Tình trạng nghiện game online trong giới trẻ một phần lỗi lớn thuộc về chính người lớn vì đã cố ý hay vô tình đẩy con trẻ vào tình trạng này.
Mời tham gia diễn đàn "cai nghiện game"
Nghiện game, nghiện mạng xã hội đang là căn bệnh trầm kha của giới trẻ. Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe và việc học, nghiện ngập những thú vui này còn khiến giới trẻ có những hành vi sai lệch, thậm chí gây án mạng vì có xu hướng làm theo nhân vật trên game, trên mạng xã hội.
Nhân chia sẻ của một phụ huynh có con nghiện game, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Làm sao cai nghiện game cho con? Mời bạn đọc chia sẻ câu những câu chuyện về tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội trong giới trẻ, các giải pháp hiệu quả giúp con em mình cai nghiện.
Địa chỉ nhận bài: diendannghiengame@gmail.com (ghi rõ thông tin cá nhân và số tài khoản ngân hàng). Các bài viết được chọn đăng sẽ được chi trả nhuận bút.
Tiếp tay cho con nghiện game từ tấm bé
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân tới viện khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần; từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm,… mà một trong các nguyên nhân là do nghiện game. Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cũng đã chính thức bổ sung nghiện game vào danh sách các bệnh lý tâm thần và thuộc nhóm những rối loạn hành vi do có tính nghiện ngập cần được kiểm soát.
Ấy vậy mà không quá khó để thấy những cảnh tượng tiêu cực trong ứng xử của người lớn Việt Nam với con trẻ như sau:
Khi còn nhỏ, ở cái tuổi tập bò, tập đi, tập ăn, tập uống thì cha/mẹ, ông/bà vừa mở tivi hoặc iPad, điện thoại vừa bón cho con ăn. Sự tập trung ăn uống bị xem nhẹ, đứa trẻ rơi vào thế bị động khi thay thế cảm xúc ăn uống bằng những trò hoạt náo vui nhộn trên màn hình.
Trẻ lớn lên một chút đã biết đi, biết nói thì mỗi lần cùng người lớn đi đâu đó như du lịch, đi ăn tiệc…, khi muốn con ngồi im, người lớn lại ném cho chúng cái điện thoại. Cảnh tượng này có thể bắt gặp ở nhiều nơi, điều mà chính con gái của tôi thốt lên: "Con không thích qua nhà dì Hai đâu, qua đó mấy anh chị cứ ôm điện thoại chứ không nói chuyện với con, con buồn lắm". Bởi vì tôi không cho con chơi điện thoại, muốn con giao tiếp nên nhìn thấy những cảnh trên bản thân thấy bất lực, không vui chút nào.
Một bộ phận người trẻ lập gia đình sớm, trong đó vợ hoặc chồng hoặc có khi cả hai đều nghiện game. Dĩ nhiên vì nghiện game nên chuyện chăm sóc con cái cũng bị bỏ bê, không chóng thì chày con của họ cũng rơi vào cái vòng lẩn quẩn như đấng sinh thành. Hệ quả tất yếu này ngày càng nhiều khi mà các thiết bị cầm tay phổ biến, nhà nhà người người đều dễ dàng sở hữu được.
Hồi cháu tôi học lớp 6, tôi hỏi bé lớn lên sẽ làm nghề gì, cháu nói sẽ tiêu diệt cái ác. Tôi tưởng cháu thích làm công an. Một thời gian sau, tôi thấy cháu nói chuyện với ai cũng dùng từ "đồ sát" (tiêu diệt), kể cả lúc nói chuyện với ông bà, cha mẹ. Gia đình tìm hiểu mới biết cháu bị nghiện game võ hiệp từ lâu.
Khi phát hiện con em mình nghiện game, phụ huynh cần bình tĩnh suy xét để có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Họ cần hiểu rằng để từ bỏ được việc chơi game, trẻ phải mất một khoảng thời gian khá dài, trong đó rất cần sự giúp đỡ kiên trì, bền bỉ từ những người thân trong gia đình.
Đừng cai nghiện game cho con bằng "làm nhục"!
Thay vì đưa ra những hình phạt hà khắc có tính chất làm nhục trẻ, khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng, cha mẹ cần gần gũi trẻ, phân tích để chúng hiểu được đúng sai của việc chơi game. Căn cứ vào mức độ bị ảnh hưởng về thể chất, tâm thần của trẻ, phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị thích hợp.
Chính một người bạn tôi cũng thừa nhận cách tiếp cận và ứng xử với chuyện con nghiện game ở phụ huynh nước ta còn rất nhiều thiếu sót.
Trước đây, tôi đọc được dòng tâm sự đầy tâm trạng của một bạn trẻ trên Facebook rằng: Khi đang "lạc lối" trong quán net, bố em tìm ra và đánh, chửi em ngay tại quán net. Sau đó về đến nhà, bố lại tiếp tục đánh em, thậm chí trói lại, lôi ra ngoài đường để em cảm thấy xấu hổ mà bỏ game. Lúc đó em sợ nhưng vẫn nghĩ rằng: "Kệ, mai em lại tiếp tục chơi"...".
Khi trẻ mắc lỗi, phụ huynh có quyền đưa ra các hình thức kỷ luật hay phê bình, song cần "đúng người, đúng tội", tuyệt đối không được dùng hình phạt nhằm hạ thấp nhân phẩm trẻ.
Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc từ nghiện game, các gia đình nên có biện pháp phòng ngừa cho trẻ ngay từ đầu. Cụ thể là không nên để trẻ quá nhàn rỗi; tránh cho trẻ tiếp xúc nhiều với game; hạn chế và kiểm soát trẻ khi truy cập mạng internet. Bên cạnh đó, cần quan tâm gần gũi trẻ, hướng chúng đến những trò chơi bổ ích, lành mạnh (đi bộ, đạp xe, đá bóng, bơi lội) và các hoạt động tập thể, vì cộng đồng…
Bình luận (0)