Avignon, một thành phố thuộc miền nam nước Pháp, chia thành hai khu rõ rệt. Một bên, đô thị hiện đại với nhà cao tầng, nhịp sống náo nhiệt, hơi hối hả một chút. Một bên, thành cổ Avignon nhà xưa cũ, cuộc sống trầm mặc, yên bình.
Đây là một trong những thành phố hiếm hoi của Pháp còn giữ được phần lớn thành lũy thuở xa xưa. Trung tâm lịch sử của nó bao gồm lâu đài các giáo hoàng, những kiến trúc tôn giáo quanh đó cùng chiếc cầu rất nổi tiếng qua bài hát "Trên cầu Avignon" mà bất cứ ai học chương trình Pháp từ tiểu học hẳn đều còn nhớ. Tất cả đã được UNESCO xếp vào hạng "Di sản nhân loại" hồi năm 1995.
Mặt trước của lâu đài các giáo hoàng về đêm. Ảnh: Unsplash
Dạo quanh thành cổ
Chúng tôi đi dọc khu vực tường hào bao quanh thành cổ Avignon. Tường bằng đã đá nhuộm màu sương gió, nhiều chỗ đã hư hại.
Phía trên tường, còn những vọng gác cùng một con đường nhỏ dành cho lính canh hồi xưa đi lại. Ở phía dưới, con đường hồi xưa dành cho lính cưỡi ngựa tuần tra, giờ cỏ và hoa dại mọc đầy.
Dường như tường thành bảo vệ kinh thành Huế cũng được xây dựng kiểu kiến trúc này. Nhưng thành cổ Avignon kiên cố hơn bởi toàn bằng đá, còn kinh thành Huế thì bằng gạch.
Theo tư liệu lịch sử, trong thế kỷ XIV, thời thịnh vượng của Thiên chúa giáo, thành cổ Avignon chính là trái tim của tôn giáo này. Chín vị giáo hoàng đã sinh sống tại đây từ năm 1309 đến năm 1423. Bởi thế, nó còn mang tên "thành phố của các Giáo hoàng".
Một thành phố đúng nghĩa với đường sá, nhà cửa, trường học, nhà thờ, nhà thương, nhà hát, viện bảo tàng, hàng quán, khách sạn, tòa thị chính, tòa án, trại lính, kho vũ khí,… và thậm chí có cả sòng bài.
Và hầu hết đường sá trong ở đây đều được xây từ thời Trung cổ, tức từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 15, nên nhỏ hẹp, thường chỉ khoảng 2 m, phần lớn được lát đá. Những con đường như vậy chỉ dành cho đi bộ, đạp xe đạp và chạy xe lửa mini chở khách du lịch; mỗi chuyến đi quanh thành phố trong 40 phút là 8 euro.Cho dù không cấm có lẽ cũng không có ai mạo hiểm lái xe hơi vào những con đường nhỏ như vậy cả.
Ra khỏi thành cổ, vào đô thị mới, đường sá cũng chỉ rộng khoảng 6m, tráng nhựa, đủ cho 2chiếc xe hơi chạy ngược chiều với nhau.
Bấy giờ là 19 giờ 30 phút. Nếu ở Việt Nam, trời đã tối, nhưng ở đây chỉ mới cuối buổi chiều, trời còn nắng. Bầu trời thì cao xanh với những áng mây trắng hoặc hồng bồng bềnh trôi. Không gian thoáng đãng, không khí trong lành. Thấy mình như hạt bụi nhỏ giữa trời đất bao la.
Gợi nhớ Hà Nội
Lâu đài của các giáo hoàng sừng sững trước mắt, trong ánh nắng chiều muộn vàng hoe lại càng thấy đồ sộ. Do giáo hoàng Benedict 12 cho xây dựng vào năm 1334, nhưng phải đến 30 năm sau, nó mới được hoàn thiện nhờ công của những giáo hoàng kế nhiệm.
Tòa lâu đài với diện tích 11.000 mét vuông, theo kiến trúc gothic đặc trưng, đã tiêu tốn khá nhiều tiền của các giáo hoàng. Cho đến hôm nay, đây vẫn là lâu đài theo lối gothic lớn nhất thế giới với những mái vòm nhọn, nhiều cửa sổ kích thước lớn do hai kiến trúc sư Pierre Feysson, Jean du Louvre thiết kế.
Bên cạnh lâu đài các giáo hoàng, có thể nhìn thấy một bức tượng mạ vàng in bóng lên nền trời. Đó là tượng đức mẹ Maria thuộc khu vương cung thánh đường, tuổi còn lớn hơn cả lâu đài các giáo hoàng.
Thành cổ Avignon làm gợi nhớ tới Hà Nội. Đơn giản vì nơi đây có những con đường mang tên giống tên một số con đường Hà Nội, đương nhiên bằng tiếng Pháp.
Chúng tôi đã đi qua những con đường với những cái tên như Thợ nhuộm, Thợ bạc, Hàng quạt… Quá trùng hợp. Hoặc người Avignon đã lấy tên đường Hà Nội mà đặt cho một số con đường của mình, hay những con đường ở 36 phố phường Hà Nội là do người Avignon đặt tên, trong thời Pháp thuộc?
Tôi đã viết thư cho ông Jean Claude Bressieux, một thầy giáo cũ, sống gần Avignon để hỏi. Theo ông ấy, hình như một số tên đường của Avignon "đến từ những người kinh doanh, làm nghề như thế đã sinh sống tại đó, như đường Thợ nhuộm, chẳng hạn. Còn quảng trường Đồng hồ là do ở đó có một cái đồng hồ lớn mà ai cũng nhìn thấy."
Trên thực tế, đường Thợ nhuộm, nơi chúng tôi thuê nhà những ngày ở Avignon, chẳng thấy thợ nhuộm hay cửa hàng vải vóc gì cả, mà chỉ thấy toàn tiệm ăn nho nhỏ, hẳn dành cho du khách. Bây giờ 36 phố phường của Hà Nội xưa cũ cũng thế thôi, đâu còn "nguyên gốc" nữa!
Phần lớn người Avignon đều sống nhờ du lịch, nhất là trong thành cổ. Nhưng Avignon cũ mới gì đều như một khu chợ khổng lồ, mà giá cả thì khá đắt. So ra, giá cả ở Paris còn dễ chịu hơn nhiều. Vào thời điểm đó, bánh mì ở Paris giá 2 euro, còn tại Avignon bánh mì cùng cỡ là 3 euro.
Sau khi kết thúc chuyến du ngoạn bằng xe lửa mini thì trời đã sẩm tối. Chúng tôi đến đường Thợ Bạc bởi nơi đấy có một quán ăn Việt Nam tên "Sài Gòn", bán các loại phở, hủ tiếu, nem lụi … Tại đây tô phở đặc biệt to gấp đôi tô phở bình thường ở Hà Nội hoặc TPHCM, mỗi tô giá 10 euro, tức khoảng 250.000 đồng vào thời điểm đó. To quá, vợ chồng tôi phải chia đôi tô phở.
Avignon cũng liên quan tới Việt Nam vì một lẽ khác. Không những chỉ là một thành phố du lịch với những công trình lịch sử, Avignon còn gắn liền với nhiều danh nhân, trong đó có người liên quan đến Việt Nam. Đó là Alexandre de Rhodes, sinh ra tại đây vào năm 1591.
Cầu Avignon nổi tiếng với bốn nhịp còn lại
Cây cầu gãy nổi tiếng
Trong lúc ngồi xe lửa mini, chúng tôi đi ngang qua một nơi giống như vọng đài. Từ đó, nhìn thấy dòng sông với bốn nhịp cầu chơ vơ trong ánh nắng chiều hanh hao nhàn nhạt và bất chợt trong lòng nảy sinh những cảm xúc bâng khuâng về một thời kỳ lịch sử, về những chứng tích còn lại dường như đang được trân trọng gìn giữ, mãi vững bền, dẫu cho thời gian cứ lạnh lùng trôi đi…
Cầu Saint Bénézet, nổi tiếng hơn với tên cầu Avignon, không chỉ là biểu tượng của thành phố Avignon, mà còn là một biểu tượng quan trọng của văn hóa Pháp. Tại sao?
Được xây dựng vào khoảng thập kỷ 70-80 của thế kỷ XII, ban đầu cầu gồm đến 22 nhịp bắc qua sông Rhône. Trong nhiều năm tháng, đây là chiếc cầu quan trọng trong giao thương giữa khu vực thuộc đế quốc La Mã cũ ở Nam châu Âu với những khu vực khác.
Theo một truyền thuyết, mọi chuyện bắt đầu khi Bénézet (Benoit), một đứa trẻ chăn cừu 12 tuổi của vùng Ardèche, đến Avignon vào năm 1177. Cậu nhận được mệnh lệnh từ trời là phải đứng ra kêu gọi xây một cây cầu ở Avignon. Cậu công bố lời thần thánh đó và liền bị cư dân ở đây chế nhạo.
Lãnh đạo Avignon thời đó đã buộc tức Bénézet lấy một tảng đá ném xuống sông Rhône. Nhờ thần linh trợ giúp, Bénézet đã nâng được tảng đá, ném xuống sông. Đó là tảng đá đầu tiên đặt nền móng cho chiếc cầu.
Còn có một câu chuyện về Bénézet hoàn toàn khác. Dường như cậu ấy khi lớn lên đã lập ra một tổ chức từ thiện, quyên góp tiền của xây dựng cầu Avignon, nhằm giúp đỡ khách đường xa. Bénézet qua đời năm 1184 trước khi thấy cây cầu được hoàn thành khoảng 1 năm sau đó. Ông được phong thánh, bởi thế cầu mới mang tên Saint Bénézet.
