Nhảy cao như… ngựa
Cánh đồng biên giới Tịnh Biên (An Giang) đã vào mùa nước rút, đập tràn Tha La và Trà Sư chảy cuồn cuộn. Ngồi bên chiếc trẹt nhìn đăm chiêu về luồng đáy của mình, ông Dương Văn Răng (48 tuổi) thở dài: “Xuống luồng đáy được hơn tháng nay, nhưng cá mắm thì dính ít quá! Đã đến thời điểm con nước cá ra mà chỉ dính vài ba ký cá linh, cá chốt, cá rô... Còn những loại cá lớn cũng hiếm dần, cá ngựa hầu như không thấy”. Từ khi con lũ rút đến nay, luồng đáy của của ông Răng chỉ dính được duy nhất một con cá ngựa cỡ 3 ngón tay.
Khoảng 10 năm trước, ông Răng đã cùng cha mình đi đóng đáy tại các khúc kênh bắt dính nhiều cá ngựa. Loài cá này rất khó bắt, nếu là vó gạt thì chỉ cần động nước là nó sẽ “bay” vụt khỏi mảnh lưới. “Hồi đó, mỗi lần kéo vó gạt phải dùng vợt mà canh. Khi ốp gần đến đoạn cuối của luồng vó là cá ngựa bay lên cao khỏi mặt nước khoảng 3-4m. Các loài cá họ chép, thậm chí cá lóc cũng phóng không hơn loài cá ngựa.
Trước đây, lũ về dính đú cả trăm ký cá ngựa, một con cỡ 300- 500gram, có con nặng hơn 1kg, còn nay thì chỉ dính vài ba con nhỏ xíu. Bây giờ loài cá ngựa chỉ còn từ Biển Hồ trôi dạt về, nhưng cũng hiếm gặp lắm” - ông Răng quả quyết.
Ông Trần Văn Bảy ở vàm xáng Vịnh Tre (Châu Phú), người có kinh nghiệm trong nghề chất chà trên sông Hậu cho biết, ông đã giở chà được 2 lần mà chủ yếu dính cá mè vinh, cá linh, cá lăng các loại, riêng đối với cá ngựa thì chưa thấy. “Mấy năm trước, tôi giở chà phải treo lưới cao khỏi mặt nước khoảng 4m để bắt cá ngựa. Nếu mình treo lưới thấp quá thì khó mà bắt loại cá này” - ông Bảy nói.
Cũng theo ông Bảy, cá ngựa là loài nhút nhát và tinh khôn. Mỗi lần lặn bao lưới quanh đóng chà là chúng nhảy vọt ra khỏi lưới. Chắc có lẽ loài cá này bay cao nên ông bà xưa gán cho cái tên “cá ngựa” là như vậy.
Dần tuyệt chủng
Đến láng trại cất sát kênh Vĩnh Tế của ông Nguyễn Văn Siếu (63 tuổi) vào buổi trưa nắng gắt cũng là lúc ông đang cùng những người con trai đổ đú trên đồng về. Khom lưng lựa, phân ra từng loại cá để cân cho thương lái bán buổi chợ chiều, ông Siếu cho biết, mùa lũ này cá linh cũng ít, cá chèn bầu, cá chốt cũng thưa dần, còn cá ngựa thì hiếm hoi mới thấy.
“Năm ngoái, luồng đú của tôi chạy mỗi ngày 200-300kg cá chợ, còn nay thì chỉ vài chục ký là cùng. Cá ngựa năm nay chỉ có vài ba con nhỏ bằng ngón tay. Ngày trước, loài cá ngựa đặt chạy đầy thau, cá ngựa cỡ cườm tay nướng hoặc kho lạt rất ngọt” - ông Siếu nói.
Nhìn dòng nước lũ đang rút dần, ông Siếu tặc lưỡi: “Năm nào cũng vậy, cứ nước lũ lớn hay nhỏ, ai nấy cũng đều đem xuyệt ra đồng bắt cá. Nhưng họ đâu nghĩ rằng vô số cá lớn, cá bé chết yểu dưới nước. Rồi đây, con cá ngựa từng mệnh danh là loài ngang ngược nhờ có bản năng bay cao cũng sẽ đi vào quá khứ nếu người dân đánh bắt vô tội vạ”.
Qua rồi cái thời hoàng kim của cá tôm đầy ắp sông rạch, thậm chí ăn không hết, muốn dự trữ phải cắt đầu làm khô, làm mắm ăn mãn năm. Còn nay thì cá dần cạn kiệt nên hình ảnh con cá ngựa nhảy, lội tung tăng trên mặt nước ngày nào cũng dần đi vào huyền thoại.
Theo Chi cục Thủy sản An Giang: Cá ngựa tên khoa học là Hampala macrolepidota. Đặc điểm phân loại: Cá có các tia vây đều đỏ nhạt; có vệt đen nằm ở giữa đường bên. Cá ngựa dài khoảng 60cm, phân bố ở lưu vực sông Mê Kông, sông Chao Phraya (Thái Lan),…5 năm trước có cá ngựa cỡ cườm tay, còn nay thì hiếm.
Bình luận (0)