Trẻ em kết bạn, yêu đương sớm trên mạng sẽ dễ bị kẻ xấu lừa gạt.
Cuộc sống phát triển, nên nhiều bạn ở tuổi học sinh đã được gia đình cho sử dụng điện thoại thông minh, vi tính nên việc truy cập vào các mạng xã hội rất dễ dàng. Nhưng bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội mang lại cũng có quá nhiều cạm bẫy mà các em không lường trước được hậu quả.
Bọn tội phạm thường dụ dỗ các em vào bẫy "tiếng sét ái tình" rồi bỏ học, trốn gia đình sống bụi để chúng xâm hại tình dục (XHTD).
Bẫy tình trên mạng
Đang học THPT thì em N. bỏ học. Không biết con đi đâu, chỉ đến khi công an giải cứu đưa về gia đình mới tá hỏa là con bỏ nhà theo bạn trai sống chung.
Gia đình em N. cho biết: "Thấy N. ăn mặc có thay đổi nhưng gia đình cứ nghĩ cháu bước vào tuổi mới lớn. Đến tháng 3 vừa qua, con bé đi học nhưng không về, gia đình lo cháu bị dụ dỗ bán ra nước ngoài nên báo công an.
Sau gần 1 tháng tìm kiếm, công an phát hiện em ở chung nhà với bạn tại huyện Trà Ôn. Em được đưa về nhà và động viên đi học lại". N. cũng thố lộ quen bạn trên mạng rồi có cảm tình. Sau những lần hẹn hò, 2 đứa muốn sống chung nên quyết định trốn nhà đi.
Em Y. (SN 2001) cũng vì "tiếng sét ái tình" mà bỏ học và trốn gia đình ra đi. Sau hơn 2 tháng tìm kiếm, công an mới "giải cứu" được khi em đang thuê phòng trọ sinh sống cùng với bạn trai ở TP Hồ Chí Minh.
Đón Y. về, gia đình tuy vui mừng nhưng cũng "sốc" khi biết con đang chung sống với bạn trai. Không cầm được nước mắt, bà ngoại của Y. cho biết: Cháu học mới cấp 2, cha mất sớm, mẹ đi làm ăn xa. Hàng ngày, cháu vẫn ngoan ngoãn, hiếu thảo, học giỏi. Thế nhưng đầu năm 2017, cháu đi học rồi không về nhà.
Ngày đoàn tụ gia đình, Y. cũng nhận thức hành vi sai trái của mình là vì suy nghĩ bồng bột. Em cho biết, quen bạn trai trên mạng Zalo, qua nhiều ngày tỏ tình, 2 đứa quyết định đến với nhau để xây "túp lều tranh- 2 quả tim vàng" nơi phồn hoa đô thị.
Còn T. là học sinh THCS ở cù lao thuộc huyện Long Hồ cũng bỏ học theo bạn trai. Em sống vất vưởng như kẻ bụi đời, lúc đầu còn tiền thì thuê phòng trọ nghỉ, khi sạch túi thì ngủ qua đêm ở nhà bạn. Sau nhiều ngày sống bụi, công an đã tìm được em và giao cho gia đình.
Đây chỉ là những vụ gia đình trình báo, cơ quan chức năng tìm được đưa về nhưng trong thực tế còn nhiều em trong tình trạng "mất tích". Chỉ tính trên địa bàn huyện Long Hồ, đã có 11 em bỏ học, trốn nhà đi theo bạn quen trên mạng xã hội. Hiện tình trạng học sinh lên mạng kết bạn, yêu đương đang là vấn đề nhức nhối.
Ở lứa tuổi nhỏ, các em chưa đủ ý thức yêu đương mà chỉ ngộ nhận tình cảm rồi quyết định dại dột, làm ảnh hưởng đến việc học hành và cũng rất dễ trở thành món hàng, con mồi ngon cho bọn tội phạm.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, quản lý
Theo nhận định của cơ quan công an, những em quen nhau trên mạng rồi bỏ học trốn nhà theo những lời dụ dỗ, thường bị bọn xấu lợi dụng XHTD, bóc lột sức lao động, đưa vào tụ điểm phục vụ mại dâm hoạt động trá hình và nguy hiểm hơn là lọt vào tay bọn tội phạm buôn người.
Thường các em bị giám sát rất chặt nên khó tự giải thoát được. Những em may mắn được công an giải thoát kịp thời thì cũng bị ảnh hưởng nhiều đến chuyện học hành hay mặc cảm với bạn bè.
Hiện nay, phần lớn học sinh được cha mẹ cho sử dụng điện thoại di động có kết nối mạng bởi thế các em rất thành thạo lên Facebook, Zalo nhắn tin hẹn hò kết bạn rồi "cúp cua" bỏ học, yêu đương sớm. Trước tình trạng trên, một số trường cấm học sinh mang điện thoại vào trường.
Tuy nhiên, khi ra bên ngoài nhà trường thì không thể cấm. Do vậy, rất cần sự chung tay của xã hội và đặc biệt là gia đình cần quan tâm việc các em sử dụng mạng để định hướng những thông tin lợi ích hoặc kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ bồng bột, lệch lạc của các em.
Thầy Lê Thành Đạm- Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Hòa- cho biết, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, động viên học sinh chú tâm vào chuyện học tập, hạn chế lên mạng rồi tập tành yêu đương sớm. Nhà trường còn thành lập tổ tư vấn những vấn đề thắc mắc trong cuộc sống, giải tỏa những tâm tư của học sinh và các thông tin của các em đều được giữ bí mật.
Thượng tá Nguyễn Văn Lương- Phó trưởng Công an huyện Long Hồ- cũng khuyến cáo đến các bậc phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục bằng những hình thức trực quan, nhằm nâng cao nhận thức hành vi bị XHTD, thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người, lừa gạt để các em tự bảo vệ, kịp thời tố giác chúng ra pháp luật.
Mạng xã hội là không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nhưng cần chọn lọc những thông tin có ích. Bởi thế nhà trường, gia đình cần định hướng các em khi sử dụng mạng xã hội và cần quản lý, kiểm tra, hướng dẫn các em tự nhận biết thủ đoạn của bọn tội phạm để bảo vệ mình.
Bình luận (0)