Đoàn kiểm tra do lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, cùng đại diện Cục Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) và Sở Công Thương Nghệ An.

Tình hình lũ tại hồ thủy điện Bản Vẽ đã được kiểm soát, đảm bảo an toàn cho công trình
Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ, cho biết từ tối 22-7, do hoàn lưu bão số 3, một đợt lũ lớn xuất hiện trên sông Cả, gây áp lực lớn lên hệ thống thủy điện khu vực như: Bản Vẽ, Hủa Na, Nậm Nơn...
Tại Thủy điện Bản Vẽ, lũ bắt đầu xuất hiện lúc 4 giờ ngày 22-7 với lưu lượng 583 m3/s, mực nước hồ ở mức 189,08 m.
Đến 10 giờ cùng ngày, lưu lượng lũ tăng nhanh đạt 1.500 m3/s, mực nước hồ đạt 194,36 m.
Ngay sau đó, lúc 10 giờ 15, Công ty nhận được lệnh vận hành giảm lũ từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng Thủ dân sự tỉnh Nghệ An.
Từ 16 giờ ngày 22-7, nhà máy bắt đầu vận hành xả lũ với tổng lưu lượng 845 m3/s (trong đó 508 m3/s qua tràn, các cửa van mở hoàn toàn), mực nước hồ đạt 191,23 m, tiệm cận mực nước đón lũ thấp nhất (191,5 m).
Mưa lớn tiếp tục kéo dài khiến lưu lượng nước về hồ tăng nhanh, đạt đỉnh vào 2 giờ sáng 23-7 với mức 12.800 m3/s; lưu lượng xả lúc này là 3.285 m3/s. Sau khi đạt đỉnh, lũ xuống nhanh đạt mức 7.800 m3/s.
Đến lúc 6 giờ 45 cùng ngày, mực nước hồ cùng thời điểm là 199,4 m (với mực nước dâng bình thường 200 m), lưu lượng xả nước ở mức 4.308 m3/s.
Hồ thủy điện Bản Vẽ được xả không quá 5.000 m3/s
Hiện nay, mực nước hạ lưu thủy điện Bản Vẽ ở mức cao, lưu lượng về hồ Bản Vẽ đã đạt đỉnh, đang giảm.
Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã nhận lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bắt đầu vận hành đóng dần các cửa van để giảm lũ cho hạ du lúc 6 giờ 45 (nhất là cứu thuỷ điện Nậm Nơn phía dưới đang có nguy cơ bị ngập nhà máy). Hồ Bản Vẽ được xả không quá 5.000 m3/s để giảm lũ cho hạ du.
Ông Trịnh Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đề nghị EVN, Tổng công ty Phát điện 1 và Thủy điện Bản Vẽ thực hiện nghiêm quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa đã được phê duyệt. Cùng với đó, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ, báo cáo kịp thời các tình huống bất thường cho cơ quan chức năng.
"Đến thời điểm này, tình hình tại các công trình thủy điện đã cơ bản được kiểm soát, đảm bảo an toàn cho công trình, đồng thời góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du" - ông Thuận thông tin thêm.
Hiểu cho đúng về lũ 5.000 năm mới xảy ra một lần
Thông báo khẩn số 604/TB-UBND ngày 22-7 của tỉnh Nghệ An thông tin về lưu lượng nước về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543 m3/s, gần chạm mức đỉnh lũ kiểm tra 10.500 m3/s, tương đương "lũ chu kỳ lặp lại 5.000 năm xảy ra 1 lần" (xác suất ~ 0,02%) đã tạo ra thắc mắc trong dư luận liệu có phải 5.000 năm mới có một trận lũ tương tự?
TS Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết thông tin "lũ 5.000 năm mới xảy ra một lần" phải hiểu đúng là trận lũ có độ lớn (quy mô) ứng với trận lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm, không phải 5.000 năm mới xảy ra 1 lần, và đây chỉ nói đến khả năng xảy ra chứ không gắn với thời gian xảy ra. Vì lũ xảy ra mang tính ngẫu nhiên cao nên vì thế hoàn toàn có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào.
"Với lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm ứng với xác suất 0,02% có nghĩa khả năng xảy ra được lũ lớn hơn hoặc bằng con lũ này (cụ thể hồ Bản Vẻ là 12.800 m3/s) là rất hiếm" - TS Lương Hữu Dũng cho biết. Theo ông, một trận lũ có xác suất 0,02% không có nghĩa là phải đợi đúng 5.000 năm mới lặp lại. Trên lý thuyết, năm sau nó vẫn có thể xảy ra, nhưng xác suất là cực kỳ hiếm.
Bình luận (0)