Khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đang vào mùa khô nên rất nhiều người dân tại các huyện Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê đã lùng sục trong các cánh rừng, hang núi để săn loài bò sát đang được xem như “thần dược” này.
Cỡ nào cũng bắt
Đặt bẫy tắc kè trên hốc đá. Ảnh: Lê Anh
Sau khi có thông tin giữa tháng 1-2011, một người dân đi rừng ở huyện Kbang bắt được con tắc kè nặng hơn 300 gam, bán được hơn 10 triệu đồng, thời gian qua, rất nhiều người dân các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai đã bỏ công việc để đi lùng sục khắp các cánh rừng, hang núi để tìm những con tắc kè có giá “khủng” này.
Theo chân Nguyễn Văn Tuấn và Bùi Văn Minh- thị xã An Khê, chúng tôi có chuyến đi săn tắc kè tại những cánh rừng xã Yang Trung (huyện Kông Chro) và xã Lơ Ku (huyện Kbang) để tìm hiểu thực tế. Hành trang mang theo trong những chuyến săn ngắn ngày của Tuấn và Minh chỉ là một cuộn dây thừng (để đề phòng khi đu nơi vách đá), 5 ống nhựa (để bẫy lùa tắc kè vào).
Tuấn cho biết: “Chỉ cần những dụng cụ đơn giản vậy thôi, vì tắc kè sống trong các bọng cây và khe đá trên núi. Nhưng quan trọng là khi phát hiện phải bắt làm sao không để tắc kè bị đứt đuôi, vì đó là phần giá trị nhất của loại bò sát này, nên phải dùng ống lừa tắc kè chui vào. Nhiều người còn dùng cả bẫy chuột hay cần câu, thậm chí cả súng cao su (súng ná) nhưng cách săn đó dễ làm tắc kè bị thương hoặc chết…”.
Khi đến tiểu khu 755A, xã Yang Trung (huyện Kông Chro) chúng tôi tìm các bọng cây mục, do ban ngày tắc kè không di chuyển vì thị giác kém nên nằm yên nơi trú ẩn. Gần nửa ngày lùng sục, với hơn 20 bọng cây và hốc đá nhưng cũng chỉ phát hiện được 1 con chưa đầy 100 gam.
Cũng theo lời Minh: “Do dịp này vừa hết Tết nên ít người đi săn tắc kè, khoảng gần 1 tháng trước mỗi ngày có rất nhiều người tỏa đi khắp các cánh rừng để tìm tắc kè. Khi phát hiện, dù với trọng lượng nào cũng bắt sạch, những con nhỏ không bán được giá cao thì đem về bán cho những người sành nhậu để ngâm rượu với giá 200.000 đồng/kg, “không bổ trên thì bổ dưới” to nhỏ thế nào cũng có người mua…”.
Ngày hôm sau, chuyến đi săn của chúng tôi được tiếp tục, địa điểm lần này là khu rừng thuộc làng Tăng, xã Lơ Ku, huyện Kbang (thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku). Theo những thợ săn này, thì những cánh rừng có nhiều cây mục, hang đá tắc kè trú ẩn nhiều hơn vì chúng dễ kiếm thức ăn như mối, côn trùng... Cũng với hình thức săn bắt như trên, dù đã cố gắng hết sức, nhưng chuyến đi lần này cũng chỉ thu về 3 con tắc kè bằng ngón tay cái. Thất vọng, nhưng cả hai thợ săn này thừa nhận rằng, hơn 10 lần đi săn tắc kè thì chỉ mới bắt được 2 con gần 200 gam, còn lại toàn những con chưa đầy 100 gam, nhưng cứ đi tìm, xem như… hên xui.
Giấc mơ không có thật?
Dù vẫn chưa có ai tận mắt thấy con tắc kè nào nặng từ 300 gam trở lên nhưng trước những lời đồn thổi về công dụng mới của tắc kè trong y học như: Chữa bệnh ung thư, AIDS, liệt dương…, giá những con tắc kè trên 300 gam được đôn lên từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Loại này sẽ được xuất sang Trung Quốc, Thái Lan… để chiết xuất thuốc.
Những hốc đá cao nhưng các thợ vẫn hy vọng sẽ gặp may. Ảnh: Lê Anh
Để tìm hiểu thực tế của việc mua tắc kè, chúng tôi liên hệ với một người đàn ông tên Bá (SĐT: 0983.42x.) người Nghệ An (thường trú ở huyện Chư Sê) để tìm mối bán 3 con tắc kè nặng 250 gam. Sau nhiều lần liên hệ, Bá cho biết mình cũng chỉ làm trung gian cho các đầu mối, nếu có hàng thì cần thời gian để anh hỏi lại. Nhưng sau gần 2 ngày chờ đợi vẫn không thấy Bá trả lời, đến sáng 17-2, khi chúng tôi chủ động liên hệ lại thì nhận được câu trả lời hiện nay các đầu mối không mua vì hàng đang đứng.
Trao đổi với ông Võ Đình Chinh- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, ông cho biết: “Thực tế qua nắm bắt của kiểm lâm địa bàn và của Hạt Kiểm lâm về tình hình trước và sau Tết thì chưa có thông tin về việc ai bắt được con tắc kè 300 gam bán với giá hơn 10 triệu đồng. Cũng chưa thấy các mối thu mua vào tìm kiếm trên địa bàn. Với bao năm gắn bó với nghề, tôi chưa thấy có con tắc kè nào to như vậy cả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh về thông tin trên, đồng thời siết chặt công tác quản lý và bảo vệ rừng…”.
Không biết những tin đồn trên có độ chính xác đến đâu, nhưng rất nhiều người đã bỏ tiền của, công sức để lao vào tìm kiếm tắc kè. Người dân nên cảnh giác với những tin đồn thất thiệt để không phải mất thời gian tìm kiếm những… giấc mơ không có thật.
Bình luận (0)