Có thể nói, tổn thất to lớn về người và của ở các tỉnh miền Bắc chính là ngọn đuốc đốt sáng tình đoàn kết, tương thân tương ái, vượt qua cơn hoạn nạn của dân tộc.
Ngay khi miền Bắc cần hỗ trợ, cả nước lập tức chung tay với những chuyến xe 0 đồng, những hoạt động quyên góp,… Các đoàn cứu trợ do các tổ chức tư nhân lớn, nhỏ; các cá nhân tự phát; hay các cơ quan đoàn thể;… đều tự mình thực hiện các hoạt động kêu gọi quyên góp thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… để chuyển ra vùng bị thiệt hại.
Việc ứng cứu kịp thời này đã hỗ trợ cho rất nhiều hộ dân bị cô lập trong nước lũ có được bữa no.
Một thực trạng cần nhìn nhận chính là khi cứu trợ tự phát, không có sự tương tác và điều khiển chung, sẽ dẫn đến việc nhiều đoàn cứu trợ cần “cứu trợ ngược” do gặp nạn vì chưa quen địa hình; hoặc nhiều nơi bị ùn ứ đồ ăn do thiếu nguồn lực phân bổ hợp lý gây lãng phí; hay việc đóng gói, lựa chọn thực phẩm chưa đúng dẫn đến việc hư hỏng, ngộ độc thức ăn…
Như vậy, điều cốt lõi là cần có tổ chức điều phối chung cho các chuyến xe cứu trợ từ các tỉnh, thành. Cụ thể:
Có sự trao đổi thông tin để việc đóng gói thực phẩm và phân phối hợp lý
Hiện nay, thực phẩm cứu trợ không chỉ là mì gói mà đa dạng hơn, như: bánh mì, bánh chưng, sữa hộp, xúc xích…
Nhiều người đã nghĩ ra cách cho vào bì nhựa rồi hút chân không để giữ lâu, sạch sẽ và tiết kiệm không gian khi vận chuyển.
Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào cũng thích hợp để hút chân không, bởi nó có thể gây ra ngộ độc từ các vi khuẩn yếm khí (phổ biến nhất là Clostridium Botulinum).
Do đó, tốt nhất nên cứu trợ các loại đồ ăn đóng hộp có sẵn của các cơ sở uy tín, có hạn sử dụng rõ ràng, để đảm bảo sức khỏe cho người được cứu trợ.
Việc sử dụng thực phẩm có nhãn mác, hạn sử dụng cụ thể cũng là cách để tình nguyện viên phân phối hợp lý, những loại nào ngắn ngày thì đưa đi những nơi gần, còn các vùng xa cần di chuyển lâu, thì gửi những loại dài ngày hơn để tránh bị hư hỏng.
Những thông tin này đều cần một đầu mối chung để điều tiết, xử lý. Ví dụ như thông tin rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân cứu trợ tự phát biết cách đóng gói, đóng gói loại nào, hạn sử dụng ra sao, những loại nào sẽ đưa lên vùng nào, cự ly bao nhiêu để tận dụng hiệu quả các loại thực phẩm.
Có sự điều tiết, dẫn đường cứu trợ an toàn
Nếu các đoàn cứu trợ thực hiện theo sự điều phối chung, sẽ có sự trao đổi thông tin lẫn nhau để biết rõ hơn về đường đi, những nơi nào chưa có đoàn cứu trợ, vừa đảm bảo an toàn cho người đi cứu trợ khi đa số không quen thuộc địa hình, vừa tránh việc nhiều đoàn đến cùng một nơi, có chỗ lại chẳng có ai tới, gây sự mất cân đối khi phân bổ hàng cứu trợ.
Vừa qua, không ít đoàn cứu trợ gặp nạn và cần “Cứu trợ ngược”. Điều này vừa gây nguy hiểm đến tính mạng người cứu trợ, vừa gây lãng phí nguồn nhân lực chống lũ.
Do đó, việc có tổ chức điều phối chung, và thực hiện theo sự điều tiết, rất quan trọng trong hoạt động cứu trợ tự phát hiện nay.
Vạch định kế hoạch khắc phục lâu dài
Việc cứu trợ theo đường dây tổ chức chung sẽ giúp hạn chế việc cứu trợ phiến diện, ví dụ chỉ chú trọng vào cung cấp thực phẩm mà quên đi việc tái thiết sau bão lũ.
Việc cung ứng thực phẩm, thuốc men…chỉ phù hợp cho giai đoạn nước lũ chưa rút, người dân chưa thể tự nấu nướng, mua sắm được.
Sau giai đoạn này, cái cần nhất là dựng lại những ngôi nhà, tu bổ những con đường, cây cầu, trường học...
Nếu các tổ chức cứu trợ cùng thực hiện theo điều phối chung, sẽ có sự phân bổ nguồn lực hợp lý hơn. Ví dụ những đoàn cứu trợ này không đi phát quà bánh, mà dùng kinh phí để hỗ trợ các công tác khắc phục sau bão.
Hoặc không mua nhiều thực phẩm nữa, mà dùng tiền đó đóng góp vào các quỹ cứu trợ trung ương để có nguồn tài chính thực hiện các công việc tái thiết sau bão.
Điều quan trọng là cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của đồng bào bị thiên tai, để cứu trợ đúng và kịp thời. Muốn làm được điều ấy, thì các đoàn cứu trợ tự phát rất cần hoạt động theo sự điều phối chung, tương tác lẫn nhau và tương tác với chính quyền địa phương, để việc cứu trợ được đúng người, đúng lúc, không gây lãng phí.
Mời tham gia diễn đàn
Bão, lũ không chỉ để lại hậu quả nặng nề về vật chất mà còn thử thách khả năng phối hợp, tổ chức của chúng ta trong việc giúp đỡ đồng bào bị thiên tai.
Làm thế nào để công tác cứu trợ sau thiên tai diễn ra hiệu quả và thiết thực nhất?
Đây là vấn đề mà các đoàn thể, địa phương và các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện đang thực sự quan tâm, mong muốn tạo nên sự thay đổi tích cực, biến lòng tốt thành hành động thiết thực.
Báo Người Lao Động mở diễn đàn để bạn đọc thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này. Bạn đọc có thể chia sẻ những sai lầm thường gặp trong cứu trợ khẩn cấp; nhu cầu thực sự của người dân vùng thiên tai; làm sao để cứu trợ đúng và kịp thời; các giải pháp cứu trợ bền vững và lâu dài cho việc tái thiết sau bão...
Mời bạn đọc gửi ý kiến, bài viết qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Bình luận (0)