xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xuân đoàn viên nơi gia đình cô công nhân gặp nạn hầm Đạ Dâng

Theo NGỌC NGÀ (Lâm Đồng Online)

Chúng tôi có dịp cùng dự bữa cơm tiễn ông Công ông Táo lên trời tại gia đình chị Đặng Thị Hồng Ngọc (27 tuổi), nữ công nhân duy nhất trong vụ sập hầm Đạ Dâng tại huyện Lạc Dương

Bữa cơm ở gia đình có ba người thân gặp nạn ngày cuối năm ấy thật đặc biệt bởi sự ấm áp của tình thân, của niềm vui và nụ cười nơi những con người vừa chiến thắng tử thần giữa lằn ranh sống - chết.

Chị Ngọc chuẩn bị trang hoàng bàn thờ ngày tết

Chị Ngọc chuẩn bị trang hoàng bàn thờ ngày tết

Hoạn nạn qua rồi

Đến xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, giữa những con đường nhỏ loanh quanh của miền quê này, chúng tôi đã tìm được nhà chị “Ngọc sập hầm” một cách dễ dàng theo cách gọi và chỉ đường của bà con.

“Mẹ ơi, mấy o (cô) đến chơi”, sau tiếng gọi lanh lảnh của cậu bé An (con trai chị Ngọc), chị vội vàng chạy ra từ bếp. Người con gái mảnh mai xinh đẹp ấy nở nụ cười tươi hồn hậu đủ cho chúng tôi biết rằng hoạn nạn đã rời xa gia đình này.

Nhà chị Ngọc ngày hôm ấy thật nhộn nhịp. Chị cùng mẹ chồng nấu cỗ cúng trong bếp, anh Phạm Viết Bắc (chồng chị Ngọc) lau dọn bàn thờ, anh Phạm Viết Nam (anh chồng chị Ngọc cũng là nạn nhân vụ sập hầm) mang theo nải chuối, chai rượu về nhà bố mẹ thắp hương lên bàn thờ gia tiên. Bên chén chè xanh đặc trưng của đất Nghệ, ông Phạm Văn Diệm (bố chồng chị Ngọc) kể cho chúng tôi nghe về thời gian kinh hoàng mà vợ chồng ông đã trải qua trong suốt 82 giờ các con mắc kẹt trong hầm tối.

Ông Diệm bồi hồi kể: “Khi nghe tin sập hầm tay chân tôi như rụng rời. Cả người bần thần không biết làm sao. Nhà có hai cái ti vi nhưng không dám mở xem sợ thằng cháu nhìn thấy, nó còn nhỏ sẽ càng sợ hãi! Tôi già cả rồi không thể đi xa, chỉ biết gọi hết anh em con cháu đi vào đó, tôi ở nhà lòng cũng như lửa đốt. Cứ xạc điện thoại liên tục vì mọi người gọi nhiều quá, máy không đủ pin. Không gọi, không nghe ai nói gì chúng tôi lại sợ.

Hai mái đầu bạc mong chờ sự sống mong manh của những mái đầu xanh. Thật chẳng có gì não nề hơn thế!

Ông Diệm vẫn vẹn nguyên cảm xúc vỡ òa khi nghe các con gọi về thông báo “cha ơi, anh chị con được cứu ra rồi”. Các con được cứu ra, người mẹ người cha cũng như chết đi sống lại. Mỗi lần nhắc nhớ lại những nỗi lo lắng kinh hoàng vừa trải qua, khóe mắt của người đàn ông đi gần hết cuộc đời này như ngấn lệ. Rồi nước mắt cũng đã chảy theo những hằn của nếp nhăn khi miệng ông nở nụ cười. “Nghe tin các con được cứu ra tôi như thấy không còn ai may mắn trong cuộc đời hơn mình. Tôi và bà nhà tôi như được sinh ra thêm một lần nữa khi tuổi 70 đã cập kề”.

“Tết nào vui bằng tết đoàn viên”

Vừa ôm cậu con trai 5 tuổi trong vòng tay, nhìn con không dứt, chị rưng rưng nghẹn ngào “nỗi kinh hoàng ấy đã qua, nhưng đôi khi trong giấc mơ em vẫn còn giật mình thảng thốt bởi nỗi sợ bóng tối, sợ cảm giác nước cứ dâng dần lên, sợ lạnh, sợ sự sống khép lại. Lúc biết mình được cứu, em chỉ mong sao được điều trị sớm khỏi để quay về bên con trai, bên bố mẹ.

Hôm về nhìn thấy con, em chỉ biết hôn nó sâu thật sâu mà nước mắt cứ chảy dài. Mọi chuyện qua đi, giờ em chỉ muốn hạnh phúc sum vầy bên gia đình, càng trân trọng hơn những phút giây ý nghĩa trong cuộc sống. Đã trải qua nhiều cái tết trong đời nhưng tết này có lẽ là đặc biệt nhất bởi em đã được tái sinh một lần nữa khi ở tuổi 27”.

Anh Phạm Viết Nam chia sẻ thêm: Lúc ở trong hầm tối, ban đầu tôi đã hy vọng nhưng rồi một ngày, hai ngày, rồi gãy mũi khoan… thời gian tăng lên tôi lại càng thất vọng. Cho tới khi nghe được tin lính công binh đã đào thêm được một hầm cứu hộ hy vọng lại có trong tôi. Chưa bao giờ trong đời tôi mong ước được quay về bên người thân nhiều như thế. Kể cả lúc nằm điều trị trong bệnh viện tôi cũng luôn hình dung ra cái tết của mình năm nay sẽ rất hạnh phúc. Được gặp lại vợ con, cha mẹ, anh em láng giềng và hơn hết là được hít thở không khí trong lành, tôi thấy cuộc sống này ý nghĩa tới chừng nào. Xuân này được ở bên tất cả những người thân đối với tôi đó là niềm hạnh phúc nhất.

Ngồi bên các con, bà Hoàng Thị Bình (mẹ chồng chị Ngọc, cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ) cũng bồi hồi: “Nhờ tấm lòng của mọi người mà các con tôi sống sót, vượt qua cơn hoạn nạn nơi đất khách. Thế mới thấm hết cái nghĩa cái tình của người Việt Nam ta. Cả nhà tôi mang ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm để các con tôi được đoàn tụ, vui xuân này”.

Tết năm nay gia đình chị Ngọc vui lắm bởi họ hàng mọi nơi về tề tựu đông đủ. Khoảnh khắc bên nhau làm gia đình này đón cái tết trọn vẹn bởi: “Tết nào vui hơn tết đoàn viên!”.

Cái rộn ràng trong căn nhà nhỏ ở miền quê Cát Văn ấy cũng khiến chúng tôi vui lây để cảm nhận rõ rằng xuân đã về trước ngõ.

Đất trời đã thực sự vào xuân nhưng có lẽ với gia đình này, với tất cả những tấm lòng nhân ái trong xã hội xuân đã về chiều 19/12 ở Đạ Dâng, ánh sáng tương lai đã rạng ngời khi thông thành công hầm tối.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo