Đảo Hòn Nội cách bờ biển TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 25 km, thuộc sự quản lý của Công ty Sanets Khánh Hòa, nên muốn ra đảo phải mua tour của họ. Không có dịch vụ lưu trú qua đêm ngoài đảo; tổng thời gian tham quan, ăn trưa trên đảo chỉ vỏn vẹn 5 giờ nhưng nên đi Hòn Nội vì nơi đây có bãi tắm đôi rất độc đáo.
Chênh vênh trên vách đá
Tàu xuất phát từ cảng Cầu Đá lúc 7 giờ 30 phút và chạy khoảng 1,5 giờ mới ra tới đảo. TP Nha Trang xinh đẹp lui dần phía sau, con tàu chạy chếch về phía Đông Nam, lướt qua các đảo lớn trong vịnh Nha Trang như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Một..., rồi thoáng chốc chỉ còn mênh mông biển biếc. Anh hướng dẫn viên chỉ tay về phía cụm đảo nhỏ xíu nhô lên trên mặt biển phía trước, bảo: "Hòn Nội đó, nhìn thế chứ còn rất lâu mới ra tới".
Nha Trang lùi lại phía xa
Hầu hết các hòn đảo trong vịnh Nha Trang đều có chim yến làm tổ, đặc biệt là ở các đảo đá không có người ở. Khai thác tổ yến đã trở thành một nghề đặc trưng của xứ trầm hương từ lâu.
Tàu chạy qua một loạt đảo, tôi cực kỳ ấn tượng trước hình ảnh những căn lán của những người khai thác tổ yến. Chúng nhỏ bé, lẻ loi và chênh vênh trên các vách đá. Hệ thống thang tre nối các lán hoặc dẫn từ các lán bám theo vách núi đến hang yến nhìn thật mỏng manh. Công việc của những người khai thác tổ yến quả thật nguy hiểm và vất vả. Họ phải sống trong cô độc giữa muôn trùng sóng vỗ và luôn phải đối mặt với những rủi ro khi di chuyển, kiểm tra hoặc khai thác tổ yến.
Những chiếc lán chênh vênh trên vách đá
Sau gần 1,5 giờ lênh đênh trên biển, con tàu đã tiến sát đến Hòn Nội. Khu vực này ngoài Hòn Nội còn có một số đảo đá nhỏ xung quanh. Tàu chạy vòng qua núi Du Hạ của Hòn Nội để đưa du khách lên tham quan hang yến trên đảo Hòn Sam bên cạnh. Hòn Sam cách Hòn Nội chỉ khoảng 100 m, là đảo đá hoàn toàn, những người khai thác tổ yến đóng trú ở đây đã phải chở đất ra để trồng rau xanh.
Bãi tắm đôi giữa đại dương xanh thẳm
Sự kỳ diệu của thiên nhiên
Tôi chỉ được nghe anh hướng dẫn viên nói ở Hòn Nội có bãi tắm đôi độc đáo nhưng thực sự chưa hình dung nó ra làm sao. Nay đặt chân lên đảo, mọi việc đã được sáng tỏ. Một dải cát trắng khoảng 200 m nối 2 khối núi trên đảo với nhau đã tách mặt biển ra làm đôi: một bờ cát, 2 bãi tắm. Bàn tay của thiên nhiên sắp đặt thật diệu kỳ!
Chúng tôi tập kết hành lý vào vị trí rồi ào xuống vùng vẫy dưới làn nước biển xanh trong vắt. Bãi bên trái nhìn sang Hòn Sam, còn cái "vịnh" nhỏ bên phải nằm lọt giữa 2 khối núi của Hòn Nội nên gần như một chiếc bể bơi thiên nhiên khổng lồ. Dưới làn nước trong xanh là các rạn san hô tuyệt đẹp. Chẳng cần tàu đáy kính, chỉ cần thư thái nằm sấp trên mặt nước là có thể chiêm ngưỡng hình ảnh chốn thủy cung kỳ diệu với lũ cá nhỏ sặc sỡ tung tăng, ẩn hiện giữa các tán san hô.
Núi Du Hạ trên hòn Nội
Giàn rau xanh của những người khai thác tổ yến trên Hòn Sam
Mải đắm mình trong làn nước biển cho đến khi nhà tour bắc loa gọi lên ăn cơm, một số trong đám chúng tôi vẫn còn muốn tắm biển nữa nên để nguyên đồ ướt lên ăn.
Ăn trưa xong đã 12 giờ, chỉ còn khoảng 2 giờ trên đảo, rồi phải xuống tàu về lại đất liền. Đám bạn ngồi nghỉ một chút cho xuôi cơm, rồi lại rủ nhau nhào xuống nước ngắm san hô. Tôi tranh thủ leo lên đỉnh Du Hạ ngắm cảnh.
Núi Du Hạ ở Hòn Nội cao khoảng 90 m so với mực nước biển, hầu như không có cây lớn, chỉ có những bụi cỏ tranh lúp xúp - ít ra nó còn xanh hơn nhiều so với Hòn Sam ngay kế bên.
Trên đỉnh Du Hạ ngắm xuống, bãi tắm đôi hiện ra tuyệt đẹp. Rạn san hô nhìn rõ mồn một dưới làn nước xanh như ngọc. Dãy núi mờ xa là địa phận Cam Ranh.
Ngồi trên tàu trở lại đất liền, tôi cứ mãi nghĩ về biển đảo tuyệt vời của đất nước. Nào phải đi đâu xa xôi tìm kiếm, kiệt tác thiên nhiên ở ngay trên mảnh đất Việt Nam mình.
Bình luận (0)