Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian vừa qua phát đi thông điệp yêu cầu tất cả 32 quốc gia thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc lên 5-6% GDP (tổng sản phẩm quốc nội).
Na Uy là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới cũng là thành viên NATO nhưng chỉ đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng lên mức 3% GDP vào cuối thập kỷ này, thấp hơn nhiều so với mức mà tân tổng thống Mỹ yêu cầu.
"Tôi đã chuẩn bị cho những cuộc thảo luận mới về các mục tiêu liên quan đến chi tiêu quân sự" - Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram nói với tạp chí POLITICO – "Cũng cần lưu ý rằng trong số 32 thành viên sẽ có những quan điểm khác nhau về vấn đề này và cũng có những điểm khởi đầu khác nhau. Không phải tất cả mọi thành viên đều đạt chỉ tiêu chi 2% GDP cho quân sự".
Quốc gia có đường biên giới Bắc Cực giáp với Nga này đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng kể từ năm 2014, tức thời điểm NATO đặt mục tiêu 2% GDP.
Khi đó, Na Uy đã chi 1,54% GDP cho quốc phòng, xếp ở mức trung bình trong số các thành viên liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Na Uy đặt mục tiêu chi cho quốc phòng lên mức 2,16% GDP trong năm nay, sau khi tăng ngân sách quân sự thêm 19,2 tỉ krone (1,6 tỉ euro), lên mức 110,1 tỉ krone.
"Chúng tôi sẽ tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vài năm tới" – Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy tiết lộ.
Mỹ hiện chi cho ngân sách quốc phòng nhiều nhất trong khối NATO với khoảng 3,4% GDP, vì thế việc tăng từ 2% lên 5% GDP theo yêu cầu của Tổng thống Trump sẽ khó có thành viên nào làm được.
"Tôi nghĩ rằng vấn đề này cũng sẽ gây tranh cãi ngay trong chính nước Mỹ vì bản thân họ cũng còn rất xa mục tiêu con số 5% GDP cho quốc phòng" – ông Gram nhận định và lập luận rằng chi tiêu theo tỉ lệ % GDP "không phải là tất cả".
"Mục tiêu cuối cùng của Na Uy là tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP vào cuối thập kỷ này" – ông Gram quả quyết.
Sở dĩ Na Uy cần đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng bởi họ có kế hoạch mua sắm mới 5-6 tàu chiến được trang bị trực thăng. "Đây là một khoản mua sắm khổng lồ đối với chúng tôi" – ông Gram nói thêm.
Na Uy đã tiếp cận với Pháp, Đức, Anh và Mỹ để thảo luận về kế hoạch đóng tàu chiến mới và sẽ đưa ra quyết định cuối năm 2025.
Bình luận (0)