Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2018 công bố tuần này cho thấy tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng chậm lại. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt 19,9% (tương đương gần 2,6 triệu lượt khách), thấp hơn so với năm 2017 đạt 29% (tương đương 2,9 triệu lượt khách).
Khách Trung Quốc giảm
Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch, 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018). Như vậy, tốc độ tăng đã giảm, nhất là 2 tháng gần đây, khách quốc tế giảm so với các tháng trước.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định mức độ tăng trưởng của du lịch có dấu hiệu chững lại, trong đó khách từ thị trường Trung Quốc giảm, khách Hàn Quốc tăng chậm. Đây là 2 nguồn khách lớn nhất của Việt Nam. Năm 2018, khách Trung Quốc chiếm 32% tổng lượng khách quốc tế (gần 4,5 triệu lượt khách), mang tới 24,7% tổng thu; còn khách Hàn Quốc chiếm 22,5% (gần 3,5 triệu lượt khách), đóng góp 24% tổng thu.
Hội An, Quảng Nam vừa được Tạp chí Travel and Leisure xếp đứng đầu danh sách “Những thành phố tuyệt vời nhất thế giới 2019” Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tháng 6-2019 có lượng khách quốc tế thấp nhất kể từ đầu năm. Đại diện Công ty Vietravel nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến kinh tế, thị trường Trung Quốc dẫn đến sức mua chững lại. Trong khi các điểm đến mới ở khu vực Đông Nam Á đều đẩy mạnh xúc tiến, điển hình như Philippines, Myanmar, Lào và Campuchia, đã thu hút sự hiếu kỳ đối với khách Trung Quốc.
"Trong nước, việc đồng loạt siết chặt loại hình tour giá rẻ của nhiều địa phương đã làm các công ty lữ hành Trung Quốc gặp khó khăn khi đưa khách đến nên rút khỏi thị trường. Sản phẩm du lịch thiếu mới mẻ cùng hệ thống dịch vụ chưa đồng bộ giữa các điểm đến đã khiến cho điểm tham quan trở nên tẻ nhạt, trong khi nhu cầu, đặc tính của khách Trung Quốc luôn thích những điểm mới" - đại diện Vietravel lý giải.
Với thị trường Hàn Quốc, một số công ty du lịch cho biết số lượng khách giảm nhẹ vào tháng 5 và tháng 6 bởi tính mùa vụ của thị trường và điều kiện tự nhiên. Phần lớn khách Hàn Quốc vào dịp hè ưa thích những nơi có khí hậu mát mẻ, thay vì thời tiết nóng ở Việt Nam.
Đa dạng nguồn khách
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch - Tổng cục Du lịch, cho hay lãnh đạo bộ và tổng cục đã ngồi lại với các doanh nghiệp lớn đón khách từ thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để đẩy mạnh xúc tiến các thị trường nguồn. Riêng tháng 6 có 4 sự kiện xúc tiến du lịch được triển khai ở Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là những sự kiện lớn được đẩy từ cuối năm lên, có sự tham gia của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khách mời là HLV Park Hang-seo trong chương trình tại Hàn Quốc, tạo hiệu ứng tốt.
Theo Tổng cục Du lịch, một số gói kinh phí xúc tiến du lịch tại Mỹ, Trung Đông được điều chuyển ưu tiên dành cho thị trường Bắc Á. Với riêng thị trường Trung Quốc, tổng cục dự kiến triển khai chiến lược e-marketing quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội nước này bằng tiếng Hoa nhằm thu hút khách lẻ, khách tự đi, nhắm vào người trẻ để bù đắp lượng khách charter sụt giảm.
Theo các công ty du lịch, từ bài học điển hình của thị trường Trung Quốc, các chính sách phát triển, tiếp thị truyền thông đối với khách Hàn Quốc nên được cân nhắc cẩn thận. "Ngoài việc tổ chức sự kiện hoặc tham dự hội chợ du lịch, việc tổ chức, tài trợ các game show hoặc tận dụng blogger du lịch để quảng bá cũng mang lại hiệu quả bởi người Hàn Quốc, đặc biệt đối tượng trẻ, thường bị tác động bởi truyền thông hoặc những người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ" - đại diện Vietravel phân tích thêm.
Đẩy mạnh thị trường ASEAN
Một xu hướng mới của thị trường khách quốc tế những tháng đầu năm là lượng khách đến từ Thái Lan tăng mạnh. Trong nửa đầu năm, cả nước đón hơn 245.000 lượt khách Thái Lan, tăng 45,4% so với cùng kỳ. Theo các hãng lữ hành, các hãng hàng không liên tục mở nhiều đường bay giữa những điểm đến miền Trung như Đà Nẵng với Bangkok… đã thu hút khách nước này.
Dù vậy, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho rằng để đón thêm nhiều du khách Thái và phục vụ đối tượng khách này tốt, ngành du lịch cần chuẩn bị nguồn hướng dẫn viên. Thực tế, hiện số lượng hướng dẫn viên tiếng Thái chỉ đếm trên đầu ngón tay nên mỗi lần có đoàn khách số lượng lớn là gặp khó khăn.
"Cần có chính sách áp dụng riêng để kích thích, phát triển hướng dẫn viên tiếng Thái và một số thị trường sử dụng ngôn ngữ ít phổ biến khác bởi du khách đến Việt Nam tăng mạnh nhưng không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp, phục vụ tốt sẽ ảnh hưởng đến việc giới thiệu sản phẩm, điểm đến…" - ông Từ Quý Thành nhận xét.
Tổng cục Du lịch cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, bởi cán cân du lịch Việt Nam - Thái Lan vốn mất cân bằng: khoảng 1 triệu người Việt du lịch Thái Lan, trong khi Việt Nam mới đón khoảng hơn 300.000 người Thái sang. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ xúc tiến để tăng khách nội khối trong ASEAN, tin tưởng rằng lượng khách Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Bình luận (0)