Đây là một không gian đầy ắp mảng xanh cạnh một phố Hội cổ kính, là nơi tái hiện nghề truyền thống trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa của đất Quảng Nam đã hơn 500 năm qua.
Đây đồng thời cũng là chốn dừng chân nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực đặc sắc xứ Quảng và miền Trung bằng hệ thống villa hơn 64 phòng, nhà hàng, hồ bơi, quán cafe yên bình, thơ mộng.
Không gian yên bình trong Làng Lụa
Điểm nhấn của Làng Lụa chính là... lụa. Du khách được các hướng dẫn viên giới thiệu quy trình trồng dâu, ươm tằm, quay tơ, đánh ống, dệt vải - lụa, nhuộm...
Quay tơ ở Làng Lụa
Trong không gian Làng Lụa, bên cạnh giống cây dâu truyền thống Quảng Nam thường thấy ven sông Thu Bồn còn có những hàng dâu "cổ thụ" hơn trăm năm tuổi được tìm kiếm công phu, đưa về trồng, gọi là "dâu Chămpa", củng cố truyền thống trồng dâu - dệt vải rất lâu đời ở xứ này.
Lụa Mã Châu, lụa Hội An, lụa Bảo Lộc... được bày biện rất phong phú và đẹp mắt. Chất liệu tự nhiên và chính gốc giúp lụa tơ tằm óng ả, mặc vào cảm thấy rất mát.
Du khách có nhu cầu mua vải lụa hoặc quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ được may - đan sẵn, rất đa dạng và tinh tế.
Nhà dệt Chăm
Nhiều nữ du khách từ Hà Nội sau khi tham quan gian hàng lụa tơ tằm đã quyết định đặt may áo dài tại chỗ.
Tham quan Làng Lụa, sau đó dừng chân vào bất kỳ gian nhà cổ nào ở đây, gọi một ly cà phê trứng, cũng thoả lòng cho một cuộc du Xuân.
Thú vị khung dệt Cửu Diễn
Ông Cửu Diễn tên thật là Võ Dẫn, sinh năm 1900 tại thôn Thi Tây, một thôn có nhiều người làm nghề dệt lụa của làng Thi Lai, nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Những năm 1930, dân Quảng dệt thủ công, khổ vải chưa tới 0,5m, năng suất rất thấp, cơ cực, khó bán.
Ông Võ Dẫn vào Sài Gòn, học cách người Hoa chế tạo máy dệt vải ở Chợ Lớn, quan sát máy dệt của người Pháp rồi về cải tiến khung cửi thành khổ rộng 1m, nhiều hoa văn, chất liệu vải tốt, năng suất cao gấp nhiều lần, giải phóng sức lao động. Nhờ đó, vải Quảng Nam và vải, nhất là lãnh, của người Quảng ở Sài Gòn còn được xuất bán sang nhiều nước.
Làng Lụa dựng lại Xưởng dệt Cửu Diễn, cũng là một cách nhắc nhớ, tôn vinh ông.
Khung dệt Cửu Diễn
Bình luận (0)