xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thầy rắn miền sơn cước

Theo LƯU MỸ (An Giang Online)

Thường thuốc của ông tư Đền phải nấu bằng trấu nếp vào đúng mùng 5-5 tháng năm âm lịch hàng năm và chiếc lò phải đặt về hướng Tây.

Chỉ từ những bài thuốc dân gian mà ông Nguyễn Văn Đền (tư Đền, 79 tuổi, ngụ xã Núi Voi, Tịnh Biên, An Giang) đã giành lại sự sống từ tay “thần chết” cho nhiều người. Ông được cư dân núi Cấm gọi là thầy rắn miền sơn cước.

Mặc dù quê ở xã Núi Voi, nhưng tôi thường xuyên có mặt trên núi Cấm. Nơi đây quê hương thứ hai của tôi. Ngày trước, cây rừng rậm rạp, chưa có đường lên núi, người dân lội bộ bằng đường mòn. Mùa mưa đến, rắn, rết bò lổm ngổm. Người đi rừng phát rẫy, gặp rắn hoài. Có người bị cắn giữa rừng, tính mạng bị đe dọa. Thậm chí, có người bị rắn cực độc cắn chết tại chỗ...” - ông tư Đền chậm rãi kể lại những chuỗi ngày lên núi.


Thầy rắn tư Đền

Thầy rắn tư Đền

Thấu hiểu được nỗi khổ của bà con, ông tư Đền quyết tâm “tầm sư" học những bài thuốc trị rắn. Sau đó, ông rong ruổi khắp phum, sóc để tìm những bậc tiền bối giỏi trị rắn cắn. Cuối cùng, ông tư Đền đã “bái sư” một ông thầy Khmer trị rắn có tiếng tăm. “Sư phụ tui thường lui tới Campuchia nên ổng giỏi về những bài thuốc trị rắn cắn. Thấy tui tâm quyết làm việc thiện, ổng nhận làm đệ tử”- ông tư Đền nói. Các loài rắn độc ở vùng Bảy Núi, tư Đền đều chạm mặt trong những lần đi rừng.

“Bảy Núi có hàng chục loài rắn độc, như: Chàm quạp tượng, mái gầm (màu vàng-đen), hổ sơn (màu trắng- đen), hổ đất, hổ chúa, hổ chuối, hổ long, hổ hùm, hổ phụng...” -ông tư Đền liệt kê. Trong danh sách các loại rắn thì theo ông giới thầy thuốc “ngán” nhất là rắn hổ sơn. Bởi, loài này cực độc, nếu ai đó bị “táp” có thể chết tại chỗ.

“Loài rắn này giết một con trâu trong vòng 2 tiếng, nếu bị chúng tấn công. Hai năm trước, vào ban đêm có một học sinh trên núi bị rắn hổ sơn cắn. Gia đình rất chủ quan để con quá lâu không chịu chạy chữa thuốc thang. Sau đó, họ đem con đến nhờ tui cứu thì đã quá muộn...” - ông tư Đền buồn buồn.

Dấn thân vào nghiệp trị rắn cắn đã lâu và chứng kiến nhiều trường hợp bị “rắn dữ” cắn chết tại chỗ, ông tư Đền rất đau lòng. Do đó, lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng là làm sao sưu tầm được nhiều bài thuốc dân gian hay để cứu người. Mỗi năm, ông tư Đền chữa trị trên 50 người bị rắn độc cắn. Riêng trong mùa mưa năm nay, ông tư Đền trị trên 30 người, nhiều trường hợp bị rắn cắn tưởng “đời tàn”, nhưng khi chở đến ông thì được cứu chữa kịp thời.


Ông Chín Mót từng bị rắn độc cắn được ông tư Đền chữa trị

Ông Chín Mót từng bị rắn độc cắn được ông tư Đền chữa trị

Trong quá trình điều trị rắn cắn, ông tư Đền thường khuyên người bệnh phải kiêng các chất kích thích, như: Cà phê, thuốc lá, rượu, bia... Loại thuốc mà ông tư Đền điều trị chủ yếu là thuốc gia truyền của người xưa, mà ông thì phải lặn lội lên rừng tìm những cây thuốc quý cộng với sừng nai, rồi đem bào chế như “Thái Thượng Lão Quân” luyện tiên đan vậy.

Thường thuốc của ông tư Đền phải nấu bằng trấu nếp vào đúng mùng 5-5 tháng năm âm lịch hàng năm và chiếc lò phải đặt về hướng Tây. Sau đó, đem ngâm ủ đến 3 năm cho tính dược tăng cao thì mới sử dụng hiệu quả. Sừng nai phải là sừng “nguyên si” của con nai già. Nhưng theo ông tư Đền, hiện nay, sừng nai cũng bị làm giả nhiều. Nếu mua được những loại sừng trong những ngôi nhà ngói xưa còn sót lại thì rất quý và có vị thuốc cao.

“Loại sừng này rất đắt. Nhưng muốn cứu người thì phải “gồng” mình mà mua. Hồi trước, gia đình nghèo, không có tiền, tôi phải cưa hàng chục gốc gòn bán lấy tiền mua sừng nai để bào chế thuốc chữa trị rắn cắn cho người nghèo” - ông tư Đền nhớ lại.


Rắn độc là nỗi khiếp sợ đối với người dân Bảy Núi

Rắn độc là nỗi khiếp sợ đối với người dân Bảy Núi

Có nhiều người được tư Đền chữa trị rắn cắn, giành lại mạng sống, rồi bái ông làm sư phụ trên núi luôn. Ông Chín Mót (Lê Văn Mót, 60 tuổi), nhà gần động Thủy Liêm cho biết, trước đây ông bị rắn chàm quạp tượng cắn tưởng mất mạng. Nhờ gia đình chở đến thầy tư Đền mà chữa khỏi.

“Tui bái thầy Đền làm sư. Được ổng truyền lại những bài thuốc quý có xung quanh rừng, nên dễ tìm để cứu người trong lúc nguy cấp. Mới đây, tui cùng thầy Đền lội rừng tìm những cây thuốc quý đặc trị rắn độc cắn về trồng, như: Khổ qua rừng, cây dúi, ngãi mạch tàu...” - chú Mót tâm sự.

*Khi hỏi về việc trị nọc độc rắn cứu người có tính công không thì ông tư Đền cười khà: “Làm phước được phước, không cần trả công. Cái quan trọng là giúp đỡ bà con nghèo “tai qua nạn khỏi” là thấy vui rồi...”.

 

**Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Ngọc Kiếu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết, khi bị rắn cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc nước sát trùng càng tốt. Sau đó, băng bó tạm thời vết thương, nhưng không được cột chặt ở gốc chi (garrot vùng phần trên đùi, cánh tay gần nách) làm máu không lưu thông được có thể gây hoại tử chi. Đưa người bệnh đến trạm y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang tiếp nhận từ 25-30 cas bị rắn độc cắn. Hiện nay, bệnh viện có hai loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và rắn lục.

Khi người bệnh bị hai loại rắn trên cắn, nếu được điều trị sớm thì kết quả sẽ phục hồi nhanh chóng hoàn toàn và không để lại di chứng. Nếu đến muộn, những nơi bị cắn có thể hoại tử đành phải phẫu thuật cắt bỏ.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo