Nếu như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người xưa vì kinh hãi vóc dáng to lớn, sức mạnh kinh hồn cùng bộ hàm sát thủ đã gọi cá sấu là “thuồng luồng” thì ở chốn biển dã, trong tâm khảm của nhiều ngư dân lão niên, thuồng luồng chính là loài chình sống dưới đáy các rạn san hô. Không như loài chình nước ngọt bé tẻo teo thường thấy bày bán trong các quán nhậu, chình nước mặn với thân rắn, răng chó, đuôi lươn, có dáng vóc khủng, đặc tính hung dữ. Điều đáng buồn là đặc tính này không cứu nguy cho loài chình, mà trái lại, càng khiến chúng đối mặt với những mối nguy đến từ các cần thủ sẵn sàng bán mạng để trục xuất chúng ra khỏi biển!
Để biết chình biển khỏe và dữ cỡ nào, chúng tôi theo chân nhóm cần thủ gồm 5 người do ông Bảy Nhạnh, giám đốc một công ty chuyên cung ứng hàng nông sản cho các siêu thị tại TP HCM, đến xứ trầm hương (Khánh Hòa), để tận mục sở thị.
Ông Bảy như nhiều cao thủ trong lĩnh vực buông cần tâm sự, lúc đầu ông chỉ câu luẩn quẩn trong thành phố, chủ yếu là câu cá nước ngọt, sau nâng cấp thả câu ở khu vực nước lợ tại cửa biển Cần Giờ (TP HCM) và sau cùng thì chuyển hẳn sang câu cá nước mặn.
Cánh cần thủ đang buông câu ở Bãi Tiên và khu vực thường xuất hiện những “cụ” chình khủng.
“Do nạn săn bắt bừa bãi và do ô nhiễm leo thang nên nguồn cá ở sông suối ngày càng khan hiếm, trọng lượng lại chẳng đáng là bao. Mà khi đã dính sâu vào cái nghiệp buông cần rồi, ai cũng muốn đối mặt với những con cá khổng lồ, thích cái cảm giác phải đấu vật, phải quần hết sức, quần hàng giờ đồng hồ, có khi 3-4 người cùng hợp lực để câu con mãnh ngư thuộc loại ác chiến... Muốn được thỏa cái cảm giác ấy, chỉ có cách duy nhất là hòa mình với biển” - ông Bảy, tâm sự.
Từ hơn 10 năm qua, ông Bảy đã rong ruổi buông cần khắp các tỉnh miền Trung từ Bình Thuận ra đến Đà Nẵng. Lang bạt khắp các đảo gần đảo xa, sau những chuyến đi buông câu bất tận như thế, ông Bảy khẳng định vịnh Nha Trang chính là “thiên đường” vì không quá xa như các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng..., và quan trong hơn, thành phố biển xinh đẹp này có nhiều đảo với hệ thống san hô phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài cá rạn, hội đủ các yếu tố ngon, lạ và khỏe. Trong đó nổi bật nhất là loài chình biển.
“Dân đi rừng không sợ cọp beo mà ngán nhất là trăn rừng. Bởi những loài kia chỉ nghe thoảng mùi người là chạy mất dép, chúng hiếm khi chủ động tấn công người nếu không cảm nhận sinh mạng bị nguy hiểm. Nhưng với loài trăn khủng thì không. Vùi mình dưới lớp cành lá hoai mục, khi phát hiện được mục tiêu, những con trăn khủng dài 5-6m, có khi cả chục mét với cú quăng mình chớp nhoáng quấn chặt con mồi bất kể đó là nai, voọc, heo rừng hay... người.
Khi chộp được thì trăn vừa siết chặt, vừa dùng đốt đuôi lần chọc vào vùng rốn hay hậu môn con mồi cho mau chết và cho thịt nát xương tan. Sau đó nó từ từ há mồm nuốt chửng con mồi có khi nặng hơn nó hàng chục ký. Với kiểu săn tàn độc như thế nên dân đi rừng rất khiếp sợ loài trăn...”.
Kể chuyện về loài trăn rừng, như ông Bảy, Tư Ngãi, chuyên câu chình bán cho các nhà hàng đặc sản chép miệng ví von rằng, trên rừng, loài trăn khủng khiếp bao nhiêu thì dưới đáy biển, trong các ghềnh gộp san hô, loài chình biển cũng khủng khiếp như vậy: “Chình sống cố thủ trong các hang hốc ở các rạn san hô trong khuôn viên vịnh Nha Trang như ở khu Bãi Tiên, Bích Đầm, Đầm Bấy... Tại các nơi này, từng có người câu được những con chình cụ hàng chục năm tuổi, nặng gần 30kg. Để đưa được những con chình cụ ấy lên bờ, cần thủ phải vật lộn mệt lừ, có khi quần từ sáng tới chiều tối mà phần thắng lại thuộc về... con chình khủng”.
Điểm câu “thuồng luồng biển xứ trầm” mà nhóm ông Bảy cắm chốt là khu ghềnh gộp ở Bãi Tiên, trên đường Phạm Văn Đồng nối dài. Nơi đây ghềnh đá trập trùng, có những đoạn đá nhoài ra biển, đứng từ trên cao nhìn xuống trông như chiếc lưỡi đen ngòm của hà bá chực chờ nuốt chửng những con người nhỏ bé dám bạo gan chọc giận thủy thần.
Cận cảnh một con chình biển khổng lồ.
Thủy, 32 tuổi, thành viên nhỏ nhất trong nhóm cần thủ săn chình đến từ TP HCM cho biết khu vực này hiểm trở, sóng dập liên hồi, ghềnh gộp nguyên thủy qua ngàn vạn năm được dòng chảy bào soi thành hang hốc lởm chởm. Khu vực này có nhiều loài thủy sinh cư trú như cua, các loại ốc... là thực phẩm khoái khẩu của chình biển, nên chình cư trú rất đông.
“Vùng này nhờ hiểm trở, dòng chảy phức tạp, sóng dập liên hồi nên dân lặn không dám mạo hiểm, nhờ vậy Bãi Tiên khá nguyên sơ, binh tôm tướng cá còn nhiều, nhất là chình, con nào con nấy bự cành cành, nhìn gớm ghiếc lắm”. Đó là tâm tình của ông Sáu Sảnh, ngư dân lão luyện chuyên lặn biển trục vớt sản vật đại dương như cua huỳnh đế, ốc tù và, hải sâm, nhum, cá thiết giáp... vốn là những món ngon trứ danh rất được khách du lịch lắm tiền và sành ăn dòm ngó.
Ông Sáu cũng từng săn chình và theo chia sẻ của ông, với nghề lặn, ông không ngại lặn sâu, nằm lâu dưới đáy biển hay những dòng chảy quỷ thần, ông chỉ sợ lúc mò ở rạn hay bắn cá gặp phải những con chình tinh: “Chình ở vùng biển Khánh Hòa có nhiều loài như chình mun, chình hoa, chình lá, chình rắn... Chình càng lớn, càng lâu năm tuổi, thịt càng dai và ngon nên càng được giá. Vì thế khi lặn biển, gặp chình, cánh thợ lặn sẽ cố bắn. Nhưng chỉ là bắn những con nho nhỏ dăm bảy ký thôi, chứ loại chục ký trở lên thì phải tính toán, nghĩ suy dữ lắm”.
Phải tính bởi theo dân lặn, chỉ cần một cú bắn trượt thì thợ săn sẽ đối mặt với cơn cuồng nộ của hung thần đại dương: “Yếu huyệt của loài chình biển là phần đầu của nó. Nếu bắn trúng tam tinh thì con vật sẽ gục ngay lập tức nhưng nếu trúng thân thì nó sẽ nổi điên. Khi ấy, nó hoặc rút sâu vào rạn, hoặc điên cuồng lao tới tấn công tay thợ lặn”.
Trong hai tình huống trên, tình huống nào thợ săn chình cũng gặp nguy bởi rất khó lường tâm tính của chình: “Có khi bị trúng đau, nó chưa vội phản ứng mà nằm im kiểu như giả chết. Nếu khinh suất mình tiến tới nắm lấy mũi tên lôi nó ra ngoài sẽ bị nó kéo vào trong. Bằng không thì nó lao ra dùng cái mõm răng chó tấn công theo kiểu sống mái với kẻ thù. Lúc này, tính mạng của dân lặn sẽ lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc bởi quá trình quần thảo như vậy sẽ khiến họ bị đứt ống dẫn hơi, không kịp ngoi lên bờ sẽ bị sức ép của dòng chảy làm đứt mạch máu, chảy máu lỗ tai, nhẹ thì liệt bán thân hoặc toàn thân, nặng thì chết ngay dưới biển”.
Lặn biển từ tuổi 13, đến nay đã ngoài 40 tuổi, có thâm niên gần 3 thập kỷ bám đáy đại dương, vô số lần đối mặt với chình biển vậy nhưng khi nhắc đến những mối nguy khi “giáp lá cà” với loài này, thợ lặn Trần Sáu, ở xã miền biển Lương Sơn, cách Bãi Tiên khoảng 10 cây số, tỏ ra e dè. Anh Sáu cho biết, vết cắn của chình rất độc, nọc độc theo răng đi thẳng vào máu thợ săn, nếu không kịp nhổ rong biển chà vào vết thương thì cứ chảy máu hoài, nhiễm trùng máu rồi chết.