Trên thực tế, cầu Saint Bénézet không nối bờ trái với bờ phải của sông Rhône, mà tới đảo Barthelasse trước. Sau đó, tiếp tục một đường thẳng xuyên đảo, băng qua một nhánh của con sông để đến Villeneuve-lès-Avignon, một thành phố khi đó thuộc quyền cai trị của vua Pháp. Thời ấy, Avignon thuộc quyền cai trị của Giáo hội Thiên chúa.
Cầu cũng không thẳng mà hơi cong ở giữa. Nguyên nhân? Nhờ đó nó mới có thể vươn qua dòng chảy mạnh mẽ của sông Rhône, giảm bớt áp lực lên các trụ cầu. Tổng cộng cầu dài gần một cây số với 22 nhịp như đã nói, nhưng rồi chỉ còn sót lại 4 nhịp mà thôi.
Những nhịp kia, do phải chống chọi với lũ lụt nên dần sụp gãy hết. Đương nhiên, người ta đã tìm cách xây dựng lại, nhưng không thành công. Một phần vì dòng chảy của Rhône quá dữ dội, cầu nối lại được một thời gian rồi lại gãy; một phần do kinh phí có hạn, trong khi việc xây dựng lại cầu quá tốn kém.
Theo một truyền thuyết, sông Rhône được xem như một vị thần thỉnh thoảng lại nổi giận. Hồi năm 1856, cơn giận của thần quá dữ dội và đã phá hủy một phần của không ít thành lũy hai bên bờ sông, từ Porte Saint Roch đến Porte Saint Dominique. Ngay cả khi sông bắt đầu được chế ngự vào đầu thế kỷ 20, lũ lụt cũng luôn xảy ra ở Avignon. Lần dữ dội gần đây nhất là năm 2003.
Trong thế kỷ 17, chính quyền Avignon quyết định không chi tiền xây dựng lại cầu nữa. Cũng bởi nó không còn đạt tiêu chuẩn giao thông vì nhỏ hẹp. Cầu được để dở dang, chỉ còn lại bốn nhịp, vươn ra sông.
Nhưng không có chuyện để cho bốn nhịp sót lại này bị sập! Chúng luôn được các chính quyền kế tiếp ở Avignon chăm sóc kỹ càng.
Và hẳn những ai từng học tiếng Pháp thủa nhỏ đều biết đến bài hát liên quan tới cây cầu này: Sur le pont d’Avignon, on y danse, on y danse tout en rond... (Trên cầu Avignon, người ta nhảy múa, người ta nhảy múa theo vòng tròn…).
Ngày nay, không có nhiều thông tin về bài hát ngoại trừ việc nó xuất hiện từ thế kỷ 15, trở thành một bản nhạc kinh điển trong số những bài hát thiếu nhi - kiểu đồng dao. Nó "tường thuật" những gì đã xảy ra vào mỗi dịp cuối tuần ở đây: một cuộc sống vui tươi, vô tư lự.
Ngày nay, người dân nơi đây vẫn lui tới với cây cầu gãy; đương nhiên cả khách du lịch nữa.
Người dân thân thiện
Vợ tôi có ấn tượng tốt với cư dân Avignon. Xe lửa mini đi tới đâu, cư dân hai bên đường cũng đều vẫy tay chào nồng nhiệt. So với dân Paris và các thành phố lớn khác của Pháp, người dân ở đây nhiệt tình, thân thiện và lịch sự hơn nhiều. Họ sẵn sàng chỉ dẫn rất tận tình khi bạn hỏi đường hoặc có vấn đề thắc mắc nào đó. Khi đi mua sắm, bạn sẽ được những người bán hàng chào hỏi niềm nở, cho dù không mua gì cả.
Vợ tôi nhận xét thêm rằng người dân ở đây không có vẻ gì vội vã. Mọi hoạt động từ sinh hoạt, kinh doanh đến đi lại đều diễn ra từ tốn. Người và xe trên đường luôn tà tà, ít ra là trong phố cổ. Họ tạo ra một bầu không khí dễ chịu không giống như người Paris.
Người ta thường nói "lịch sự như dân Paris", nhưng bây giờ chẳng đúng như thế nữa. Có phải do hiện tại người Paris thứ thiệt không còn nhiều, hay vì lý do nào khác?
Ở Việt Nam, người ta cho rằng người Tràng An - Hà Nội thanh lịch, người phương Nam nhiệt tình… Bây giờ, cũng chẳng còn được như thế nữa! Sự thanh lịch, nhiệt tình đã bị thay bằng sự ích kỷ, khó chịu, tính toán chi li. Dường như đó là hậu quả của một cuộc sống bị thương mại hóa cao độ.
Bình luận (0)