xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm tựa an sinh cho người già

MAI CHI - THANH NGA

Khoản trợ cấp hưu trí xã hội là điểm tựa cho người không có lương hưu, giúp họ an sinh một phần khi về già

Bị khuyết tật một tay từ nhỏ nên thời trẻ ông Trần Văn Đạt (55 tuổi), đoàn viên Nghiệp đoàn xe ôm truyền thống quận Tân Phú, TP HCM, không thể xin được việc làm trong khu vực chính thức để được tham gia BHXH, đành làm các công việc tự do.

Vất vả tuổi già

Theo ông Đạt, thời gian đầu, ông theo người thân đi làm thợ xây, sau đó chuyển sang chạy xe ôm truyền thống suốt 20 năm qua. Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của xe ôm công nghệ, công việc của ông Đạt bị cạnh tranh gay gắt, việc không đều, ngày có khách, ngày không nên cũng chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày.

Vợ ông Đạt cũng là lao động tự do, thu nhập thấp và không ổn định. Vợ chồng ông đang nuôi con học đại học, cuộc sống thiếu trước hụt sau nên không có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Với hoàn cảnh như vậy, điều khiến ông Đạt luôn trăn trở là vợ chồng ông sẽ sống thế nào khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe giảm sút, không còn khả năng lao động và không có tích lũy.

Điểm tựa an sinh cho người già- Ảnh 1.

Cán bộ BHXH tư vấn về BHXH tự nguyện cho người lao động khu vực phi chính thức. Ảnh: MAI CHI

Bà Nguyễn Thị Vấn (tỉnh Đồng Nai) từng có hơn 20 năm làm việc tại một HTX nông nghiệp sau đó chuyển sang công việc buôn bán trái cây dạo. Nay ở tuổi 78 bà vẫn phải lo ăn từng bữa vì không có khoản tích lũy. Hằng ngày, bà vẫn nhặt nhạnh vài bó rau lang, ít nải chuối đem ra chợ bán để kiếm 30.000 - 40.000 đồng mua thức ăn. Khi còn trẻ, bà Vấn cũng phải lao động cật lực để nuôi 5 đứa con. Nay các con đã trưởng thành, có gia đình riêng nhưng ai cũng khó khăn. Không muốn làm phiền gia đình của các con, sau khi chồng mất cách đây hơn 10 năm, bà quyết định ở một mình, tự lực mưu sinh.

Lâu lâu con cháu ghé thăm biếu bà ít quà bánh cùng vài trăm ngàn đồng, số tiền ấy bà không dám xài mà để dành phòng khi phải nằm viện vì bà đã lớn tuổi còn mang nhiều bệnh tật trong người. Chi tiêu hằng ngày của bà vẫn phụ thuộc vào gánh hàng bán mỗi buổi sáng. 

"Năm nay, tôi đã 78 tuổi và theo quy định hiện hành thì phải chờ thêm 2 năm nữa, khi đủ 80 tuổi, mới được xét hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Tôi đã già, không biết còn sống được bao lâu nên chỉ mong sớm được nhận trợ cấp để đỡ phải lo cơm áo mỗi ngày" - bà Vấn bày tỏ.

Giảm độ tuổi, tăng quyền lợi

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người (chiếm khoảng 35% số người nghỉ hưu).

Hướng đến mục tiêu năm 2030 sẽ có khoảng 60% số người sau độ tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hưu trí (TCHT) xã hội hằng tháng, bộ đề xuất sửa đổi chế độ TCHT xã hội được đưa vào Luật BHXH. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng TCHT xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Mức trợ cấp hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Ở góc độ của đối tượng thụ hưởng, bà Mai Thị Lựu (quận 8, TP HCM) cho rằng nên hạ độ tuổi thụ hưởng ở mức 70 tuổi trở lên sẽ phù hợp hơn. Bởi ở độ tuổi này việc mưu sinh gặp rất nhiều khó khăn vì hầu như ai cũng có bệnh trong người. 

"Vợ chồng tôi đều gần 75 tuổi, hiện mắc đủ thứ bệnh người già nhưng không có nguồn thu nhập nào khác nên vẫn phải đi bán đồ ăn sáng ở vỉa hè mỗi ngày để mưu sinh. Do vậy, nếu sớm được hưởng TCHT xã hội, được cấp thẻ BHYT miễn phí chúng tôi sẽ nhẹ gánh lo hơn" - bà Lựu nói.

Theo TS Nguyễn Thanh Huyền, Trường ĐH Luật - ĐHQG Hà Nội, sau gần 20 năm thực hiện chế độ TCHT xã hội cho người cao tuổi, do độ tuổi hưởng cao (từ năm 2014 đến nay là đủ 80 tuổi) nên số người được hưởng còn ít. Bên cạnh đó, mức điều chỉnh trợ cấp còn chậm và khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 20% mức lương cơ sở, tùy giai đoạn và hiện chỉ đạt 360.000 đồng/người/tháng. 

Do đó, để mở rộng lưới an sinh, cần giảm độ tuổi hưởng, trong đó có thể quy định độ tuổi riêng đối với một số đối tượng đặc biệt. Chẳng hạn, đối tượng hưởng bao gồm: người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo từ đủ 70 - 75 tuổi; người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo không có người phụng dưỡng, từ đủ 60 tuổi… 

Được lựa chọn hưởng

Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, việc quy định người cao tuổi đang hưởng chế độ trợ cấp BHXH hằng tháng (tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tử tuất…) không được hưởng chế độ HTXH là chưa thỏa đáng. Bởi về bản chất đây là 2 chế độ khác nhau và mức trợ cấp BHXH hằng tháng không cao, không đủ bảo đảm cuộc sống cho người lao động. "Do vậy, không nên loại trừ đối tượng hưởng là người đang hưởng chế độ trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc cho NLĐ được lựa chọn hưởng chế độ nào có mức hỗ trợ cao hơn" - ông Phúc đề xuất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo