Nhắc đến Hội An, không thể không kể đến những đêm phố cổ lung linh trong lễ hội đèn lồng rực rỡ, đặc biệt là đêm Trung thu.
Đèn lồng tỏa sắc từ những mái nhà cổ kính, đèn lồng giăng giăng khắp phố, nối hàng duyên dáng dọc theo những chiếc cầu bắc ngang sông Hoài rồi soi bóng xuống lòng sông dệt nên bức tranh thơ mộng.
Đèn lồng là kết tinh mối giao thoa văn hóa Việt - Hoa - Nhật lâu đời ở phố Hội. Từ bao thế kỷ trước, người dân sống trong phố cổ vẫn giữ lệ treo đèn lồng vào những đêm rằm hay những dịp trọng đại ở các đình, chùa, nhà cổ.
Kết hợp giữa những tinh túy xưa với hơi thở hiện đại, đèn lồng ngày càng được sáng tạo, tinh tế hơn, như một phần hồn của Hội An.
Dù ngày hay đêm, đèn lồng vẫn hiện diện khắp các con phố, chấm phá cho bức tranh phố Hội thêm màu sắc và lãng mạn.
Rất nhiều du khách đến phố cổ đều muốn mang những chiếc đèn lồng về làm kỷ niệm hay làm quà tặng cho người thân.
Những thanh tre được nghệ nhân thoăn thoắt dát mỏng, uốn cong tạo khung theo từng kiểu dáng. Những mảnh vải lụa mềm được cắt dán cẩn thận, tinh xảo. Nhiều chiếc đèn được thêu hay vẽ những hoa văn mang ý nghĩa bản sắc văn hóa địa phương.
Tưởng chừng đơn giản nhưng bắt tay thử làm một chiếc đèn lồng nhỏ thôi đã thấy không hề giản đơn. Công việc đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận trong từng chi tiết, và khéo léo để làm ra một chiếc đèn tròn trịa, vuông vắn như ý.
Cầm chiếc lồng đèn đi giữa phố Hội mà ngỡ như đang tìm về kỷ niệm tuổi thơ. Cái thời mà cứ mùa Tết Trung thu, cùng bố uốn tre làm đèn lồng, để rồi "Tôi đi giữa phố lồng đèn/Tìm mua một chút hồn nhiên thuở nào/Tuổi thơ treo thấp treo cao/Dịu ơi mỗi tiếng mời chào nghe thương… Bâng khuâng giữa phố lồng đèn/Tôi nay thơ thẩn đi tìm tôi xưa..." (Kim Ba).
Hội An như những vệt màu kỳ diệu mà mỗi lần ghé qua, người lữ khách thấy lòng dịu nhẹ, không chút nỗi niềm mộng mị, ưu tư. Phố Hội rực rỡ mà an yên thế đấy, bảo sao mà không thương, không nhớ?
Bình luận (0)