Lờ mờ trong màn đêm, những ánh sáng lập lòe di chuyển lẫn trong những luống cây phất phơ, thỉnh thoảng lại cúi nhặt một thứ gì đó ở dưới đất…
Loài cây bén duyên với... người mất ngủ
Đêm tối mù mịt, trời đất hòa làm một, chẳng thấy gì ngoài hai luồng ánh sáng tự di chuyển. Chứng kiến cảnh tượng ấy, kẻ yếu tim liền nghĩ bị ma trêu còn người cứng bóng vía thì đinh ninh là trộm nhưng đối với dân làng Xuân Kiều (xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) thì họ đã quá quen thuộc với hình ảnh vợ chồng ông Trần Mạnh Chử đi hái rau quý tộc giữa đêm khuya.
Cây măng tây trên cánh đồng nhà ông Chử
Tôi theo chân ông Chử rẽ màn đêm ra ruộng. Dừng chân tại một luống cây, ánh đèn chiếu thẳng xuống, ông kêu lên một tiếng: “A, bụi này nhiều cây mập quá!”. Một tiếng “sặt” ngọt sớt từ cây kéo ông cầm trên tay.
Đưa cho tôi xem một búp cây xanh non, mập mạp còn đẫm hơi sương, ông nói: “Loại rau mà gia đình tôi đang thu hoạch là măng tây. Cái giống rau kể cũng lạ, chỉ ưa thu hoạch đêm chứ ngày lại không. Nếu cố thu hoạch buổi ngày, chất lượng cũng chẳng ra sao”.
Ông giải thích thêm: “Phải cắt măng tây vào ban đêm, thân cây mới trắng, mẫu mã mới đẹp, giữ được nhiều chất dinh dưỡng bên trong nên ăn mềm và ngọt. Để tính điểm về chất lượng, thu măng tây vào đêm được 10 thì thu vào ban ngày chỉ còn 6-7 thôi!”.
Từ khi theo nghề trồng măng tây, giờ giấc sinh hoạt của hai vợ chồng ông cứ như... gà. Cứ tầm 7-8 giờ tối khi gà lên chuồng thì vợ chồng ông cũng đi ngủ. Từ xưa đến giờ, chỉ có người chọn cây, ấy vậy mà bây giờ cây lại chọn người. Người ưa ngủ thì măng chê, duy chỉ có người mất ngủ cây mới chịu “bén duyên”.
Ông Chử đang chuẩn bị mang măng tây sau khi thu hoạch về nhà
Ông kể: “Trồng măng tây chỉ hợp với người già mất ngủ thôi chứ thanh niên thời này có kiếm cũng chẳng ai dậy từ 1, 2 giờ sáng để mà ra đồng đâu nên cây chê người ngủ khỏe cũng có cái lý của nó".
Vợ chồng ông có 2 mẫu đất trồng măng tây, vào chính vụ phải dậy từ 1 giờ sáng để kịp thu hoạch còn không cũng phải từ 3 giờ sáng. Người cầm thùng đựng, người cầm kéo cắt, ông bà lại rủ nhau ra đồng. Mặc màn đêm mịt mù, mặc gió lạnh len lỏi, mặc những hạt sương đêm đầm đìa ướt áo, đôi vợ chồng già cứ thao thao bất tuyệt kể chuyện trên trời dưới bể. Lúc gần thì rầm rì, lúc xa lại phải nói với. Những thanh âm lúc trầm lúc bổng, hòa với tiếng gió, tiếng ếch nhái tạo nên một bản tấu ca trong đêm.
Đấy là đẹp trời chứ chưa nói đến những khi sầm sập giông bão. Bà Hồ Thị Ngát (vợ ông Chử) bảo: “Mưa gió khổ lắm cô ạ! Có những hôm sét đánh ngay sát ruộng, sợ quá, chúng tôi quăng cả rau mà chạy, hết hồn hết vía”.
Nữ hoàng kỹ tính
Măng tây kén người trồng. Ông Chử kể: “Ngày trước trong vùng cũng có 3-4 hộ trồng măng tây nhưng đều thất bại.
Tất cả đều do đất. Đất trũng không trồng được, đất khô quá cây cũng khó sống. Cái giống này nó ưa nước vừa, rất thích vị của đất phù sa".
Nắm được điểm mấu chốt, ông Chử đã mua hơn 1.500 xe đất phù sa sông Hồng đổ vào hai mẫu ruộng để cải tạo. Dù trồng rau màu nhưng số vốn vợ chồng ông bỏ ra không hề nhỏ.
Giống cây quý tộc này phải nhập ngoại từ Mỹ, Đức, Hà Lan, giá cả rất đắt đỏ, mỗi cây đã 14.000 đồng nên với 2 mẫu đất của gia đình, ông bà đã phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng.
