Đài CNN cho biết vào tuần này, phe đối lập do phong trào Jabhat al-Nusra (từng liên kết với al-Qaeda) lãnh đạo đã phát động một cuộc tấn công từ tỉnh Idlib. Chỉ trong vòng 72 giờ, họ đã tiến vào TP Aleppo.
Tối 30-11, các tài khoản mạng xã hội Syria đăng tải thông tin quân nổi dậy đã tiến vào TP Hama, khiến lực lượng chính phủ "sụp đổ ở khu vực miền Bắc Syria".
Đây được xem là một đòn giáng nặng nề đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Quay trở lại năm 2011, làn sóng "Mùa xuân Ả Rập" khiến nhiều lãnh đạo ở Tunisia, Ai Cập và Libya bị lật đổ và các cuộc biểu tình quần chúng nổ ra ở Yemen, Bahrain và Syria. Có những lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Assad cũng sắp sụp đổ.
Nhưng sau đó, Syria vẫn đứng vững nhờ sự trợ giúp của các đồng minh như Iran, phong trào Hezbollah (Lebanon) và Nga. Từ năm 2020, xung đột giữa phe đối lập và chính phủ Syria dường như bị đóng băng.
Dù vậy, nhiều khu vực rộng lớn ở Syria nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn cũng như các nhóm Sunni được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ. Lực lượng Mỹ kiểm soát một số khu vực ở Đông Syria trong khi Israel không kích vào bất cứ đâu ở Syria và bất cứ khi nào họ thấy cần thiết. Ngoài ra, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dù đã bị đánh bại song vẫn tổ chức các cuộc tấn công đơn lẻ.
Mọi sự chuyển biến bất ngờ vào tuần này... Theo đài CNN, lý do cho cuộc tấn công mạnh mẽ của phe đối lập bắt nguồn từ việc cả Iran, Hezbollah lẫn Nga đều đang phải giải quyết những khó khăn của chính họ.
Hezbollah - lực lượng đóng vai trò chủ chốt trong việc củng cố chính quyền Tổng thống Assad trong những ngày đen tối nhất - đã rút hầu hết lực lượng về nước sau ngày 7-10-2023 để đối phó Israel. Ngày 7-10 năm ngoái là thời điểm Hamas tấn công Israel, làm bùng phát cuộc xung đột Gaza kéo dài đến hiện nay.
Nga - nước điều động quân đội và máy bay chiến đấu đến Syria vào tháng 9-2015 - hiện mắc kẹt trong cuộc xung đột với Ukraine nên phải đặt ưu tiên hàng đầu tại đây.
Và cuối cùng, các cố vấn và căn cứ của Iran tại Syria liên tục bị Israel tấn công trong năm qua.
Về nguyên nhân nội tại, kể từ khi xung đột nổ ra hồi năm 2011, Syria vẫn chứng kiến tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém, tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Cuộc xung đột đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải di dời.
Bình luận (0)