Khi tô cháo được mang ra, à mà không phải một tô, phải gọi là một mâm mới đúng. Mỗi phần ăn ở đây bao gồm một tô cháo; một đĩa nhỏ có đủ cả lòng, gan, phèo, dồi; chén nước mắm chua ngọt; đĩa giá kèm rau sống to tướng và thêm một đĩa bánh hỏi ăn kèm.
Chúng tôi cho giá vào tô cháo, vắt thêm một ít chanh, một chút tiêu và một ít ớt bằm ngâm. Cô bạn người miền Tây bảo ăn cháo lòng phải ăn với ớt bằm ngâm mới ra vị, nếu kẹt không có ớt bằm ngâm thì ăn tạm với ớt tươi xắt thành từng lát mỏng. Tô cháo đặc sệt, ngập hành, tiêu, bốc khói nghi ngút. Múc từng muỗng cháo nóng, đưa lên miệng, hít hà, mồ hôi cứ túa ra làm chúng tôi tỉnh cả người.
Thường khi nấu cháo lòng, người miền Nam có thói quen rang gạo trước. Nhưng cháo ở đây nấu bằng gạo không rang, lại là gạo chà dối, bên ngoài còn phủ lớp cám dày nên béo ngậy. Người tinh ý sẽ nhận ra rằng kỹ thuật nấu cháo ở đây quả là điêu luyện. Cháo không quá lỏng, cũng không quá đặc, vị ngon của cháo không chỉ nhờ nước luộc lòng, nhờ nêm nếm mà còn nhờ cả nước tiết heo được thêm thật khéo, vừa độ dùng.
"Phê" với mâm cháo lòng Tân Hiệp
Ăn cháo lòng chúng tôi có thói quen ăn một lèo đến hết tô. Nhưng các tài xế "mối ruột" của quán bảo cách ăn như vậy thì chưa được sành. Trong khi chờ cháo bớt nóng, cứ nhẩn nha thưởng thức đĩa lòng trước đã, gắp từng miếng chấm nước mắm hoặc dùng bánh tráng cuốn với rau sống, bánh hỏi cho đến khi lưng bụng rồi mới quay qua "làm việc" với tô cháo. Thế mới thú!
Trong khi các quán ăn, nhà hàng dọc con đường liên tỉnh đua nhau "chặt chém" khách lữ hành thì ở đây lại khác. Một phần cháo, lòng, bánh hỏi, ăn no căng bụng mà chỉ vài chục ngàn đồng.
Chỉ với món cháo lòng thôi nhưng đi từ Bắc vô Nam thì thấy mỗi vùng miền mỗi cách chế biến riêng, kiểu nào cũng đặc sắc. Cũng như vậy, trong những chuyến đường dài về miền sông nước, những ai đã từng thưởng thức tô cháo lòng Tân Hiệp nóng hổi… hẳn sẽ mang ấn tượng suốt một đời không quên.
Bình luận (0)