Ông Zelensky phát biểu như thế khi Hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức chính thức khai mạc vào ngày 15-6.
Khi sự kiện bắt đầu, ông Zelensky bày tỏ: "Tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến lịch sử được tạo nên tại hội nghị" và ông lên tiếng kêu gọi "hòa bình công bằng".
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh: "Mọi thứ được thống nhất tại hội nghị ngày hôm nay sẽ là một phần của tiến trình kiến tạo hòa bình. Chúng tôi đã thành công trong việc mang lại cho thế giới ý tưởng rằng những nỗ lực chung có thể chấm dứt xung đột và thiết lập một nền hòa bình công bằng".
Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết các hội nghị trong tương lai đã được hình dung, cuối cùng sẽ có sự tham gia của Nga và sự kiện lần này sẽ "thực hiện các bước cụ thể" hướng tới một "hòa bình lâu dài".
Bà Viola Amherd nêu rõ: "Chúng tôi có thể chuẩn bị nền tảng cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan: đó là mục đích của chúng tôi trong hội nghị lần này".
Theo đài RT, Hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock - Thụy Sĩ trong hai ngày 15 và 16-6. Hội nghị nhằm cố gắng nhất trí về một nền tảng quốc tế cơ bản cho các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng giữa Kiev và Moscow.
Sự kiện có khoảng 100 đoàn đại biểu tham gia. Nga không có mặt tại hội nghị. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 15-6 cho biết Nga không có thông điệp nào dành cho những người tham gia Hội nghị hòa bình Ukraine.
Ông Peskov nói: "Chúng tôi không có gì để nói với họ, chúng tôi muốn gặp lại họ tại một sự kiện có ý nghĩa và triển vọng hơn. Vấn đề hòa bình ở Ukraine không được thảo luận ở hội nghị hòa bình Ukraine, mà thay vào đó là các vấn đề nhân đạo và bán nhân đạo".
Ông Peskov nhắc đến đề xuất gần đây nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về một lệnh ngừng bắn đã bị những người tham gia hội nghị thượng đỉnh công khai bác bỏ.
Phát biểu tại cuộc họp Bộ Ngoại giao Nga ngày 14-6, ông Putin ra hiệu rằng Nga sẽ ngừng bắn và bắt đầu đàm phán nếu Kiev đáp ứng một số điều kiện: rút quân khỏi 5 khu vực mà Nga đã đơn phương sáp nhập, bao gồm Crimea; từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); cam kết không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như "phi quân sự hóa", "phi quốc tế hóa" và tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga.
Theo ông Putin, để đạt được một nền hòa bình lâu dài, tất cả những điểm này cần được công nhận ở cấp độ quốc tế và sau đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Lời đề nghị của ông Putin ngay lập tức bị tổng thống Ukraine bác bỏ, gọi đây là "tối hậu thư".
Bình luận (0)