Ngày 12-12, Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 4: Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới dự kiến sẽ có nhiều biến động, nhất là sau khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức vào ngày 20-1-2025.
Những tín hiệu tích cực
Khái quát bức tranh kinh tế - xã hội giai đoạn 2024-2025, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - cho biết Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Dự báo năm 2024, toàn cầu có thể đạt tăng trưởng 3,2% và duy trì mức 3,2%-3,3% trong năm 2025. Với Việt Nam, những tín hiệu phục hồi rất tích cực giúp mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
"Năm 2025, dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 6,6%-6,8%. Nếu quyết liệt và thành công trong chuyển đổi, cải cách, tăng trưởng có thể ở mức 7,5%-8%" - TS Cấn Văn Lực nhận xét.
Theo ông Cấn Văn Lực, nền kinh tế sẽ có các động lực tăng trưởng từ việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, rủi ro tài khóa liên quan nợ công, nợ tư nhân ở mức không cao. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cũng là diễn biến tích cực.
"Quốc hội vừa thông qua 2 nghị quyết quan trọng liên quan lĩnh vực bất động sản, gồm: Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Đây là những cơ chế rất quan trọng, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" - TS Cấn Văn Lực nêu một động lực mới cho nền kinh tế.
Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phân tích: Năm 2023 ghi nhận vốn FDI tăng tới 32% nên mức tăng 1% trên nền rất cao của năm nay thể hiện khả năng thu hút FDI của nền kinh tế vẫn rất tốt. Trong 30 năm qua, dù việc thu hút vốn FDI còn những vấn đề tồn tại, chưa được như kỳ vọng nhưng rõ ràng, dòng vốn này đã ảnh hưởng tích cực đến kinh tế, nhất là xuất khẩu với 70% kim ngạch đến từ khối này. Điều này cực kỳ quan trọng bởi những thời điểm kinh tế Việt Nam phát triển đột phá đều chủ yếu nhờ vào xuất khẩu.
"Năm 2025, thu hút FDI dự báo vẫn rất khả quan nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực kinh tế Việt Nam. Xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi, từ việc tập trung vào lao động giá rẻ sang khoa học - công nghệ và công nghệ cao. Đây sẽ là động lực giúp Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn sắp tới, chưa kể các vấn đề về chi phí logistics cũng đang được tháo gỡ để thu hút thêm vốn FDI" - GS-TS Hoàng Văn Cường nhận định.
Cần nắm bắt xu hướng lớn
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã tỏa sáng với tăng trưởng tốt và sự hiện diện mạnh mẽ trên trường quốc tế, dù bối cảnh chung có nhiều khó khăn. Đáng chú ý, nền tảng kinh tế ngày càng vững chắc nhờ lòng tin của người dân, doanh nghiệp tăng lên cùng thông điệp cải cách mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước. Năm 2025, bức tranh kinh tế sẽ được định hình trên cơ sở thực lực hiện tại, đà phát triển với những cải cách về mặt thể chế và những khó khăn cần vượt qua.
Đặt vấn đề tinh giản biên chế cần được thực hiện hiệu quả, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ rõ chủ trương này đã được triển khai nhiều lần nhưng tỉ lệ chi thường xuyên vẫn tăng, chi ngân sách vẫn phình to. "Mối quan hệ quốc tế của Việt Nam đang định hình theo hướng tích cực và thu hút được nhiều "đại bàng" đến đầu tư. Cam kết quốc tế tốt mà thực thi vẫn hạn chế, cho thấy nguồn nhân lực vẫn là vấn đề cần cải thiện" - PGS-TS Trần Đình Thiên góp ý.
Ông Trần Đình Thiên cũng bày tỏ kỳ vọng những cải cách mới cùng với những cam kết hành động rõ ràng có thể mang lại kết quả thực chất. Theo ông, việc chuyển đổi luôn đi kèm với "cái giá phải trả" và nếu kiểm soát tốt sẽ là yếu tố quyết định sự thành công.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công - cho hay xuất khẩu hàng dệt may vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, đòi hỏi về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tạo ra áp lực kép, buộc doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời cả hai.
"Các nhà mua hàng yêu cầu nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh nên doanh nghiệp phải đầu tư với chi phí cao nhưng giá bán sản phẩm lại không tăng, thậm chí giá xuất khẩu sang Mỹ còn giảm 5%. Tuy nhiên, chúng tôi bắt buộc thực hiện bởi nếu không sẽ mất đơn hàng và khách hàng" - ông Tùng thông tin.
Với ngành điều, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam, nêu thực trạng sản lượng xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu của ngành này hiện dẫn đầu thế giới. Trong đó, có đến 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, chủ yếu từ châu Phi và Campuchia.
Đáng chú ý, nhiều quốc gia châu Phi đã đưa ra các chính sách nhằm giữ lại nguồn nguyên liệu tốt để chế biến trong nước, còn những dòng kém chất lượng hoặc khó chế biến thì chuyển sang Việt Nam. Do đó, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam kiến nghị cần kiểm soát chặt chẽ các dòng sản phẩm nhập khẩu này để tránh tình trạng doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang châu Phi, khiến ngành điều trong nước bị "bóp chết".
Trước bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế thay đổi theo chính sách của các nước lớn, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng tốt chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất... để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền. Trong đó, cần nắm bắt các xu hướng lớn về phát triển kép "xanh hóa và số hóa", tích hợp các yếu tố phát triển bền vững, đón đầu xu hướng công nghệ - nhất là các công nghệ mới như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo...
Tăng trưởng cao nhưng phải bền vững
Đặt câu hỏi mục tiêu tăng trưởng 2 con số có khả thi không, TS Cấn Văn Lực còn lưu ý không thể bỏ qua yếu tố chất lượng tăng trưởng. Theo ông, tăng trưởng cao chưa chắc đã tốt nếu không đi kèm với sự bền vững và chất lượng cao.
Ông Cấn Văn Lực phân tích: Số liệu tính đến tháng 9-2024 cho thấy tiêu dùng nội địa giữ vai trò then chốt trong đóng góp vào GDP của Việt Nam - chiếm hơn 62,7%; ngoài ra tích lũy tài sản đóng góp 36%; còn chênh lệch xuất khẩu chỉ đóng góp 0,7% vào GDP. Điều này cho thấy dù Việt Nam xuất siêu hàng hóa nhưng lại nhập siêu dịch vụ ở mức lớn, làm giảm tác động tích cực của xuất khẩu đối với nền kinh tế.
Sàng lọc vốn FDI, tránh bị lợi dụng xuất xứ
Với thị trường Mỹ, để dung hòa mối quan hệ kinh tế - thương mại với chính quyền tân Tổng thống Donald Trump trong thời gian tới, ông Nguyễn Thắng Vượng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho rằng Việt Nam cần có giải pháp giữ vững kim ngạch xuất khẩu, hạn chế tác động từ các biện pháp bảo hộ, phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế...
"Cần giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào thị trường Mỹ, triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa thị trường song song với tiếp tục tăng cường chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp và xử lý nghiêm vi phạm" - ông Vượng đề nghị.
Với lĩnh vực đầu tư, theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam cần tận dụng lợi thế, thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong các ngành công nghệ cao và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ quan trọng. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát cấp phép dự án đầu tư mới; sàng lọc nghiêm ngặt vốn FDI để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ của nước thứ ba, đồng thời giảm thiểu rủi ro kinh tế và địa chính trị tiềm tàng.
Bình luận (0)