xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngọc không mài giũa

Bài và ảnh: Ngọc Trân

Chỉ dựa vào địa hình để... đuổi khách đại chúng. Đó dường như là cách làm du lịch của chính quyền Hobart - Úc đối với đỉnh Kunanyi thuộc rặng núi Wellington, cách trung tâm thành phố chừng 20 km

Hầu như hai bên con đường đèo ngoằn ngoèo với những khúc quanh cùi chỏ từ dưới chân núi lên đỉnh Kunanyi của rặng núi Wellington chỉ toàn cây là cây, chủ yếu là loại bạch đàn đặc chủng Úc. Lên gần tới đỉnh, đã có thể thấy từng mảng tuyết phủ trắng vệ đường, cây cỏ, len cả vào giữa những tảng đá… Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết, yên bình, dường như chỉ để dành cho những ai thực sự yêu thiên nhiên.

Không mở rộng đường

Mặt trời đang tỏa sáng nhưng những tia nắng không đủ để xua đi cái lạnh - thời tiết phải xuống dưới gần 0 độ C - vào buổi sáng chúng tôi đến đây. Hơn nữa, gió lại lộng đầy. Vì thế, khi bước xuống xe, mọi người đều gài áo ấm, quấn lại khăn choàng, mang găng tay vào, kéo nón sát đầu như sắp đi vào… Nam Cực hay Bắc Cực!

Những khách du lịch không mang theo áo ấm và khăn choàng cùng khăn tay trông thật khốn khổ. Và họ đã phải chạy ngược lại nhằm tìm hơi ấm trong xe.

Đó không phải là cái lạnh buốt của miền Bắc Việt Nam, không phải là cái lạnh ẩm mùa đông của miền Trung, mà là của miền ôn đới thực sự: lạnh khô. Và tôi thấy thích thú. Nó làm gợi nhớ đến những ngày tháng học hành trong cái giá lạnh ở Lille, một thành phố miền Bắc nước Pháp năm nào. Khi đã đứng trên đỉnh Kunanyi, thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, những bộn bề cuộc sống hầu như bị bỏ lại sau lưng. Trong khoảnh khắc ấy, bao bọc lấy tôi là sự tĩnh lặng, tuy rằng thỉnh thoảng cũng có tiếng rít phanh của một chiếc xe đang ngừng lại.

Không đông người lên đỉnh Kunanyi, nằm cách trung tâm Hobart chừng 20 km về phía Tây này lắm đâu. Theo tờ báo Úc Mercury, mỗi năm chỉ khoảng 500.000 người lên đây. Chưa hẳn vì thời tiết. Mùa đông hầu như quanh năm là một việc, còn một việc nữa chắc không nhiều người nhận ra: Chính quyền sở tại muốn làm du lịch bền vững.

Ngọc không mài giũa - Ảnh 1.

Nhà kính ấm áp, từ trong đó vẫn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Hobart

Chính quyền Hobart - quản lý nguyên cả rặng Wellington - không nói thẳng ra rằng mình không thích khách du lịch đại chúng, mà giờ đang tràn ngập nhiều nơi trên thế giới. Dường như họ chỉ dựa vào địa hình nhằm hạn chế khách. Càng lên gần đỉnh cao 1.270 mét so với mặt nước biển, đường càng dốc và hẹp, chỉ đủ cho hai xe nhỏ chạy ngược chiều nhau; xe lớn đi rất khó. Chỉ có tuyến xe buýt, cứ mỗi 90 phút một chuyến, tên là Kunanyi/Mt Wellington Explorer Bus chạy từ bến cảng Hobart lên đây và ngược lại. Thế thôi.

Con đường đèo dài 11,6 km được xây dựng từ những năm 1930, mang tên Pinacle. Hồi ấy, chính quyền Hobart chỉ cho xe chạy một chiều - xe lên thì đóng cửa đường ở trên, lên hết rồi thì mới cho xe trên xuống nhưng sau này có nới ra một chút, đủ cho hai xe chạy ngược chiều tránh được nhau. Rồi giữ y như thế, không mở rộng thêm gì nữa. Đặc biệt, 6 km cuối đường đèo dẫn tới đỉnh Kunanyi quá hẹp; có lúc xe chúng tôi phải dừng lại để tránh xe từ trên chạy như đang lao xuống.

Giữ lại thiên nhiên


Ngọc không mài giũa - Ảnh 2.

Tuyết trắng từng mảng len vào giữa những tảng đá, cỏ cây

Họ giàu nhưng không làm đường cho 4 làn xe và có thể thấy rõ nó được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Bởi nhựa đường không bị bong tróc, cũng chẳng thấy ổ gà; xe chạy rất êm.

Họ để cho cây cối mọc thành rừng, giữ cái thiên nhiên; chỉ cho xây một vài điểm dừng chân trên đường đèo với lối đi bộ vào rừng, trong không gian thơm ngát mùi khuynh diệp tỏa ra từ những cây bạch đàn.

Cũng không có hàng quán nào trên đỉnh Kunanyi; chỉ một căn nhà kính để những ai chịu không nổi gió lạnh thì vào. Từ trong đó vẫn có thể ngắm toàn cảnh thành phố với những ngôi nhà bé li ti trải dài dọc bờ biển lẫn bờ sông và chân dãy núi Wellington.

Đương nhiên, những ai giỏi chịu lạnh thì có thể ra chiếc cầu thang gỗ. Từ đó sẽ thấy được cả bầu trời xanh lơ - vào ngày chúng tôi tới đây - như một chiếc chuông khổng lồ úp xuống cảnh vật. Và rồi có thể rời cầu thang để chơi đùa với tuyết sạch một màu trắng tinh cách đó không xa.

Trong quang cảnh đó, tha hồ mà chụp hình. Ai ai cũng có thể kiếm được nhiều tấm hình đẹp, chẳng cần phải là tay máy cừ khôi với máy ảnh chuyên nghiệp.

Hẳn cũng để làm du lịch bền vững cho nên hồi tháng 4 năm nay, Hội đồng Thị chính của Hobart đã bác bỏ một dự án xây dựng cáp treo lên đỉnh Kunanyi của một doanh nghiệp được chính quyền bang Tasmania hỗ trợ, theo tờ báo Úc Mercury. Một số người dân Hobart cũng đã tổ chức ra những nhóm bảo vệ sự vẹn toàn của đỉnh Kunanyi. Ngoài chuyện bảo vệ cảnh quan của đỉnh núi, họ còn lập luận rằng không thể lấy đất công giao cho một công ty tư nhân làm dự án cáp treo trị giá 54 triệu đô la Úc được.

Tất cả, dường như nhằm để cho đỉnh Kunanyi tiếp tục là một viên ngọc thô, không mài giũa. 

Ngọc không mài giũa - Ảnh 3.


Ngọc không mài giũa - Ảnh 4.


Ngọc không mài giũa - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo