Đã qua mùa cá linh non nhưng chưa quá già nên cá vẫn còn chế biến được khá nhiều món. Cá nhiều nên giá cũng mềm hơn so với đầu mùa, người dân địa phương phải trả 120.000 – 150.000 đồng cho một kg cá. Trước đây, cá linh chẳng ai đoái hoài nhưng bây giờ lại là nguồn thu đáng kể của người dân vùng lũ.
Cá linh mùa này kho lạt rất tuyệt. Cá vừa làm sạch, cho gia vị vào ướp liền để giữ vị ngon. Để cá không bị ươn, người ta giữ lạnh trong thùng đá hoặc tủ lạnh. Sau đó, thắng nước màu từ đường cát hoặc đường thốt lốt rồi cho nước vào. Khi nước sôi mới cho cá vào, chờ sắc nước một chút cho cá vừa chín là được. Như tên gọi của nó, gia vị, nước mắm được nêm vừa phải, không quá đậm đà. Khi ăn, nhiều người dầm me vào để tạo vị chua. Phần lớn dùng nước cốt chanh. Ăn kèm với món này là bông súng tươi và bông điên điển rửa sạch.
Những món chỉ có vào mùa nước nổi kết hợp lại với nhau luôn tạo ra dư vị khác biệt, không lẫn vào đâu được. Món cá linh kho lạt và bông súng, điên điển là một món như thế. Món này xuất phát từ những người kiếm sống mùa nước nổi. Trước đây, cá linh rất nhiều. Cứ buông lưới là dính cá. Người ta lấy cá linh kho qua loa rồi tiện tay hái bông súng, bông điên điển có sẵn trên đồng, kết hợp lại là đã có món ăn cho bữa cơm trưa. Dân dã là thế nhưng giờ đây đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mùa nước nổi. Các chủ quán ăn, nhà hàng địa phương cũng tận dụng khai thác món ẩm thực dân gian này thành đặc sản thu hút khách.
Nếu không thích ăn ở hàng quán, du khách có thể nhờ gia đình của chủ ghe nấu cho một bữa ăn từ những thứ dân dã, có sẵn trên đồng. Với lòng mến khách của người miền Tây, chắc chắn không ai từ chối lời đề nghị của bạn!
Bình luận (0)