Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019 vừa khép lại khá thành công và ấn tượng. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia du lịch đã góp ý, đề xuất ý tưởng cho đường lối phát triển du lich nơi vùng đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc.
Cột cờ Hà Nội là biểu tượng mới ở Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: THANH MINH
Du lịch đường biển tạo nét khác biệt
Ông Peerapol Triyakasem - Chủ tịch Vietnam Center in Thailand, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution - đã sinh sống ở Việt Nam hơn 30 năm và có nhiều kinh nghiệm làm du lịch. Ông nhận ra rằng do mất rất nhiều thời gian để đến được Cà Mau nên du khách nước ngoài không mặn mà. Do đó, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng để rút ngắn thời gian này.
"Tôi nghe nói tỉnh đang có dự án mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau và nhắm tới cảng biển. Phát triển du lịch đường biển không dễ dàng nhưng Cà Mau có một số điểm thuận lợi để làm tốt du lịch hàng hải, có chi phí thấp hơn nhiều so với du lịch hàng không. Vì vậy, tôi đề xuất kết hợp bến cảng phục vụ đánh bắt thủy sản, đồng thời là cảng du lịch. Hy vọng không bao lâu nữa Cà Mau sẽ đón được tàu du lịch lớn" - ông Peerapol Triyakasem góp ý.
Cũng theo nhiều chuyên gia, khi Thái Lan đào kênh Kra thì Cà Mau nằm rất gần tuyến hàng hải mới. Do đó, từ nay đến năm 2025, nên nâng cấp cảng dùng chung để đón được du thuyền loại trung bình (300-500 khách); đồng thời quy hoạch khu vực xây dựng cảng đón du thuyền lớn trong tương lai (tàu trên 100.000 tấn), quy hoạch đường vận chuyển và tuyến tham quan trong ngày, quy hoach dịch vụ dành cho khách du lịch tàu biển và nâng cấp sân bay.
"Việc mở tuyến tàu biển sẽ gặp khó khăn về hạ tầng, vốn, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nếu phát triển được du lịch đường biển, du lịch Cà Mau sẽ khác biệt với các tỉnh còn lại ở ĐBSCL" - ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát trển du lịch ĐBSCL, nhận định.
Con cua sẽ trở thành biểu tượng đặc sản của Cà Mau
Hướng về một lễ hội cua
Cũng theo ông Peerapol Triyakasem, để phát triển du lịch, điều trước tiên phải có sản phẩm du lịch, tiếp đến là địa điểm du lịch. Một điểm du lịch dù đẹp cỡ nào mà không có đặc sản nổi bật thì cũng khó lòng níu chân du khách. Cà Mau có nhiều đặc sản tốt, nhất là cua và tôm. Do đó, cần kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến những loại đặc sản này. Làm sao để tạo ra được nhiều sản phẩm đa dạng từ con tôm, con cua mà du khách có thể mua mang đi và dùng tại chỗ.
"Lễ hội cua cũng là một ý tưởng rất tốt. Cà Mau có đủ điều kiện để tổ chức lễ hội cua và tôi tin sẽ thành công. Lễ hội là một phần không thể thiếu đối với ngành du lịch, càng nhiều lễ hội càng thu hút được nhiều du khách" - ông Peerapol Triyakasem đề xuất.
Ngoài ra, ông Peerapol Triyakasem còn gợi ý cho tỉnh này tận dụng nguồn vỏ cua, vỏ tôm để chế biến ra các loại túi đựng thân thiện với môi trường, thay thế cho túi ni-lông. Đây là một điểm cộng của ngành du lịch Cà Mau đối với du khách quốc tế, sẽ tạo được thiện cảm đối với du khách.
Lưu ý với ngành du lịch Cà Mau tại "Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019" mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là xu hướng phát triển rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Cà Mau. "Nụ cười tỏa nắng của mọi người dân Cà Mau đại diện cho sự thân thiện hồn hậu, tận tâm với du khách là cách quảng bá du lịch hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất và bền vững nhất" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)