Nơi đây còn có điểm hẹn thật lý tưởng là Vườn Quốc gia Tràm Chim. Đây là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 250 loài chim nước, trên 100 loài cá nước ngọt, 190 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác. Trong đó, có 32 loài chim quý hiếm của thế giới có giá trị bảo tồn như: ngan cánh trắng, cú lợn lưng nâu, đại bàng đen, chích chòe lửa, ô tác, cò thìa, cò quắm, công đất, gà đãi, giang sen, diệc, trích... Đặc biệt là loài sếu (Hồng hạc) đầu đỏ, cổ trụi - một loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ.
Đàn sếu ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Tràm Chim còn lưu giữ và bảo tồn gần 3.000 ha tràm và gần 1.000 ha lúa trời, sen, súng, cỏ, năn... Đây là điều kiện thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống. Vườn Quốc gia Tràm Chim còn đạt được 8/9 tiêu chuẩn của Công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước. Đây là 1 trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam và là sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Đông Dương.
Đến Tràm Chim, khi bình minh vừa ló dạng, sương mai còn đọng trên cành cây, ngọn cỏ, ngồi trên xuồng máy lướt sóng trên dòng kinh, ngắm nhìn hai bên bờ chim chóc bay đi kiếm ăn rất nhiều, tiếng chim hót líu lo nghe thật vui tai. Bầy le le - vịt trời cả trăm con, nghe tiếng xuồng máy đến gần, vút bay lên cao rồi dang đôi cánh hướng về cụm rừng tràm xanh thẵm phía xa. Vài con chim trích mồng đỏ tươi - lông xanh thẵm, đuôi vanh vảnh thoát ẩn, thoát hiện trong những đám cỏ năn ven bờ kinh…
Từ trên đài quan sát nhìn xuống là cả một rừng tràm nguyên sinh. Du khách sẽ bắt gặp ẩn hiện trước cảnh bao la của đất trời Đồng Tháp mênh mông đầy nước, những cánh hạc chấp chới, nhẹ nhàng như những áng mây bồng bềnh, rồi thả cánh xuống tràm chim - giữa đồng nước có lõm rừng tràm nguyên thủy.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim, qua quan sát và thống kê của cán bộ Vườn Quốc gia Tràm Chim, tính đến ngày 7/2/2012, đàn sếu đầu đỏ, cổ trụi đã về tại Vườn QGTC được gần 100 con. Tập trung nhiều tại khu A1 và A5, nơi có bãi năn dồi dào là thức ăn chủ yếu của đàn sếu và cũng là nơi thường xuyên được đốt cỏ chủ động.
Người Nam Bộ xem hạc là loài chim thiêng, quý phái, đài các như "Hạc Tiên" với dáng vẻ thanh thoát, yểu điệu và thong dong. Hạc đầu đỏ, mỏ dài, chân và cổ cao, có bộ lông màu dà, có dáng đi đủng đỉnh, khoan thai, gợi mở về một cảnh sống hòa bình, an lạc... Hạc cân nặng từ 8-10 kg, cổ không lông, tuổi lên 3 có màu đỏ... Hạc thường ngủ ở gò và rất cần nơi yên tĩnh.
Gặt lúa trời ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Ngoài thời gian kiếm ăn nơi đồng vắng, trống trải, có nước, đất màu mỡ, sếu dành thời gian múa hót và lúc đến với bạn tình cần phải có bãi trống. Sếu về Tràm Chim vào tháng giêng và tìm bạn tình vào tháng năm (trước mùa mưa). Sau đó, di chuyển tìm địa bàn có môi trường thích hợp để đẻ trứng và nuôi con. Trong cấu tạo địa hình, Tràm Chim là môi trường sinh thái rất lý tưởng, phù hợp cho sếu thường trú vì có nhiều nguồn thức ăn và nhiều cây che khuất, bảo đảm yên tĩnh...
Điều may mắn là hiện nay Tràm Chim không bị phá hủy, con người sống chan hòa với thiên nhiên. Người dân Đồng Tháp rất tự hào với hình ảnh của sếu bay lượn chập chờn, múa hót vang trời trên vùng đất Tràm Chim...
Theo quan sát, đàn sếu múa điệu xòe, nhịp nhàng rất đẹp, không kém gì con người nhảy múa bên lửa trại. Hai con đứng cách nhau thẳng hàng cùng tấu điệu nhạc nửa như tiếng kêu, nửa như tiếng hót.
Những con chim khác họp thành vòng tròn, chính giữa có mấy con xoay ngược chiều. Nhạc công thì tấu nhạc - vũ công thì xòe cánh ra, co chân lên rồi hạ xuống, lại co chân kia lên xong lại hạ xuống. Bầy sếu lặng yên múa, lúc thì vụng về, lúc lại mềm mại - khéo léo.
Sếu sống hiền hòa, giản dị và còn báo hiệu cho con người biết được sự thay đổi khí tượng, thời tiết, nắng mưa... để tạo điều kiện trong công việc đồng áng. Thiên nhiên nơi đây đã và đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du ngoạn và nghiên cứu khoa học.
Bình luận (0)