Đêm xuống, bên bếp lửa bập bùng, già làng Cao Minh Giao (thôn Sông Cạn Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Ranh, Khánh Hòa) bồi hồi kể chuyện ngày xưa, thời mà tục “ngủ thảo” để kén chồng của người con gái Raglai rất được coi trọng.
Già làng Mấu Tà với nỗi nhớ về những luật tục đẹp của người Raglai
“Ngủ thảo” nhưng không vượt rào!
“Hồi đó, để được vợ bắt về làm chồng, tôi phải trải qua hai năm “ngủ thảo” cùng vợ. Những lần “ngủ thảo” là những lần giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, nuôi nấng cho tình yêu của chúng tôi lớn hơn. Khi thấy ưng cái bụng, chúng tôi xin cha mẹ cho cưới nhau để chính thức thành vợ, thành chồng. Nhờ hiểu nhau nên vợ chồng tôi sống rất hòa thuận” - già làng Giao kể.
Theo dòng ký ức, ông cho biết, cách đây hơn 40 năm, vợ ông là cô gái đẹp nhất, nhì ở làng. Nét đẹp của bà làm trái tim của nhiều chàng trai, trong đó có ông ngẩn ngơ. Trong những đêm lễ hội, các chàng trai của làng cứ say đắm quấn theo từng bước chân, điệu nhảy của bà để mong được bà đồng ý cho ngủ thảo. Tối đến, khi lễ hội tan, dưới chân cầu thang ở chái nhà bà, lúc nào cũng có vài chàng trai đứng chờ với niềm mong mỏi được bà mời lên ngủ thảo cùng. Rồi bà chọn ông, một chàng trai giỏi đánh mã la, làm nương rẫy. “Ngày đầu tiên khi nàng đồng ý cho mình lên nhà ngủ thảo cùng, mình mừng lắm nhưng tim cứ đánh thon thót vì run. Đêm đó, do run quá mình chẳng nói được với nàng câu gì, 2 đứa cứ lặng yên nằm bên nhau rồi mình ngủ thiếp đi lúc nào không hay” - ông cười kể.
Mấu Tà kể cho con cháu nghe về những luật tục đẹp của người Raglai.
Gần 55 tuổi, khuôn mặt của bà Thị Mơn (thôn Sông Cạn Trung, Cam Thịnh Tây) đã có nhiều nếp nhăn, nhưng cái duyên, cái đẹp của bà vẫn còn hiện rõ trên đôi mắt, khóe miệng. Nhớ về những ngày tháng ngủ thảo kén chồng, bà Mơn xúc động: “Những ngày mình và Mang Bia - chồng mình ngủ thảo cùng nhau, tụi mình tâm sự nhiều chuyện lắm. Như chuyện ưng nhau rồi sẽ làm gì để có cái ăn, đặt tên cho con là gì, có thương nhau thật bụng không... Sau hơn 1 năm ngủ thảo, thấy Mang Bia tốt bụng, hay phụ giúp gia đình mình làm rẫy, mình mới bắt Mang Bia làm chồng. Của hồi môn bắt chồng của mình là 1 cái rựa. Từ của hồi môn, 2 vợ chồng lên rừng phát rẫy, làm nương. Đến giờ vợ chồng mình đã có 4 người con. Các con đều đã lập gia đình, có việc làm ổn định”.
Hỏi chuyện, những người lớn tuổi ở xã Cam Thịnh Tây cho biết, theo phong tục ở làng, con gái Raglai khi đến tuổi trưởng thành đều được cất riêng một chái nhà cạnh nhà cha mẹ. Chái nhà đó là nơi ở của cô gái, cũng là nơi cô gái có thể mời chàng trai mình thích về ngủ thảo. Sau khi bắt chồng, chái nhà đó trở thành nhà chung của đôi vợ chồng trẻ. Không ai biết, tục ngủ thảo có từ khi nào, chỉ biết tục lệ này chỉ dành cho con gái, con trai chưa lập gia đình. Khi các chàng trai, cô gái phải lòng nhau thì cô gái chủ động mời chàng trai về ngủ thảo. Ngủ thảo không diễn ra một đêm mà rất nhiều đêm. Những đêm ngủ thảo là dịp để đôi trai gái thổ lộ, chuyện trò, tâm tình nhằm thấu hiểu lòng nhau, rồi yêu nhau chứ không được quan hệ thân xác. Sau những đêm ngủ thảo, khi nhận ra rằng không thể sống thiếu nhau, cô gái sẽ mở lời với gia đình tiến hành thủ tục bắt chồng. Bố mẹ hai bên sẽ đưa đôi trai gái ra trình diện với các bậc cao niên trong làng để xem đôi nam nữ có quan hệ đồng huyết hay không thì mới được kết hôn. Ngược lại, nếu không ưng thuận nhau thì đôi trai gái chia tay, không trách hờn, ghét bỏ, vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về nhau.
“Trong thời gian ngủ thảo, các cô gái vẫn có thể mời chàng trai khác về ngủ thảo, chàng trai đó cũng vẫn có thể đến nhà các cô gái khác ngủ thảo nhưng hoàn toàn không có chuyện ghen tuông. Nếu đôi trai gái nào trong lúc ngủ thảo mà lỡ “vượt rào” thì sẽ bị làng phạt nộp trâu, bò, heo, thậm chí có thể bị đuổi ra khỏi làng nếu còn tái phạm” - ông Mang Bia cho biết.
Phạt nặng chuyện “ăn cơm trước kẻng”
Tuy không có tục ngủ thảo như ở xã Cam Thịnh Tây, nhưng những hành vi “ăn cơm trước kẻng” của các đôi trai gái chưa lập gia đình của người Raglai ở huyện Khánh Vĩnh cũng bị phạt nặng không kém.
Già làng Cao Xung (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) cho biết, theo tập tục của người Raglai, ai vi phạm những điều cấm kỵ trong hôn nhân như quan hệ bất chính, quan hệ tình dục trước hôn nhân đều bị xem là làm theo lời xúi giục của ma quỷ nên bị làng phạt rất nặng. Nếu đôi trai gái cố tình “ăn cơm trước kẻng” mà tự ra trình diện trước làng để xin cưới thì mỗi bên phải nộp phạt một con heo, ché rượu để đãi cả làng. Ngoài ra, dòng họ 2 bên phải làm lễ “cắt lúi, cúi đầu” tạ tội trước bàn thờ tổ tông vì đã làm xấu mặt làng xóm, dòng họ. Nếu vi phạm mà giấu kín, khi bị làng phát hiện thì mức phạt tăng gấp đôi. “Vì luật tục rất khắt khe nên trước đây trong quá trình yêu thương nhau, các đôi trai gái luôn ý thức chuyện giữ mình” - già làng Cao Xung nói.
Lau chùi lại khung hình của người vợ đã khuất hơn 10 năm, già làng Mấu Tà (thôn Suối Lách, xã Khánh Trung) bồi hồi kể chuyện mình bị làng phạt vì tội “vượt rào”: “Mình với vợ là Cao Thị Nam ở cùng làng, đã có giao ước với nhau. Sau ngày mình đi bộ đội về, do xa nhau nhiều, nhớ thương chồng chất nên 2 đứa không giữ được mình. Sau đêm ấy, tụi mình xin 2 bên gia đình cho kết hôn, cha mẹ 2 bên trình báo cho làng, trưởng làng chiếu theo quy định bắt gia đình nộp phạt 1 con heo và ché rượu. Trưởng làng còn đến nhà 2 gia đình làm lễ “cắt lúi, cúi đầu” cho cha mẹ trước bàn thờ tổ tiên. Sau đó, mình mới được vợ bắt về làm chồng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi đôi vợ chồng không còn thương nhau, muốn bỏ nhau thì dắt xuống ngôi nhà chung của làng trình diện, các trưởng làng sẽ phân chia tài sản, con cái cho 2 bên. Khi người vợ có gia đình mới, người chồng cũ vẫn có quyền đến thăm con nhưng cấm không được nói chuyện với vợ cũ. Ai vi phạm cứ chiếu theo quy định của làng mà nộp phạt. Còn đối với tội ngoại tình, mỗi bên vi phạm sẽ bị phạt nặng với 1 heo to bằng 4 gang tay, gà, rượu. Nếu người chồng muốn dọn đến ở với nhân tình thì phải nộp phạt gấp 3 lần, khi đi chỉ được chia 1/3 tài sản và có nhiệm vụ gửi gạo, thóc để nuôi con. Luật của người Raglai cũng nghiêm cấm và xử phạt rất nặng những người cùng huyết thống kết hôn với nhau, hình phạt là phải nộp heo, trâu, ngựa trắng. Các già làng cho biết, khi làng ấn định ngày nộp phạt, nếu gia đình nào “chây ỳ” thì cứ trễ một ngày hình phạt lại tăng gấp đôi. Nếu vẫn không chịu nộp phạt thì sẽ bị cả làng “tẩy chay” hoặc bị đuổi ra khỏi làng.
Thời gian trôi qua, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, sự xâm nhập của nhiều luồng văn hóa khác nhau đã khiến cho các luật tục đẹp của người Raglai dần bị mai một. Tục ngủ thảo ngày nay dường như chỉ còn trong ký ức...
Theo ông Mấu Quốc Tiến, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, được mệnh danh là người giữ hồn Raglai với việc 25 năm nghiên cứu sưu tầm văn hóa và dân ca Raglai, tục ngủ thảo quan trọng nhất là ở chỗ thử thách các nam thanh nữ tú đang tràn đầy sức sống. Cho họ ngủ thảo mà họ vẫn giữ được con người mình, vẫn làm chủ được mình, không đi quá giới hạn thì đáp ứng được thử thách về con người cũng như sự tôn trọng lẫn nhau của đôi bạn trẻ.
Bình luận (0)