Sáng 10-12, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức buổi "Tọa đàm kết nối và hợp tác phát triển du lịch Cà Mau". Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện "Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019".
Mục đích của tọa đàm nhằm kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hợp tác phát triển, xây dựng các tour tuyến, liên kết phát triển du lịch giữa Cà Mau với các tỉnh ĐBSCL cùng các tỉnh nằm trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam của Thái Lan và Campuchia.
Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tốc độ cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội. Với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ qua, du lịch đã khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên thế giới, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. "Thông qua buổi tọa đàm này, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội để các địa phương cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị ngành du lịch được giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển ngành du lịch", ông Quân nhấn mạnh.
Ông Peerapol Triyakasem, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution (Thái Lan) hiến kế phát triển du lịch Cà Mau
Chia sẻ về kinh nghiệm trong kết nối du lịch của Thái Lan, ông Peerapol Triyakasem, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution (Thái Lan), đánh giá du lịch Cà Mau chưa thu hút được khách du lịch quốc tế vì hạ tầng giao thông chưa được phát triển. "Tôi muốn đi đến Cà Mau phải bay từ Thái Lan đến TP HCM, sau đó ngồi xe nhiều giờ mới đến được Cà Mau rất mất thời gian. Tôi nghĩ rằng, phát triển du lịch bằng đường biển sẽ giúp Cà Mau phát triển tốt trong tương lai. Vì Cà Mau thuận lợi phát triển ngành hàng hải và tôi hy vọng không bao lâu nữa Cà Mau sẽ đón được tàu du lịch lớn. Khi có cảng du lịch, Cà Mau sẽ thu hút nhiều hơn du khách quốc tế", ông Peerapol Triyakasem chia sẻ và hy vọng khách du lịch đến Thái Lan và Campuchia cũng giống như đến với Cà Mau.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau chuẩn bị khánh thành là một trong những điểm nhấn cho du lịch Đất Mũi
Cũng theo ông Peerapol Triyakasem, Cà Mau có thể sử dụng cảng cá để phát triển song hành với cảng du lịch. "Chúng tôi mong muốn Cà Mau sớm hình thành bến cảng không chỉ phát triển thủy hải sản mà còn phát triển du lịch, bởi phát triển du lịch hàng hải chi phí rẻ hơn nhiều so với du lịch hàng không. Tôi cũng hy vọng ý tưởng của tôi giúp kết nối du lịch Cà Mau với Campuchia, Thái Lan và hơn nữa. Tôi sống ở Việt Nam hơn 30 năm nên tôi hiểu rõ lợi thế của Cà Mau còn có nhiều nghề đánh bắt thủy sản phát triển. Làm du lịch, trước tiên là phải có sản phẩm. Cà Mau có sản phẩm tôm và cua rất nổi tiếng, cần đầu tư chế biến 2 sản phẩm này để du khách đến Cà Mau có sản phẩm mang về.
Cua biển Năm Căn là 1 trong 2 đặc sản nổi tiếng của Cà Mau
Ngoài ra, vỏ tôm, cua có thể chế biến thành túi thay thế túi ni lông, tạo cảm giác cho du khách là Cà Mau còn rất thân thiện với môi trường…", ông Peerapol Triyakasem gợi ý.
Trải nghiệm du lịch xuyên rừng đước ở Cà Mau
Cùng chung nhận định, ông Tang Sochet Kresna, Giám đốc Sở Du lịch Trinh Preah Sihanouk (Campuchia), chia sẻ: "Du khách quốc tế đến với Campuchia chủ yếu bằng hàng hải và hàng không. Chúng tôi đang mở rộng đường biển để dễ dàng di chuyển hơn. Cơ sở hạ tầng vô cùng quan trọng, đây là nhân tố để phát triển kinh tế cũng như du lịch của Campuchia. Tôi nghĩ Cà Mau cũng có điểm chung như vậy".
Câu cá thòi lòi là một trong những hoạt động thú vị với du khách đến Mũi Cà Mau
Ông Tang Sochet Kresna lấy dẫn chứng cụ thể tại Sihanouk trước đây có cảng hàng không trong nước với khoảng 10 chuyến bay với 5 hãng bay. Từ khi phát triển nâng cấp lên gần 50 chuyến bay đã giúp ngành du lịch phát triển hơn trong những năm gần đây. "Phát triển cảng hàng không vẫn còn hạn chế so với chúng tôi vì chưa có những đường bay dài. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển lĩnh vực này để thu hút nhiều hơn nữa cho du khách quốc tế. Chúng tôi cũng đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên của Campuchia từ Phnôm Phênh đến Sihanouk với chi phí đầu tư trên 3 triệu USD để phát triển hạ tầng du lịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng mở rộng đường xá hơn, để đón tiếp những đoàn xe du lịch loại lớn. Tôi nói điều này để khẳng định cả Sihanouk cũng như Cà Mau muốn phát triển du lịch phải đầu tư hạ tầng thật tốt", ông Tang Sochet Kresna đúc kết.
Bình luận (0)