Thi thoảng lòng nhũn như nước, chợt thèm xóm vắng người, mái lá lưa thưa nằm êm đềm ven dòng sông chảy qua trước mặt chia xóm làm hai nửa. Bên này sông là nhà, bên kia sông là rẫy bắp, trảng cỏ, hoa dại bừng nở sau tiếng chuông vang vọng hoàng hôn. Trời đã vào mưa. Những đám mây đen lơ lửng trên ngọn cây cao vút, rầm rì chuyện gieo trồng, cày cấy.
Cây tung cổ thụ ở rừng Nam Cát Tiên
Tắm rừng
Xóm cách Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên không xa mấy, chỉ chừng vài trăm bước chân. Qua một lần đò, những tán lá xanh thẫm cuốn lòng người trôi vào cung đường xuyên rừng đến báu vật đại ngàn. Nào là cây tung cổ thụ, cây bằng lăng hơn 300 năm có 6 ngọn vươn cao hứng trọn ánh mặt trời, nào là cây gõ "bác Đồng" và vô vàn sinh linh nhỏ bé lạ lùng.
Cung đường dài chừng 5 cây số cũng đủ làm lòng người già cỗi bởi phố thị tươi giòn, làm con nít được phen mắt tròn mắt dẹt. Bọn kiến "núc ních" kéo một đường cắt ngang lối mòn, khiến tụi nhỏ chùn bước, thậm chí có đứa sợ muốn khóc. Gắng nhảy nhanh qua nhưng lóng nga lóng ngóng vì lần đầu đối mặt với đàn kiến to quá cỡ so với đồng loại ở thành thị. Đó là chưa kể đến lúc bị vắt bám, xin tí máu lúc nào không hay.
Cây tung cổ thụ cao vút trời xanh được cho là ngàn năm tuổi với bộ rễ cực ấn tượng, to bản vươn dài, trồi lên hẳn mặt đất. Ước tính bộ có rễ bề ngang gần 1 m, bề dài hơn 5 m. Những rễ nhỏ khác của cây tung cũng to ngang ngửa với những cây bình thường khác xung quanh. Có thể nói cây tung này đặc biệt chỉ thua cây tung ở ngôi đền Ta Prohm nằm trong quần thể Angkor - Campuchia. Đây cũng là lý do khiến cây tung này được mệnh danh "Thằn lằn sấm" ở rừng Nam Cát Tiên.
Rừng Nam Cát Tiên có nhiều chỗ để tắm táp, nào là tắm sông, nào là tắm hồ. Với kẻ lãng đãng, có lẽ thú vị nhất là đi chân trần giữa con đường đất, nghe lạo xạo lá mục nồng ngai ngái, rồi nằm phịch, gom khoảng trời xanh trong có làn mây trắng như bông vào lòng.
Đi dưới tán rừng mát lạnh
Ôi, hương ca cao!
Sáng mai mở mắt, trời còn chưa sáng hẳn, cố tình ra võng đong đưa "nướng cho đến khét". Thế nhưng vẫn phải cắt cơn, bật dậy, nhược bằng không muốn hụt phiên chợ sớm. Chợ nơi xa ngái với những món thơm bùi vị quê, nhẹ túi tiền và không thể bỏ qua như bánh cam mặn, bánh cam ngọt. Có đứa ăn lần chục cái vẫn thòm thèm.
Đường quê yên ả, thả bộ loanh quanh bắt chuyện với mấy bà thím, được mời vào nhà ngắm hoa ca cao trắng muốt, có mùi thơm dịu nhẹ. Nói đến ca cao xứ này, nổi tiếng có ca cao ở xã Tà Lài, cách Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên không xa.
Ca cao có hai thời điểm ra hoa đậu trái đó là khoảng tháng 4 đến tháng 5 (thu hoạch vào tháng 10-11) và tháng 10-11 (thu hoạch vào tháng 3-4). Tùy vào điều kiện chăm sóc, thời tiết, hoa ca cao sẽ ra sớm hoặc trễ hơn 1 tháng. Nghe nói nếu có điều kiện chăm sóc (tưới nước, bón phân) thường xuyên trong mùa khô thì lượng cây sẽ có trái quanh năm.
Ca cao Tà Lài thơm bùi, uống nóng là "số dzách". Dẫu vậy, nếu muốn biến tấu thì có vô số món lạ bụng như sinh tố ca cao, rượu ca cao, ca cao dằm sữa đá. Sô-cô-la đắng nơi đây cũng là món đáng thử vì vị ngon không kém những thương hiệu có tiếng. Quãng đường lội ngược từ xã Nam Cát Tiên tới vườn cao cao yên bình, vừa đủ uốn éo vừa đủ mướt mắt, cảm thấy mình là một kẻ mộng mơ, chìm đắm trong buổi chiều gió lộng.
Rồi lòng sung sướng âm ỉ khi bám theo những người đi cắt tranh lợp mái làm nhà. Nóng hừng hực, mồ hôi ướt đẫm vì bọc mình trong mấy lớp quần áo tránh cỏ tranh cắt vào người. Cực thế mà vui!
Và những chiều đi tắm suối, tắm sông, thả hồn chầm chậm trôi theo tiếng lá lạo xạo. Gió mềm lướt trên tóc, trên mặt, luồn cả vào trong người mơn man da thịt.
Bình luận (0)