Để làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên, mới đây tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2013, TAND tỉnh đã có trả lời đánh giá về những nội dung thuộc trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của ngành tòa án.
Theo đó, bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Bắc Bình truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”. TAND huyện Bắc Bình thụ lý vụ án lần đầu vào ngày 1-12-2005. Tính đến nay, đã 14 lần mở phiên tòa. Vụ án kéo dài từ năm 2005 đến nay vì những lý do, trong đó nguyên nhân khách quan là TAND huyện Bắc Bình đã 10 lần phải hoãn phiên tòa vì luật sư chưa đọc hồ sơ, vắng mặt nhân chứng quan trọng, bị cáo không đủ sức khỏe, bị cáo vắng mặt không có lý do, thay đổi thư ký tại phiên tòa và 3 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; 1 lần tạm đình chỉ giải quyết vụ án để đề nghị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị cáo.
Về nguyên nhân chủ quan, ngày 31-10-2007, TAND huyện Bắc Bình ra quyết định tạm đình chỉ vụ án tại Quyết định số 01/2007 với lý do bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương, đề nghị cơ quan điều tra Công an huyện Bắc Bình ra quyết định truy nã bị cáo.
Theo quy định của pháp luật, thì khi truy nã không có kết quả thì tòa án phải mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị cáo. Do vậy, vụ án kéo dài từ năm 2007 đến ngày 2-1-2013 TAND huyện Bắc Bình mới tiếp tục đưa vụ án ra xét xử là vi phạm pháp luật tố tụng về thời hạn giải quyết vụ án.
Ngay sau khi nắm thông tin, TAND tỉnh đã chỉ đạo TAND huyện Bắc Bình khẩn trương giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 18-11-2013, TAND tỉnh đã chủ trì để kiểm điểm các sai phạm của một số cán bộ, công chức TAND huyện Bắc Bình liên quan đến vụ việc. Theo đó, TAND huyện Bắc Bình chậm giải quyết vụ án là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự về thời hạn giải quyết vụ án, tạo ra dư luận không tốt đối với ngành tòa án tỉnh Bình Thuận.
Vi phạm trên của TAND huyện Bắc Bình thuộc trách nhiệm của các thẩm phán, lãnh đạo ở từng giai đoạn cụ thể. Thể hiện ở tinh thần trách nhiệm chưa cao của thẩm phán, thư ký được giao giải quyết vụ án, lãnh đạo đơn vị thiếu kiểm tra nên đã không kịp thời phát hiện ra căn cứ tạm đình chỉ vụ án không còn để tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.
Việc để xảy ra vi phạm như trên là do lỗi chủ quan và do nhận thức của thẩm phán, lãnh đạo TAND huyện Bắc Bình, không phải do tiêu cực hay động cơ cá nhân. Hơn nữa, do có sự biến động cán bộ lãnh đạo (nghỉ hưu, chuyển công tác, điều động, bổ nhiệm mới), nên cán bộ mới được bổ nhiệm chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, chưa quán xuyến được các công việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm phải giải quyết ở đơn vị mình.
Về việc ông Văn Hồng Lễ - thư ký tòa trả lại một số tài liệu cho người bị hại (sau đó bị hại làm thất lạc - PV) mà không có ý kiến (chữ ký) của thẩm phán, lãnh đạo TAND huyện Bắc Bình là không đúng thẩm quyền, trách nhiệm của thư ký. Tuy nhiên, việc làm trên là do nhận thức, không có động cơ vụ lợi, tiêu cực; không có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Sai phạm trên là của cá nhân ông Văn Hồng Lễ.
Đối với việc xử lý sai phạm của các cá nhân có liên quan, TAND tỉnh đã trực tiếp tổ chức kiểm điểm sai phạm của các cá nhân có liên quan đến việc giải quyết vụ án, gồm: ông Đỗ Thanh Lâm, nguyên Chánh án tand huyện Bắc Bình, nay đã nghỉ hưu; ông Bùi Tấn Khoa, nguyên Phó Chánh án tand huyện Bắc Bình, nay đã chuyển công tác; ông Lâm Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND huyện Bắc Bình, có thời gian giữ Quyền Chánh án; ông Võ Tấn Sinh, Chánh án TAND huyện Bắc Bình và ông Văn Hồng Lễ, Thư ký TAND huyện Bắc Bình.
Bình luận (0)