Hồ Dương Phương Thảo (SN 2003, ngụ thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) là con út trong một gia đình thuần nông. Anh trai và Thảo được nuôi lớn bằng sự vất vả của cha mẹ, từ canh tác tiêu, cà phê, sầu riêng đến nuôi ong lấy mật.
Thêm động lực vượt khó
Nhà Thảo nằm cách trung tâm thành phố khá xa, điều kiện phát triển còn hạn chế. Xung quanh nơi cô sống là những bản làng, đa số là người dân tộc Ê-đê. Nhiều đứa trẻ ở đây sớm bỏ học để phụ việc nương rẫy với người lớn. May mắn thay, ba mẹ Thảo dù chật vật vẫn ưu tiên việc học của các con.
Thu nhập của nhà Thảo rất bấp bênh, mùa thu hoạch còn đủ ăn, những tháng gieo trồng thường túng thiếu, có khi phải vay mượn để thanh toán chi phí mua nguyên liệu, giống cây. Mẹ của Thảo thường kể cho các con nghe về khao khát cháy bỏng tuổi thanh xuân của bà là được ăn học đến nơi đến chốn, song đành dở dang vì cái nghèo. Thương mẹ, hai anh em hạ quyết tâm học thật giỏi để. Anh trai Thảo - Hồ Quang Thắng (SN 2001) không muốn cha mẹ thêm gánh nặng nên quyết định đi làm, dành dụm tiền cả năm sau khi tốt nghiệp THPT rồi mới vào đại học. Phương Thảo thì trúng tuyển Đại học Kinh tế TP HCM. Lần đầu đến một đô thị rộng lớn và xa lạ, lại nhiễm COVID-19 phải cách ly khiến Thảo tủi thân. Tuy nhiên, cô luôn dặn lòng phải mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, thách thức. Cô thiết lập thời gian biểu chặt chẽ, vừa tranh thủ tìm việc làm thêm để trang trải sinh hoạt phí mà vẫn có kết quả học tập tốt, được nhận học bổng của nhà trường. Trân quý cơ hội có mặt ở giảng đường, cô tích cực tham gia nhiều hoạt động, các cuộc thi học thuật và "sưu tập" vô số giải thưởng. Dù đi học xa nhà, hai anh em Thảo và Thắng vẫn có sự gắn kết chặt chẽ với gia đình thông qua nhóm chat chung trên mạng xã hội, tâm tình muôn việc buồn vui. "Tôi chủ động về quê ngay khi có thể. Đón nhận lời động viên từ song thân và trò chuyện với họ mỗi ngày giúp tôi thêm động lực vượt khó. Ba mẹ cũng an tâm về hai anh em tôi hơn" - Thảo kể.
Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay sẽ là cột mốc đáng nhớ với cả nhà. Thảo và anh trai liên tục nhắn tin, gọi điện trao đổi với nhau về việc chuẩn bị quà tặng cho ba mẹ. Kế đó, vào đầu tháng 7, các thành viên trong gia đình sẽ có dịp hội ngộ tại Đà Nẵng, mừng ngày Quang Thắng tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin - Đại học Đông Á.
Ai rồi cũng trưởng thành
Nguyễn Trung Hiếu (quê Đồng Nai) đã trải qua nhiều thử thách song không cho phép bản thân nản lòng.
Khi Hiếu đang học THPT, cha anh đã lựa chọn con đường riêng, không ở bên cạnh hai mẹ con nữa. Dù không liên lạc thường xuyên và được cha chăm sóc song Hiếu không một lời than trách. Điểm tựa vững chắc của anh là người mẹ tần tảo sớm khuya. Từ năm 12 tuổi, Hiếu đã bắt đầu tìm việc làm để đỡ đần cho mẹ. Năm 14 tuổi, anh sớm nhận ra bản thân cần có tri thức để thoát nghèo và giúp đỡ mọi người. Hiếu có một tinh thần học hỏi chăm chỉ, bền bỉ. Người mẹ đơn thân trăm ngàn vất vả không một lời thở than, trái lại âm thầm đồng hành và là hậu phương ủng hộ con. Cậu học trò nhút nhát ngày nào giờ đã là sinh viên năm ba ngành kế toán và là thực tập sinh cho một công ty tại TP HCM. Được giáo dục bằng sự nghiêm khắc và tràn đầy tình yêu thương của mẹ nên Hiếu luôn có thái độ sống tích cực. Mới đây, chàng trai trẻ đã mời mẹ đi ăn mừng vì được nhận học bổng. Điều tưởng chừng như giản đơn với những gia đình khác nhưng lại là khoảnh khắc đặc biệt của hai mẹ con. Thường ngày, Hiếu cũng như nhiều bạn trẻ đồng trang lứa hiếm khi bày tỏ tình cảm với người thân, vì ngại ngần, chưa kể khoảng cách giữa thế hệ. Song khi nhận ra "người lớn nào cũng phải già đi, và những đứa trẻ đều cũng trưởng thành", Hiếu càng trân quý cha mẹ và dặn lòng phải tiếp tục phấn đấu, để không chỉ sống tốt phần mình mà còn vun bồi hơi ấm cho gia đình, mang lại hạnh phúc và niềm tự hào cho người thân.
Bình luận (0)