh, vừa thẩm mỹ cho người bệnh.
Ở phía hành lang bệnh viện, những bệnh nhân, ai ai cũng khuôn mặt rầu rĩ, người thì lo lắng chờ kết luận từ bác sĩ, người thì thất thần khi biết mình đã mang căn bệnh tử thần. Nhưng với chị, một bệnh nhân trạc tuổi ngoài 35, khuôn mặt chị lại ánh lên sự lạc quan khác hẳn bao bệnh nhân khác. So với những bệnh nhân đang điều trị ở đây thì chị là một người đặc biệt. Chị liên tục quay sang những người bệnh bên cạnh hỏi han, trò chuyện và động viên họ. Sau mấy lần đối diện với cái chết, chị vẫn là người phụ nữ biết làm đẹp.
Chị kể, mỗi sớm thức dậy, chị vẫn không quên kẻ lông mày, không quên thoa một ít phấn lên khuôn mặt. “Không phải mình cầu kỳ, kiêu sa gì đâu, chỉ là để cho đỡ sợ khi đứng trước gương thôi mà. Tôi tự nhủ bản thân phải kiên cường lên. Phụ nữ thì dù có bị bệnh vẫn cần phải đẹp, phải có niềm tin, để tiếp thêm sức mạnh cho riêng mình và cho cả người thân nữa chứ”. Nói rồi chị kéo mái tóc giả đang đội trên đầu xuống khoe với các bệnh nhân khác.
Người ta sẽ dễ nhớ tới một hình ảnh của bệnh nhân ung thư với cái đầu trọc lóc do tóc rụng trong thời gian điều trị hóa chất. Những mất mát này là những tổn thương không gì có thể bù đắp lại được. Cuộc đời mà họ biết trước rằng, sẽ có một ngày rất gần ở phía trước họ phải rời xa, buông bỏ. Có lẽ khi rơi vào hoàn cảnh oái ăm, người ta mới thấy trân trọng những gì mình đang có. Là phụ nữ, qua những cuộc chuyện trò ấy, tôi hiểu cảm giác của các chị lúc này. Mỗi sợi tóc rụng xuống là hy vọng sống của họ ngày một mỏng đi. Với những người phụ nữ không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ước mơ lớn nhất cuộc đời họ là luôn thấy mình thật đẹp.
Chia tay các chị, ra về, tôi bất chợt gặp hình ảnh một người đàn ông mang theo bộ tóc giả vào tặng vợ. Đó là món quà nhân kỷ niệm ngày cưới của anh chị. Anh muốn đưa vợ ra ngoài ăn những món chị vẫn thường thích nhưng chị từ chối vì tự ti với mái tóc đã rụng gần hết. Hiểu vợ, thương vợ, anh đã mua tặng chị món quà đó để chị được thấy lại mái tóc dài ngày xưa của mình và tự tin cùng anh ra ngoài dạo chơi. Thấy vậy, tất cả mọi người trong phòng bệnh đều nhìn nhau, lặng im. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ...
Bình luận (0)