Sát phía hông của ngôi đình cổ là một cái giếng khơi, mà theo như nội tôi kể nó được đào từ cách đây vài trăm năm rồi, và cái giếng này đã cung cấp nước sinh hoạt cho người dân cả xóm suốt mấy trăm năm qua. Giếng có đường kính khoảng ba, bốn thước tây gì đó, suốt từ dưới đáy giếng lên đến tận xung quanh phần cổ giếng được xây lát gạch nghiêng.
Giếng làng thân thương
Sân giếng cũng rộng và cũng được lát bằng loại gạch to đại. Giếng sâu dễ đến gần chục mét, tính từ cổ giếng xuống mặt nước dưới lòng giếng. Còn từ mặt nước mà xuống tận phần đáy giếng là khoảng cách bao nhiêu thì tôi không rõ, ngay cả cha mẹ tôi cũng không biết, mà nhiều người chỉ có thể đoán chừng là nó rất sâu. Đến nỗi, nếu chẳng may gầu rơi thì chỉ có cách là dùng móc sắt có gắn cục năm châm thật to để mò lấy gầu lên, chứ người ta không thể lặn ngụp xuống đáy mà lấy được.
Giếng làng to rộng, sâu và nhiều nước như vậy nên ngày nào cũng vậy, suốt từ sáng sớm cho tới tối khuya, lúc nào cũng có rất đông người ra múc nước rửa ráy, mang về nhà chứa để dùng dần... Vậy mà nước không bao giờ cạn, kể cả khoảng thời gian mùa đông tháng giá, lúc mà mạch nước ngầm ở nhiều nơi bị cạn kiệt, nhưng giếng xóm Giữa của làng tôi vẫn nhiều nước.
Ngày tôi sinh ra, cả làng vẫn chỉ dùng 3 cái giếng công cộng đó mà thôi. Khi tôi lớn lên chút nữa, cũng có một số nhà giàu có tiền đào được giếng riêng tại gia, nhưng gia đình tôi vẫn trông chờ vào nguồn nước sinh hoạt từ cái giếng làng thân thương ấy.
Cứ sau mỗi buổi học tôi lại cùng chị gái ra giếng dùng gầu múc nước dưới giếng đổ vào 2 chiếc thùng tôn, rồi gánh mang về nhà đổ vào các vật dụng chứa. Việc gánh nước thì không mệt lắm, nhưng việc dùng gầu thả dây kéo nước từ dưới giếng lên mới cực nhọc. Việc này do tôi còn nhỏ, sợ không kéo nổi, hoặc nhỡ không may lao người rớt xuống giếng nên chị tôi đảm nhận hết.
Giếng làng thường đông vui nhất vào thời khắc chiều tối, khi rất đông gia đình mang con cái ra đó tắm táp, giặt giũ. Bọn nhỏ gặp gỡ ở sân giếng, sân đình vui chơi thỏa thích, còn người lớn thì sau khi tắm cho các con xong họ giặt đồ, lo rửa rau, vo gạo, lo múc nước vào thùng để gánh về nhà...
Xa quê nhớ giếng làng
Khó quên hơn cả là mỗi khi giếng làng vào dịp sắp Tết, khi nhà nhà mang lá bánh, gạo nếp, thịt thà... ra rửa để chuẩn bị gói bánh chưng Tết. Không nhà nào là không mang chăn, mền ra đây giặt, bởi khi giặt xong người ta thường giăng dây thép trước sân đình rộng rãi, đầy nắng gió để phơi cho nhanh khô. Ngay cả chuyện mổ lợn, mổ trâu, bò để chia thịt cho người dân ăn Tết cũng được tổ chức ở sân đình, gần giếng cho tiện múc nước rửa...
Khi đời sống hiện đại len lỏi vào mọi miền quê, cùng nền kinh tế phát triển thì cũng là khi giếng nhà, cũng như hệ thống nước máy sinh hoạt đã dần thay thế cho những cái giếng làng. Làng tôi là một trong số ít các thôn quê còn giữ nguyên được những cái giếng làng cổ từng một thời gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của biết bao thế hệ con người, dẫu những cái giếng ấy giờ chỉ còn giá trị của sự bảo tồn, lưu giữ vốn cổ trong quá khứ mà thôi.
Bình luận (0)