Ảnh: Internet
Gỏi cá Tân Mai được làm từ cá điêu hồng, cá chép hay cá tai tượng, nhưng phổ biến vẫn là cá điêu hồng vì nhiều thịt. Từng miếng thịt cá tươi ngon được lọc ra từ những con cá còn sống, sau đó trộn với hỗn hợp gia vị như: riềng, hành, tỏi, sả, thính… rồi bày ra đĩa. Gỏi cá không ăn sống mà ăn kèm với nước sốt. Đây cũng chính là nguyên liệu quan trọng quyết định độ ngon của món ăn này.
Nước sốt được chế biến từ thịt cá, gan cá, mỡ cá, riềng, sả, hành tím… thành một hỗn hợp sền sệt, trên mặt rải một ít hạt mè. Nước sốt dựng trong một cái xoong nhỏ, để trên bếp ga. Khi nước sôi, tỏa ra một mùi thơm hấp dẫn của các gia vị.
Ngoài nước sốt, gỏi cá còn ăn kèm với rau sống nhiều loại, từ đinh lăng, lá lốt, lá mơ, lá sung đến húng quế, ngò gai, tía tô, diếp cá…
Lấy một miếng cá, gói chung với các loại rau, nhúng vào nồi nước sốt, sẽ thưởng thức được vị tươi ngon, ngọt thịt của cá; vị nồng, chát, hăng, ngọt bùi của rau hòa quyện vào vị béo, mặn, cay của nước sốt. Kèm với gỏi cá lúc nào cũng có đĩa bánh đa. Có thể nhấm nháp bánh không hoặc chấm bánh với nước sốt để thử cảm giác lạ khi kết hợp hai thứ với nhau.
Vừa thưởng thức món ăn đặc sắc, vừa ngắm nhìn dòng sông Đồng Nai lững lờ trôi, bên kia sông là Cù lao Phố, phong cảnh hữu tình, cảm giác không gì tuyệt hơn.
Bình luận (0)