Sáng 31-8, tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến". Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công TP Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng
Hội nghị đánh giá sau 20 năm triển khai, dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ 28% năm 2021 lên 51,5% vào tháng 8-2024. Đặc biệt, đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 ngàn tỉ đồng/năm. Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 43,4%, tăng 23% so với năm 2023; của địa phương đạt 64,3%, tăng 35% so với năm 2023…
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8-2024. Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Hội nghị cho rằng bước vào giai đoạn 3 cung cấp dịch vụ công trực tuyến phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.
Tối thiểu chi phí
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 8 nhóm kết quả nổi bật trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Thủ tướng nhận định một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đổi mới, thực hiện các mô hình, giải pháp hữu hiệu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cà Mau, Tây Ninh... "Cần hoan nghênh, học tập các bộ, địa phương này" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng nhìn nhận dịch vụ công trực tuyến có tác động tích cực trong triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi trong hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế: công tác xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách về cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa kịp thời; cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà; kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa chưa cao; triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập; tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh...
Thủ tướng quán triệt quan điểm triển khai cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải vì một mục tiêu chung: tối thiểu chi phí, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiến nhanh, tiến chắc trên cả hai trụ cột là thủ tục hành chính nội bộ và dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng và củng cố "3 đột phá" trọng tâm: pháp lý hóa, số hóa, tự động hóa. Hướng đến "4 không": không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh "5 tăng cường" gồm: Phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và quy rõ trách nhiệm; công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đầu tư hạ tầng số; đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương; phát triển nhân lực số.
Tăng tính chủ động
Để thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có đột phá, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức phục vụ nhân dân từ "bị động" sang "chủ động" dựa trên dữ liệu. Các bộ, ngành, địa phương phải phát huy vai trò người đứng đầu; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế trên tinh thần cái gì thực tiễn đặt ra thì phải có quy định để tạo hành lang pháp lý.
"Điều quan trọng nhất là tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số với phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải quán triệt tinh thần gương mẫu, đi đầu, lãnh đạo, chỉ đạo thực sự sát sao; tổ chức thực hiện thực sự hiệu quả; kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn; khen thưởng, kỷ luật kịp thời trong công tác này" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; hoàn thành cung cấp 53/53 dịch vụ công thiết yếu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin.
Bình luận (0)