Những năm qua, với chủ trương không đánh đổi môi trường để đổi lấy mục tiêu tăng trưởng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiên trì thực hiện phát triển nền công nghiệp xanh, các dự án thu hút vào tỉnh đều được chọn lọc với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động.
Cam kết về an toàn, bảo vệ môi trường
Dự kiến vào tháng 3-2024, dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ vận hành chính thức sau thời gian chạy thử nghiệm. Đây là tổ hợp tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam được khởi công vào năm 2018 với vốn đầu tư khoảng 5 tỉ USD do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP - là công ty thành viên của SCG Chemicals) triển khai.
Khi tổ hợp hoạt động ổn định, LSP sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin thay thế sản phẩm đang được nhập khẩu hiện nay, đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa sử dụng trong đời sống, như: chai, lọ, ống, bình nhiên liệu, màng bọc, nắp chai, phụ tùng ô tô, máy giặt, lưới công nghiệp…
Ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc LSP, cho biết tuân theo chiến lược tăng trưởng xanh, LSP đã áp dụng cho tổ hợp những công nghệ tiên tiến nhất trong khu vực, tạo nên quy chuẩn hoạt động hàng đầu, qua đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp về an toàn, bảo vệ môi trường và có trách nhiệm xã hội. Dự án đã trang bị hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để giám sát chất lượng nước thải đã qua xử lý trước khi thải ra môi trường. Trong việc quản lý khí thải, dự án sử dụng các công nghệ kiểm soát ô nhiễm tiên tiến, bao gồm việc sử dụng đầu đốt giảm ô nhiễm tại các nồi hơi và lò đốt, cũng như thiết bị loại bỏ khí lưu huỳnh để bảo đảm quản lý không khí sạch hơn. Có 5 trạm quan trắc không khí, thu thập dữ liệu theo thời gian thực và thường xuyên được cập nhật để giám sát nội bộ.
Mới đây, kho chứa LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) Thị Vải do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) làm chủ đầu tư cũng đã chính thức hoạt động sau 4 năm xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là công trình LNG lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, cũng như các yêu cầu về an toàn vận hành.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV Gas, cho biết việc hoàn thành và đưa dự án Kho cảng LNG Thị Vải vào hoạt động sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn về nguồn cung khí đáp ứng nhu cầu năng lượng của các hộ tiêu dùng hiện hữu, cũng như thúc đẩy sự phát triển thị trường khí và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phù hợp với các cam kết quốc tế và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu, thuộc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, hoạt động từ tháng 9-2022, được vận hành tự động mọi công đoạn. Đặc biệt, nhà máy được vận hành 100% năng lượng tái tạo, giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng cho việc chiếu sáng cũng như hỗ trợ tuần hoàn không khí cho toàn bộ khu vực. Heineken Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ hướng đến mục tiêu bù hoàn 100% lượng nước sử dụng mà còn hướng đến phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất vào năm 2025.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều dự án mà thời gian qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thu hút đầu tư.
Trong 3 năm (2021-2023), nhiều tập đoàn, công ty có thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Úc), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Hòa Phát (Việt Nam), Tập đoàn Vard (Na Uy), Tập đoàn SMC (Việt Nam), Tập đoàn Hoa Sen (Việt Nam)…
Đã, đang tạo ra hệ sinh thái
Đánh giá từ các nhà đầu tư cho thấy việc thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, mà quan trọng hơn là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã, đang tạo ra một hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, có uy tín, tin tưởng và mạnh dạn đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ - chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, cho biết nắm bắt được xu hướng phát triển công nghiệp xanh, bền vững, dù được thành lập từ cách đây hơn 10 năm, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã luôn chú trọng đầu tư công nghệ để đáp ứng tất cả tiêu chí khu đô thị sinh thái, KCN xanh, kinh tế tuần hoàn. "Chúng tôi xác định muốn thu hút nhà đầu tư quy mô vốn lớn thì hạ tầng cũng phải đạt chuẩn quốc tế" - bà Thảo Nhi khẳng định.
Cùng với KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 13/15 KCN và 16 cụm công nghiệp đang hoạt động.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, lấy công nghiệp là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh; đến năm 2045 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại và là một trong những mô hình phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường.
Giai đoạn 2030-2045, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp với hàm lượng khoa học công nghệ cao, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học, sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút được 20 dự án FDI cấp mới (tăng 5 dự án so với cùng kỳ năm 2022), với tổng vốn đăng ký hơn 751 triệu USD (tăng gấp 2,78 lần, tương đương tăng hơn 481 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022); có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là hơn 503 triệu USD (tăng 15,3%, tương đương tăng 66,9 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022). Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 457 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31.433 triệu USD; trong đó, khu công nghiệp là 284 dự án, với tổng vốn đầu tư 13.738 triệu USD; ngoài khu công nghiệp là 173 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17.695 triệu USD.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 thu hút đầu tư FDI thêm ít nhất 15 tỉ USD.
Bình luận (0)