Lễ hội Katê như một cuộc hội ngộ. Hầu như tất cả người Chăm xa quê đều trở về bên gia đình, làng xóm.
Tháp Po Klong Garai
Đến tháp Po Klong Garai vào đúng lễ hội Katê mới cảm nhận rõ nét đẹp văn hóa của đồng bào Chăm nơi đây. Tọa lạc sừng sững trên đồi Trầu, tháp Po Klong Garai được xây dựng để thờ vua Po Klong Garai (1151-1205). Kiến trúc Po Klong Garai ngày nay gồm 3 tháp: tháp Chính, tháp Lửa và tháp Cổng.
Tháp có hai cửa thông nhau theo trục Đông - Tây gọi là tháp Cổng, cao khoảng 8,56 m và được chạm trổ hoa văn tỉ mỉ. Tháp Lửa cao 9,31 m, được thiết kế theo tín ngưỡng Bà La Môn với hai mái cong hình chiếc thuyền đặc trưng.
Tháp Chính cao hơn 20 m, thiết kế nhiều tầng. Quanh đỉnh tháp được gắn tượng đá và biểu tượng lửa. Hầu hết các tháp đều được xây dựng từ loại gạch nung đỏ sẫm, kết dính lại với nhau bằng chất keo thực vật.
Được xây dựng vào cuối thế kỉ XIII nhưng mãi đến tận bây giờ, cụm tháp vẫn hiên ngang giữa đất trời, thách thức cùng nắng, hòa ca cùng gió, hát lời tình ca về một nền văn hóa cổ xưa.
Lễ hội Katê 2019 tại tháp Po Klong Garai có các tiết mục ca múa đặc sắc. Nhiều du khách đến đây để tìm hiểu về văn hóa dân tộc Chăm qua những hình ảnh, hiện vật tại khu trưng bày tháp Po Klong Garai.
Làng nghề truyền thống
Cách trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm 10 km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là nơi bắt đầu câu chuyện của "những sản phẩm ấm tình người".
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp - nơi những người phụ nữ ngày ngày nhịp nhàng bên khung gỗ - được gọi với cái tên thân thương: "Quê hương sợi chỉ đủ màu". Người dân nơi đây dùng các khung gỗ, tre thô sơ làm khung dệt. Với đôi tay khéo léo, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành từng mảnh thổ cẩm màu sắc rực rỡ, hoa văn đa dạng thể hiện sự quý phái, sang trọng như hoa văn thần Siva, rồng trời, voi Tây Nguyên, hoa mai…
Không dừng lại ở các loại sản phẩm thô, làng dệt Mỹ Nghiệp còn có cơ sở chế tác áo, túi xách, ví, ba lô bằng thổ cẩm.
Làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng kỹ thuật nung gốm độc đáo mang đậm nét văn hóa Chăm không lẫn với bất kỳ nơi nào. Gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm "ấm bàn tay con người" bởi sản phẩm được nắn và tạo hình hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay.
Bàn tay nghệ nhân vuốt ve nhịp nhàng biến khối đất nên hình hài sản phẩm từ bình hoa, ấm nước, nồi niêu, chum, vại đến các tháp, tượng. Hoa văn gốm Bàu Trúc chủ yếu là hình răng cưa, sóng nước, vỏ sò...
Cung đường ven biển Núi Chúa
Đoạn đường DT702 từ Phan Rang đến Cam Ranh vẽ một vòng cung ôm lấy Vườn quốc gia Núi Chúa, nơi vịnh biển cùng rừng thẳm hội tụ. Hãy thử tưởng tượng xem, phóng xe trên con đường được dân yêu du lịch ưu ái gọi là "cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam", một bên là biển xanh cát trắng, một bên hùng vĩ núi rừng, thì còn trải nghiệm nào thú vị hơn?
Từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm hướng đến Bình Lập, mỗi cây số trôi qua là những đổi thay của cảnh quang xung quanh. Này là hang Rái kỳ ảo, kia là vịnh Vĩnh Hy thơ mộng và hàng loạt bãi biển hoang sơ nối tiếp nhau lấy đi hàng giờ đồng hồ để dừng lại chụp ảnh và tận hưởng cảnh đẹp của vùng đất Ninh Thuận.
Con đường quanh co, uốn lượn đi qua bao nhiêu là bãi biển hoang vắng tuyệt đẹp như những nàng tiên ngủ quên, để mặc thuyền bè nhấp nhô trên tấm thảm xanh màu nước biển.
Hang Rái
Thắng cảnh Hang Rái thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa - nơi những con nước lên xuống theo từng đợt thủy triều tạo nên vẻ đẹp cho "thạch bàn" san hô.
Khi hoàng hôn xuống, ánh nắng chỉ còn một màu bàng bạc trên mặt biển xanh. Từng hòn đá nhỏ phủ rêu xanh làm động lòng người.
Đứng giữa biển trời Hang Rái, nghe tiếng gọi của gió, của sóng vỗ mà cảm giác như tìm được một bản nhạc hoàn hảo cho tâm hồn mình.
Vịnh Vĩnh Hy
Vĩnh Hy là một trong những vịnh biển đẹp mà bất kỳ ai cũng muốn đến khi đôi chân còn khỏe và trái tim còn say với những chân trời mới.
Đến vịnh Vĩnh Hy, bạn có thể ghé thăm làng chài núp dưới tán dừa, tắm biển, thưởng thức hải sản, lặn ngắm san hô. Gió biển mát rượi, nước xanh lấp lánh những hạt nắng thủy tinh, thi thoảng bắt gặp những chiếc thuyền của ngư dân giăng lưới đánh cá.
Tàu du lịch được thiết kế đáy kính trong suốt để du khách có thể ngắm nhìn những rạn san hô đa hình đa sắc. Theo các nhà nghiên cứu, khu bảo tồn biển Vĩnh Hy là vùng biển có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam với trên 300 loài san hô phong phú về hình dáng, màu sắc.
Cánh đồng cừu
Nhiều người tìm về Ninh Thuận chỉ để thỏa ước ao chu du trên thảo nguyên, tự do như kẻ du mục thời hiện đại.
Trong những buổi chiều lộng gió, khung cảnh thấp thoáng dãy núi trùng điệp phía xa, bắt gặp đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ mà ngỡ như mình đặt chân đến thảo nguyên mênh mông ở phương Tây. Những đồng cừu đẹp mê hồn chính là "địa chỉ vàng" cho bạn thỏa đam mê "săn ảnh" của mình.
Những vườn nho trĩu quả
Nhiều người nói với nhau rằng: nếu đến Ninh Thuận mà chưa đến thăm vườn nho thì xem như chưa đến Ninh Thuận. Khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp cho việc trồng nho.
Bước vào khu vườn ngập nắng, những chùm nho đang căng mình chờ ngày cho trái ngọt bất chấp bao khô cằn của đất đai. Loại quả vốn nổi tiếng là quý phái, đỏng đảnh dường như thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người nông dân mà đơm hoa kết trái, đong đưa dưới giàn lá xanh tràn trề sức sống. Với tay hái một trái nho lủng lẳng trên giàn, cho vào miệng mà mát ngọt thanh tao.
Còn chờ gì nữa mà không mau mau về Ninh Thuận, góp nhặt một chút nắng gió, một chút hương biển, một chút dư vị ngọt ngào của quả nho căng mọng và đầy ắp tình người nồng ấm để dệt nên nỗi nhớ nhung dành cho vùng đất thiếu mưa thừa nắng này!
Bình luận (0)