Là nỗi khiếp đảm của dân lặn chuyên nghiệp nhưng những con chình biển lại là “con mồi” hấp dẫn của cánh cần thủ như ông Bảy Nhạnh để thỏa thú đam mê chinh phục, nhất là với dân chuyên câu chình bán cho các nhà hàng đặc sản Tư Ngãi... Con chình càng bự, càng khỏe, càng dữ thì cánh cần thủ càng khoái. Mồi câu chình là các loại cá để cho thịt thối rồi móc vào dây câu loại tốt của chiếc cần câu lên đến cả chục triệu đồng, có khi còn hơn thế nữa.
“Cho dù câu giải trí, hay câu kiếm cơm thì đừng tưởng không nguy hiểm gì. Câu biển, mà là câu rạn, câu ghềnh nói chung, câu chình nói riêng nhìn thì thấy thơ mộng với khung cảnh êm đềm, cần thủ ngồi trên ghềnh đá thoai thoải trong tiếng sóng vỗ nhẹ tung bọt trắng xóa, trong gió lộng và nắng vàng lan tỏa nhưng kỳ thực tiềm ẩn nhiều mối nguy chết người” - cần thủ tên Bình, nhân viên tín dụng của một ngân hàng khá tiếng tăm tại TP HCM, tiết lộ.
Cá chình biển là món đặc sản trứ danh được nhiều người săn lùng.
Theo Bình, mối nguy đó đến từ những cú giật mạnh của con cá đại cồ khiến cần thủ bất ngờ té va đầu vào đá rồi bị dòng chảy dữ dằn cuốn nuốt. Mối nguy đó cũng đến từ việc cần thủ bị say gió, say nắng bỗng dưng đổ mình về phía biển, nếu không được ứng cứu sẽ chết mười mươi. Ông Sáu Sảnh đáp lời rằng, mối nguy đó cũng đến từ việc trời yên biển lặng bỗng dưng xuất hiện cơn gió quỷ khiến sóng bất ngờ dâng cao đột ngột phủ vào ghềnh kéo rồi nhấn chìm, biến các cần thủ sớm làm bạn với... hà bá!
Trở lại hành trình săn thuồng luồng khủng của nhóm cần thủ quý tộc ở TP HCM. Lúc này 1 giờ trưa, đã hơn 3 giờ kể từ lúc buông cần, đích thân ông Bảy sau hồi dài vật lộn đã câu được chiến lợi phẩm là mấy con chình dài hơn 1m, mỗi con nặng gần 2kg. Cánh thợ câu Tư Ngãi thì lợi hại hơn với chiến lợi phẩm là 7 con chình khủng, trong đó có con dài gần 2m, nặng hơn 5kg. Con chình này sau đó được một chủ vựa chuyên thu mua hải sản tại khu vực Bãi Tiên “tuyển”, đưa vào phuy nước mặn có sục khí ôxy đặng để nó được tươi sống khi về tới TP HCM, vào bồn kính của một quán đặc sản biển hạng sang ở khu quận 1.
Chình cỡ ngoài 1m nhìn đã thấy sợ, nói chi con chình dài gần 2m. Còn nhớ lúc bị Tư Ngãi dụng sức kéo lên bờ, con quái vật hung dữ vùng vẫy dữ dội, và chẳng biết bằng sức mạnh kinh hồn nào mà nó ngóc thẳng người tựa như rắn hổ ngóc đầu phùng mang tiết nọc độc chuẩn bị giết chết con mồi...
Giữa biển trời lồng lộng, sau chặng đường xa với bao háo hức và những khoảnh khắc căng thẳng hồi hộp, với kẻ ngoại đạo như tôi, hay với những tín đồ nghiện buông cần như ông Bảy thì đây quả là chuyến thả câu thú vị. Nhưng như ông Sáu chia sẻ, với dân câu chình vì kế sinh nhai, mỗi con chình được trục vớt từ đáy biển sâu luôn dập dờn bóng dáng của... thần chết mà ông cũng vì chẳng muốn bỏ thây dưới đáy biển đã giã từ nghề!
Ông Sáu lời rằng ông giã từ nghề săn chình còn vì một lẽ, vì ông thương số phận của loài này, chúng từng một thuở xuất hiện khắp biển nhưng vì bị người ta săn riết quá mà ngày càng cạn kiệt giống nói: “Qua nghe nói nó có tên trong Sách đỏ Việt Nam, cấm mọi hành vi săn bắt nhưng người ta săn, câu hà rầm đó, có ai làm gì họ đâu” - ông Sáu khép lại số phận buồn của loài chình bằng tâm tình đong đầy trăn trở ấy!
Bình luận (0)