Chúng tôi bắt đầu thong dong ngược theo đường 32 lên huyện vùng cao Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ). Vừa mới đặt chân tới vùng đất này, những hàng cây cọ xanh mướt ngay bên quốc lộ đã vẫy tay chào mời khách.
Chuyện cọ, chuyện người
Ở đây, cọ mọc bất kỳ nơi đâu, từ đồi núi, trên bờ ruộng, trước vườn nhà đến con đường ven đê… Loài cây này có sức sống mãnh liệt. Trải qua bao cuộc chiến tranh, bom đạn, quá trình đô thị hóa, loài cọ vẫn bám lấy đất để "xòe ô che nắng, râm mát đường em đi". Ai đó từng ví rừng cây cọ vùng trung du Phú Thọ cũng kiên cường như cây xà nu ở vùng đất Tây Nguyên vậy.
Huyện Cẩm Khê nằm bên bờ dòng sông Thao hiền hòa được xem như là thủ phủ cây cọ. Khi khách đến làng Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê thì mới hiểu thế nào là vẻ đẹp ấn tượng bởi nơi đây là trung tâm của vùng đất cọ. Men theo những con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi dần dần lạc vào miền quê thanh bình dưới rừng cọ.
Miền quê hiền hòa dưới tán cọ
Rừng cọ bạt ngàn, đồng xanh ngào ngạt
Hôm ấy, chúng tôi tình cờ bắt gặp một đoàn người đi dự lễ ăn hỏi. Những tà áo dài thướt tha đi giữa rừng cọ bỗng vẽ lên một bức tranh đầy sức sống. Mấy đứa trẻ tung tăng chơi đùa bên sân nhà lễ phép "chào chú, chào cô" khi gặp chúng tôi. Vài ông bà lão bế cháu ra cổng hóng đám ăn hỏi đi qua nhà mình. Tất cả đều diễn ra dưới tán lá cọ xanh ngan ngát.
Thấy chúng tôi săm soi, thích thú với những cây cọ, ông lão Lê Văn Hội (72 tuổi) gọi mọi người vào trò chuyện. Ông bảo rằng quê hương mình mọi người đều có ý thức bảo vệ cảnh quan, gìn giữ cây cọ nên nó mới được như hôm nay.
Cây cọ nhìn thế thôi mà nhiều chuyện thú vị lắm. Mỗi năm cọ chỉ ra đúng 12 tàu lá, ứng với 12 tháng. Trước đây cuộc sống còn gian khó, mọi nhà thiếu thốn thì cây cọ phát huy tối đa tác dụng. Lá cọ dùng để lợp nhà, khâu nón; thân cọ làm cột nhà, máng nước, máng lợn, chõ đồ xôi; cuống cọ làm rui mè, lạt buộc, rào dậu hoặc để đan rọ lợn, lồng gà, mành cọ; còn quả cọ dùng để đồ xôi ăn…
Tuy hiện nay cuộc sống đã đổi thay, đời sống người dân khấm khá hơn nhưng cây cọ vẫn ở đó và lặng lẽ phát huy tác dụng của mình. Bà Hà Thị Thanh ở tuổi 80 chỉ về những cây cọ và cho biết mình đã có 60 năm làm nghề đan nón từ lá cọ. Bà chỉ cho khách biết tàu lá nào sẽ phù hợp để đan nón, rồi kéo bằng được mọi người vào nhà để mục sở thị bà tác nghiệp.
Trong căn bếp ấm cúng giữa mùa đông, bà Thanh đeo kính ngồi khâu thoăn thoắt từng mũi cước để hình thành chiếc nón lá cọ tuyệt phẩm. Là nghệ nhân thâm niên trong nghề, bà còn truyền lại kỹ thuật khâu nón lá cọ cho con gái, con dâu và giờ đây là các cháu gái. Từ những nghệ nhân tâm huyết như bà Thanh, hiện nay ở Sai Nga đã phục hồi được nghề khâu nón lá cọ truyền thống, tưởng như đã bị mai một.
Bà Thanh biểu diễn tay nghề khâu nón lá cọ
Phơi lá cọ để làm nón
Biểu tượng du lịch đất Tổ
Nếu Đền Hùng là biểu tượng du lịch văn hóa tâm linh, bưởi Đoan Hùng là đặc sản ẩm thực thì chắc chắn rừng cọ, đồi chè, đồng xanh là biểu tượng du lịch sinh thái, cảnh quan của đất Phú Thọ. Tôi đã từng gặp những rừng, đồi cọ ở vùng đất Tuyên Quang, Thái Nguyên… nhưng chắc chắn không đâu nhiều và đẹp như ở Phú Thọ.
Đi giữa một miền cọ với những cây thấp ngang đầu xen giữa đám cây cao vút ào ào gió thổi, ta lại thấy lòng mình như được trở về miền bình yên, chẳng còn những ồn ã, hối hả của cơm áo gạo tiền. Những tàu cọ non xanh biếc tán tròn xoe, với đám ngọn lá tua tủa khiến ai đó phải dừng lại thật lâu để ngắm cho đã mắt, để chụp bằng được vài bức ảnh ưng ý. Mấy cô gái thành thị hay vài người bạn trong đoàn đi cùng tôi đều thích thú khi bắt gặp một khung cảnh vùng trời bình yên với chỉ toàn màu xanh của cọ, của núi đồi.
Được biết, mấy năm gần đây, du khách đã có nhiều chuyến hành trình lên các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Tân Sơn… của Phú Thọ để khám phá rừng cọ, đồi chè. Thậm chí để kích cầu du lịch địa phương, quảng bá hình ảnh vẻ đẹp của cây cọ, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ còn mở các cuộc thi chụp ảnh đẹp về cây cọ hay giới thiệu các thước phim về nghề khâu nón lá cọ… đến công chúng gần xa.
Bình luận (0)