Ngoài giống, ông còn trang bị hệ thống phun sương, cọc sắt để bảo vệ cây, chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng. Khi trồng, việc bón phân cho cây cũng được ông hết sức chú ý bởi măng tây rất yếu đuối, hễ bón phân hóa học vào là cây chết ngay, nó chỉ ưa mỗi phân gà.
Bởi vậy hàng tháng, gia đình ông lại phải bỏ ra 5 triệu đồng tiền phân gà để bón cho loài cây này.
Ông Trần Mạnh Chử đang ăn măng tây
Để có được những thành quả như hiện tại, ông bà đã bỏ ra không ít công sức. Nơi nào có mô hình mới, ông đến học. Nơi nào có cách làm hay, ông đến xem để rút kinh nghiệm trồng cây tốt nhất.
Bà Ngát nói: “Không một loại rau nào có thời gian trồng dài đến thế.Những ngày đầu tiên trồng, chúng tôi cũng khiếp sợ lắm khi phải chờ đợi đằng đẵng, mãi đến tháng thứ 8 mà không thấy cây nẩy măng gì cả. Chỉ đến khi mặt luống nhú những cái măng đầu tiên thì mới yên tâm”.
Bà Hồ Thị Ngát (vợ ông Chử) đang thu hoạch măng tây
Cuộc đời làm nông ngót nửa thế kỷ của ông Chử đã trải qua không ít thăng trầm. Từ trồng cà rốt đến chăn nuôi, cái gì cũng thử nhưng thất thu cứ lẽo đẽo theo sau.
Ông nhớ lại dịch lợn tai xanh khiến mình mất trắng hơn 300 triệu đồng, rồi đến dịch cá chết cuốn đi 200 triệu đồng. Chuyển sang nuôi vịt đẻ rồi trồng cà rốt để gỡ gạc nào ngờ tổng số thua lỗ tăng lên đến gần 1 tỷ đồng. Nhưng đó là chuyện xưa cũ, từ ngày thuần hóa được loài cây quý tộc này đã mấy năm liền ông chưa biết đến mùi thất bại mà chỉ có chiến thắng rực rỡ.
“Trồng cà rốt cứ 4-5 tháng phải thay mới một lần nhưng nếu biết cách chăm sóc măng tây, phải sau 10 năm sau mới phải thay giống mới. Măng tây cho thu hoạch gần như quanh năm (từ tháng 2 cho đến tháng 11 âm lịch).
Mỗi ngày măng phát triển thêm từ 5-10 cm nên cứ 3 ngày tuổi đã phải thu hoạch còn để quá là phải bỏ đi. So với những loại cây trồng khác, măng tây có tốc độ phát triển nhanh nhất, chắc chỉ thua mỗi giá đỗ", bà Ngát nói.
Bà Ngát đang cầm trên tay cây măng tây đủ yêu cầu đạt loại I
Lúc mới đầu tư trồng, ông bà còn nợ nần đầm đìa nhưng sau 3 năm đã trả xong nợ và có lãi hơn 300 triệu đồng. Hiện mới chỉ là đầu vụ mỗi ngày thu hoạch chỉ khoảng 20 kg nhưng đến chính vụ sản lượng vọt lên tới 40-50kg. Hễ thu hoạch ngày nào là hết ngay ngày đấy bởi các chủ nhà hàng trong và ngoài huyện đến tận nơi để săn đón, chẳng bao giờ phải lo ế hàng.
Một kg rau quý tộc đạt chuẩn loại I, có đường kính từ 6 ly trở lên được bán ngay tại chỗ cũng đã 80.000 đồng/kg, loại II dưới 6 ly bán 40.000 đồng/kg nhưng đến khi vào cửa hàng hay siêu thị giá của chúng phải tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Ngay cả cái phần gốc của cây măng, bị loại ra theo quy chuẩn vì dài quá 25 cm, tưởng bỏ đi cũng được các chủ cửa hàng giải khát thu mua để về xay ra làm nước sinh tố.
Giá măng tây đắt đến nỗi chính những người trong làng còn chẳng dám mua để ăn dù rất ngon. Bởi thế nên mới có câu: “Măng tây là rau dành cho người giàu. Muốn đo độ giàu có của ai chỉ cần hỏi số lần ăn măng tây trong tháng của họ là có ngay đáp án”.
Hai vợ chồng ông Chử đang bó gọn măng tây chờ người đến thu mua
Trong lúc trò chuyện, ông Chử còn giới thiệu món măng tây ăn sống cực ngon. Ông cầm cây măng cho vào miệng vừa nhai rau ráu vừa tấm tắc khen khiến cho tôi cũng tò mò muốn ăn thử. Khi bẻ, một dòng nhựa màu trắng trong tứa ngay trên tay. Khi nhai, rau có vị đăng đắng, bùi bùi. Khi nuốt xuống họng lại ngọt hậu khá lạ lẫm, rất nhà giàu, rất măng tây.
Bình luận (0)