Xem săn cá bông lau, rồi chế biến ngay trên dòng sông Hậu, tự tay hái bắp, bẻ cà, thu hoạch ấu… đang trở thành tour du lịch thú vị với những người yêu sông nước.
Lung linh mặt nước
Trời vừa sụp tối đã nghe tiếng ngư dân ở ấp Vàm Nao (xã Tân Trung, Phú Tân) í ớ gọi nhau đi thả lưới bắt cá bông lau – loài đặc sản chỉ xuất hiện từ tháng chạp đến tháng 3 âm lịch. Tuy thuộc họ cá da trơn nhưng cá bông lau không nuôi được như cá tra, basa nên giá cá bông lau thường cao gấp chục lần “anh em họ hàng”. Do vậy, dù phải lênh đênh trên sông nước suốt đêm, vất vả bủa lưới, kéo lưới nhưng có khi cả tuần chưa dính được con cá nào, nghề săn cá bông lau vẫn luôn có sức hút kỳ lạ.
“Xịt thuốc, sạ phân, làm rẫy, xách hồ thuê… giỏi lắm chỉ kiếm được 150.000 đồng/ngày. Còn giăng lưới bắt cá bông lau, nếu “bà cậu” độ, mỗi ngày dính được 1 – 2 con thôi, đã kiếm được bạc triệu rồi. Cứ vào mùa cá bông lau, công việc ruộng nương tôi giao cho sấp nhỏ làm, vợ chồng chỉ tập trung đi giăng lưới bắt cá” - ông Nguyễn Văn Phiếm (ngụ ấp Vàm Nao) chia sẻ.
Từ cuối năm Giáp Ngọ 2014 đến nay, đêm nào vợ chồng ông Phiếm cũng bơi chiếc xuồng ba lá, bủa 2 mẻ lưới lúc 7 – 8 giờ tối và 1 – 2 giờ khuya, những thời điểm nước ròng để đón luồng cá bông lau. Buổi chiều, vợ chồng ông tranh thủ cơm nước và mang theo ít thức ăn để đủ năng lượng “chiến đấu” suốt buổi tối.
Trên đoạn sông ngắn của Vàm Nao, hơn 100 chiếc xuồng xếp thành những hàng dài đồng loạt thả lưới. Mỗi xuồng lại thắp vài chục chiếc đèn dầu (được gắn kính chắn gió), tạo nên hàng ngàn ánh sáng lấp lánh trên mặt sông như bầu trời sao. Những du khách lần đầu tham gia tour du lịch săn cá bông lau do Trung tâm Du lịch nông nghiệp An Giang (thuộc Hội Nông dân tỉnh) tổ chức, cứ ngỡ như lạc vào lễ hội hoa đăng.
“Cảnh đẹp lung linh đến huyền ảo. Mỗi khi có luồng lưới dính được cá bông lau, kéo lên khỏi mặt nước, ánh sáng rọi vào da cá, lấp lánh như viên ngọc. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào hấp dẫn như thế” – chị Ngô Thị Thủy (du khách đến từ quận 7, TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ.
Khai thác du lịch
Việc đánh bắt cá bông lau tưởng như bình thường với người dân Vàm Nao nhưng đối với khách phương xa, đó là một trải nghiệm rất thú vị. Đương nhiên, du khách khó có thể tự tay bủa lưới bắt dính loài cá đỏng đảnh này, bởi nó đòi hỏi kinh nghiệm nhiều năm của ngư dân. Tuy vậy, được tự tay gỡ cá khỏi lưới, chế biến và thưởng thức cá tươi ngay tại chỗ là một đặc ân, mà không phải ai muốn cũng có được.
Thấy được lợi thế của Vàm Nao, Trung tâm Du lịch nông nghiệp An Giang đã chú trọng phát triển thêm các dịch vụ để thu hút khách. Anh Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng bộ phận Marketing của trung tâm, cho biết, đến nay, có 9 hộ tham gia vào dự án. Trong đó, 2 hộ phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại nhà dân theo mô hình “homestay”; 4 hộ tham gia vận chuyển khách và 3 hộ thực hiện các dịch vụ khác, như: Trồng ấu, chất chà, nuôi cá, trồng bắp, cà, đu đủ… để khách tự tay thu hoạch.
“Tour đến Vàm Nao thu hút khách nhiều nhất vào mùa nước nổi và mùa đánh bắt cá bông lau. Từ Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi đã liên kết các đơn vị lữ hành tổ chức được hơn 120 lượt khách đến Vàm Nao. Riêng mùa nước nổi năm trước, Vàm Nao thu hút trên 800 lượt khách” – anh Tùng thông tin.
Đến Vàm Nao thời điểm này, bên cạnh tham gia cùng ngư dân đánh bắt cá bông lau, du khách luôn thích thú khi được tự tay lặt ấu, dỡ chà bắt cá, hái cà, bẻ bắp, đu đủ… rồi thưởng thức sản phẩm theo cách riêng của mình. Ông Phan Văn Hổ (tám Hổ), người tham gia dự án du lịch nông nghiệp từ thuở đầu, cho biết, với lợi thế những sản vật sẵn có ở địa phương, gia đình ông chế biến thành những món ngon đặc thù miền Tây nhằm đáp ứng nhu cầu du khách.
“Tùy theo thời điểm mà khách đến đây sẽ phục vụ các món ăn đặc sản. Mùa nước thì có cá linh kho mắm với bông điên điển, lẩu cua đồng, cá lóc nướng trui… Đến mùa khô cũng có lẩu mắm, cá mồm chiên bột, các món ăn từ cá sửu, cá cóc, cá kết... Riêng thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, cùng với cá bông lau, khách có thể thưởng thức thêm các món từ gà thả vườn, vịt xiêm, ốc bươu và các loại cá sông khác” - tám Hổ giới thiệu.
Bình luận (0)