Vùng gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm khoảng 60% chiều dài bờ biển và là nơi tập trung những lợi thế lớn nhất về tài nguyên biển của Việt Nam.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho hay tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng năm 2024 dự kiến đạt khoảng 7,6%, cao hơn bình quân chung cả nước, xấp xỉ đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2030.
Tuy nhiên, vùng còn nhiều khó khăn, thách thức như hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ - kể cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tỉ lệ đường cao tốc thấp, đường ven biển chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Hạ tầng có tính chiến lược như cảng biến, logistics, hạ tầng đô thị, đường sắt kết nối... chưa tạo hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trừ lĩnh vực du lịch, vùng này cũng chưa có sản phẩm cạnh tranh đặc thù trên thương trường; kinh tế biển là lợi thế song chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng cần đồng bộ giữa "liên kết mềm" và "liên kết cứng" để phát triển kinh tế bền vững. Về "liên kết mềm", cần một số chính sách vượt trội để thu hút làn sóng đầu tư chuyển dịch vào vùng; phân bổ nguồn lực, phân vai trách nhiệm cho các địa phương để triển khai chiến lược, quy hoạch riêng phù hợp với chiến lược, quy hoạch vùng.
Đối với "liên kết cứng", cần huy động đủ nguồn lực, nhất là kiến tạo chính sách đột phá để đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng, các dự án trọng điểm đấu nối giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin để phá thế chia cắt giữa các khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, chú trọng khai thác tối đa lợi thế liên kết dọc Bắc - Nam, liên kết ngang trên hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến đường xuyên Á; kết nối cảng biển, sân bay với các trung tâm đô thị, khu công nghiệp...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, nhấn mạnh năm 2025 là tiền đề cho giai đoạn 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng 2 con số đầy thách thức. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thiết chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng trong hệ thống cơ quan hành chính, với cách tiếp cận liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp, bảo đảm "hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả" khi giải quyết các "bài toán" của vùng.
Chẳng hạn, phát triển sản phẩm chiến lược, có khả năng cạnh tranh quốc gia, quốc tế; xác định dự án của vùng; phân bổ nguồn lực đầu tư; phân chia các tiểu vùng theo tiềm năng, không gian địa lý, văn hóa...
Trong năm 2025, các địa phương, cùng với Bộ Công Thương cần khẩn trương xem xét quy hoạch, lộ trình phát triển trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của quốc gia, gắn với các hệ sinh thái công nghiệp mới, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo. Với thế mạnh di sản văn hóa, du lịch biển, các địa phương cần sớm tận dụng nguồn lực trung ương, địa phương để tạo ra các sản phẩm, chuỗi giá trị du lịch kết nối tự nhiên, văn hóa, di sản, lịch sử, giữa các vùng kinh tế - xã hội khác...
Đối với hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng nêu rõ cùng với các tuyến đường bộ cao tốc, vùng cần đi trước, ưu tiên chuẩn bị triển khai sớm nhất các dự án thành phần của tuyến đường sắt tốc độ Bắc - Nam, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, trung tâm công nghiệp, dịch vụ… theo hướng tuyến giao. "Cần xác định những khu vực xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật kết nối đồng bộ nội vùng, liên vùng và quốc tế nhằm phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng, lợi thế" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)