. Phóng viên: Thưa ông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Ông đánh giá thế nào về chủ trương quảng bá du lịch nội địa trong thời điểm này?
- Ông NGUYỄN HỮU THỌ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Nước ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng tình hình thế giới vẫn còn nghiêm trọng. Do đó, việc mở cửa ngành du lịch đầu tiên với thị trường nội địa là hợp lý. Chiến dịch quảng bá, truyền thông để khuyến khích "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" rất cần thiết lúc này.
Vào thời điểm này, thị trường du lịch nội địa là con đường duy nhất trong bối cảnh khách quốc tế chưa thể tới Việt Nam và người Việt cũng không thể đi du lịch nước ngoài. Ở góc độ khác, thị trường nội địa từ nhiều năm qua đã đóng vai trò ngày càng quan trọng với ngành du lịch. Nếu đầu những năm 1990, ngành du lịch chỉ phục vụ vài triệu khách nội địa mỗi năm thì vài năm gần đây, con số này đã tăng trưởng mạnh. Riêng năm 2019, ngành du lịch đón và phục vụ tới khoảng 89 triệu lượt khách nội địa. Muốn tồn tại, ngành du lịch phải kích cầu nội địa, mời gọi người dân đi du lịch trong nước và muốn phát triển mạnh cũng cần thu hút cả khách quốc tế bởi đây là ngành xuất khẩu tại chỗ, thu ngoại tệ về cho đất nước.
Hiện tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành du lịch từ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, lữ hành, các điểm tham quan du lịch, các điểm đến… đều sẵn sàng vào cuộc. Khác với các chương trình kích cầu du lịch từng vùng trước đây, từ giữa tháng 5-2020, liên minh kích cầu du lịch Việt Nam, đặc biệt là liên minh kích cầu du lịch ở từng địa phương và từng vùng du lịch, sẽ mở rộng trên toàn quốc. Hiện các đơn vị liên quan đã xây dựng xong chương trình an toàn du lịch, xúc tiến quảng bá để thông tin đến người dân.
. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này ra sao?
- Quy luật sau thời gian giãn cách xã hội là cơ hội phục hồi của ngành du lịch giống như lò xo bị nén và sẽ bung mạnh trở lại. Khi Việt Nam chống dịch hiệu quả, người dân sẽ tin tưởng và yên tâm để đi chơi an toàn. Du lịch sẽ bùng nổ trở lại, nhất là các loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch biển và ẩm thực... Muốn thu hút khách nội địa, các doanh nghiệp (DN) cần chú trọng, đẩy mạnh những phân khúc này để kéo khách.
Cầu Vàng nằm trên độ cao 1.400 m của đỉnh Bà Nà, thuộc Khu Du lịch Sun World Bà Nà Hills - là điểm đến hấp dẫn của Đà Nẵng. Ảnh: ÁNH NGỌC
. Nếu chiến dịch này thành công sẽ không chỉ giúp DN hồi sinh sau "ngủ đông" mà còn làm nền tảng để quảng bá, thu hút khách quốc tế trong tương lai. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
- Đúng vậy. Chiến dịch này là tiền đề khôi phục ngành du lịch và đây cũng cần là chiến lược dài hạn cho ngành trong thời gian tới. Thế giới hiện nay có nhiều biến động, không chỉ dịch bệnh mà các yếu tố thiên tai, môi trường… khiến các DN cần linh hoạt ứng phó. Khi thị trường du lịch nội địa tổ chức chuyên nghiệp, bài bản hơn sẽ tạo nền tảng để thu hút thêm nhiều khách quốc tế sau khi hết dịch bệnh. Có làm tốt du lịch nội địa mới có điều kiện làm tốt thị trường quốc tế hậu dịch Covid-19. Dù tập trung vào thị trường nội địa nhưng khi có điều kiện cũng xúc tiến, quảng bá tới khách quốc tế bởi như tôi đã nói, du lịch quốc tế rất quan trọng vì là ngành xuất khẩu tại chỗ, tạo mối quan hệ giữa các dân tộc, hiểu biết lẫn nhau về văn hóa - lịch sử...
. Làm sao để chiến dịch này đem lại hiệu quả tốt nhất và thu hút du khách tham gia?
- Đến giờ, các DN lớn và trung bình dù khó khăn nhưng cũng có thể duy trì chờ cơ hội hồi phục sau dịch nhưng riêng các DN nhỏ rất khó khăn. Do đó, trong đề xuất của ngành du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam về triển khai các gói hỗ trợ của nhà nước mới đây, chúng tôi kiến nghị nên hỗ trợ cho người dân và cả các DN du lịch nhỏ để họ có thể vượt qua được. Số tiền hỗ trợ cho DN nhỏ, hỗ trợ cho người dân thất nghiệp cũng là yêu cầu thiết yếu để kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch...
Trong khó khăn đòi hỏi ngành du lịch phải hiện đại hóa, sử dụng công nghệ thời 4.0 thông qua các công cụ để tạo ra sản phẩm mới hấp dẫn, tiết kiệm chi phí, nguồn lực, trên cơ sở đó có thể giảm giá thành nhằm phục vụ cho kích cầu. Về lâu dài, mức giá tốt cùng chất lượng sẽ cạnh tranh với các nước trong khu vực.
. Ông TRẦN ĐOÀN THẾ DUY, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel:
An toàn được đặt lên hàng đầu
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công ty Vietravel tiên phong khởi động lại thị trường du lịch với gói kích cầu giảm giá đến 60%. Trước đây, yếu tố chất lượng, khuyến mại, giảm giá được đặt lên hàng đầu thì nay yếu tố an toàn là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng sản phẩm và công tác điều hành. Tất cả các khâu từ khi đặt tour, lên xe, đến điểm tham quan, vui chơi, nhà hàng, lưu trú... là một vòng tròn khép kín với mục tiêu đặt ra là kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn và đem lại sự an tâm cho du khách.
Bên cạnh tour trọn gói là thế mạnh của Vietravel, dịch vụ Free & Easy (du lịch tự chọn) đang được nhiều khách hàng quan tâm. Sản phẩm này phù hợp với các chuyến du lịch nghỉ dưỡng cùng gia đình, nhóm bạn bè hay các chương trình được thiết kế riêng theo nhu cầu sẽ là sự lựa chọn lý tưởng. Các dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp từ 4-5 sao, xe đưa đón chất lượng cao cùng với các tiện ích đáp ứng đầy đủ tiêu chí an toàn sẽ nâng tầm trải nghiệm của du khách.
. Bà BÙI THỊ THANH HƯƠNG, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group:
Phá băng thị trường du lịch
Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến đầu tiên trên thế giới thu hút du khách quốc tế quay trở lại sau dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề không chỉ với những DN du lịch, trong đó có Sun Group, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới chính "túi tiền" và tâm lý của du khách. Do vậy, du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi các DN cùng hợp tác để tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn.
Sun Group đã lên kế hoạch hợp tác với các địa phương và DN khác để cùng tạo nên sức mạnh vượt bão, đưa ra những chương trình kích cầu sớm và có sức hấp dẫn. Mục tiêu lớn nhất trước mắt là hâm nóng thị trường nội địa, từng bước phá băng thị trường du lịch Việt Nam vốn bị "tê cứng" thời gian qua, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhân sự ngành du lịch.
Việc đưa một DN du lịch hay các khách sạn, khu du lịch trở lại hoạt động bình thường tưởng như đơn giản nhưng trong bối cảnh hiện nay thì thực sự cần nỗ lực và quyết tâm lớn. Bởi vận hành một bộ máy cần rất nhiều chi phí, trong khi lượng khách nội địa hiện nay vẫn chưa đông, khách quốc tế gần như vắng bóng, thu không đủ bù chi. Nhưng nếu không hành động ngay lúc này, thị trường du lịch nội địa sẽ khó nhanh chóng phục hồi trong khi các phân khúc khác lại chưa thể dự đoán được thời điểm trở lại.
Linh Anh ghi
Bình luận (0)