xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồ Gươm có cần rùa?

Thùy Dương

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên tìm một cá thể rùa khác thay thế cho cụ rùa đã mất

Bà Nguyễn Thị Hạnh (tập thể B10 Kim Liên cũ, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết bà từng chứng kiến cảnh vây bắt để chữa thương cho cụ rùa vào năm 2011 nên khi nghe tin cụ rùa mất, bà cảm thấy rất tiếc. “Nhưng nếu nói cần phải có rùa khác thay thế thì theo tôi không cần thiết. Giá trị của cụ rùa trước kia từng gắn bó với người dân thủ đô không có gì thay thế” - bà Hạnh thổ lộ.

Không quá cần thiết

Cũng chung suy nghĩ với bà Hạnh, ông Nguyễn Tiến Mạnh (quận Hoàn Kiếm), một giáo viên về hưu, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn dạy cho các cháu học sinh về ý nghĩa của hình ảnh hồ Gươm, hình ảnh rùa vàng lên đòi lại gươm thần trong truyền thuyết. Tuy thế, chúng tôi cũng giải thích rõ cho các cháu hiểu trong truyền thuyết luôn có một lớp màn huyền bí bao phủ lên sự thật. Đó là đặc trưng của văn học kết hợp với lịch sử của thời đại trước. Còn thực tế, cá thể rùa sinh sống lâu năm ở hồ Gươm tuy là chứng nhân sống động cho những điều mà sử sách và văn học một thời ghi lại nhưng cũng chỉ là sinh vật sống. Do đó, phải chấp nhận quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Việc thay thế có thể không cần thiết lắm bởi nó không nhiều ý nghĩa nữa”.

Theo TSKH Nguyễn Viết Vĩnh, thành viên nhóm chữa thương cho cụ rùa vào năm 2011, lịch sử ghi lại những điều đã qua nhưng không thể mất đi nên không quá lo lắng đến việc khi cụ rùa “qua đời” thì sẽ phải tìm “hậu duệ” thay thế. “Tôi là người gốc Hà Nội, gắn bó với hồ Gươm từ thuở nhỏ. Thời ấy, nhiều buổi chiều cuối tuần đi chơi ở bờ hồ, lũ trẻ chúng tôi bắt gặp cả đàn rùa hoặc ba ba non bò lên bờ nằm phơi nắng. Sau này đô thị phát triển thì không thấy đàn rùa đó lên nữa. Như vậy, có thể khẳng định rằng trong lòng hồ Gươm chắc chắn vẫn còn các cá thể khác đang sinh sống chứ không chỉ có riêng cụ rùa. Tuy các cá thể rùa non này có thể cùng hoặc không cùng loài với cụ rùa nhưng nó cũng là một phần của hồ Gươm. Do đó, việc có đưa thêm rùa mới về để thay thế, bảo tồn hay không cũng không quá quan trọng vì  mỗi người sẽ có cách lưu giữ những câu chuyện đẹp về hồ Gươm. Như thế, giá trị của biểu tượng này không hề mất đi” - ông Vĩnh bộc bạch.

Nhiều ý kiến cho rằng trong tình trạng hồ Gươm có nhiều dấu hiệu ô nhiễm, thậm chí có những yếu tố xâm hại nặng đến mức khiến cụ rùa từng bị thương và phải huy động lực lượng cứu chữa thì việc đưa một cá thể mới về sinh sống cần phải cân nhắc bởi không chắc chắn với môi trường này, cá thể đó có sinh tồn được không.

 

Rùa hồ Gươm trong một lần lên bãi cỏ xung quanh Tháp Rùa hồ GươmẢnh: Hà Đình Đức
Rùa hồ Gươm trong một lần lên bãi cỏ xung quanh Tháp Rùa hồ GươmẢnh: Hà Đình Đức

 

“Hậu duệ” của cụ rùa: Nhiều tranh luận

PGS-TS Hà Đình Đức được mệnh danh là “nhà rùa học” bởi tâm huyết của ông với sinh vật đặc biệt dưới lòng hồ Gươm trong rất nhiều năm. Ông Đức cho rằng cụ rùa này ra đi thì ở hồ Gươm không còn cụ rùa nào khác. “Tôi theo dõi từ năm 1991 đến giờ, phải nói rằng có hàng ngàn bức ảnh, hàng trăm phút băng, clip, video thì chỉ có cụ này là duy nhất. Hiện nay, không có cụ rùa nào nữa” - ông nhấn mạnh.

Đó cũng là lý do mà “nhà rùa học” đề xuất trong tương lai nên tìm một cụ rùa khác ở hồ Gươm thay thế cụ rùa mới qua đời để hồ Gươm luôn luôn gắn với hình ảnh cụ rùa, cụ rùa gắn với hồ Gươm. “Đó là cách để duy trì được truyền thuyết hồ Gươm, truyền lại cho các đời sau” - ông Đức bày tỏ. Theo ông, đó cũng là trách nhiệm mà TP Hà Nội nên làm, phải làm và cần có hội đồng để nêu ra hướng giải quyết nghiêm túc.

TS Bùi Quang Tề, Trưởng Nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho rùa hồ Gươm năm 2011, cho biết vào tháng 10-2015, TP Hà Nội đã có hội nghị bàn về quy hoạch hồ Gươm. Tại hội nghị này, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất tìm “hậu duệ” cho cụ rùa. “Như vậy, kế hoạch đã được tính tới trước khi cụ rùa mất đi chứ không phải đợi đến giờ mới bàn. Trong quá trình quy hoạch lại hồ Gươm, việc tìm kiếm rùa thay thế là nội dung quan trọng và ưu tiên số 1. Còn việc làm cụ thể ra sao thì chắc chắn TP phải có phương án để từng bước thực hiện” - ông Tề nhấn mạnh.

Tuy thế, về quan điểm, ông Tề cho rằng không nhất thiết phải chờ tìm “hậu duệ” cho cụ rùa là một cá thể rùa khác ở hồ Gươm lúc về già. “Cần xem xét lại nghiêm túc về nguồn gien của loài rùa này bởi lưu vực sông Hồng có rất nhiều rùa cùng giống. Với tư cách là nhà sinh học, tôi khẳng định việc đưa cá thể cùng loài về hồ Gươm sẽ không có vấn đề gì. Cụ rùa cũng là sinh vật bình thường, không nên thần thánh hóa” - ông Tề nêu quan điểm.

 

Vài nét về rùa hồ Gươm

Rùa hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết Lê Lợi (1418-1427) được Long Quân cho mượn gươm thần đánh thắng giặc Minh. Một năm sau đại thắng, tại hồ Tả Vọng (tên cũ của hồ Gươm), Lê Lợi đã trả lại gươm cho rùa vàng theo lệnh của Long Quân. Do đó, trong tâm khảm người dân, rùa thần vẫn âm thầm canh giữ gươm thần dưới lòng hồ Gươm suốt hàng trăm năm qua. Tên gọi “cụ rùa” cũng bắt nguồn từ lòng tôn kính với nhân chứng lịch sử sống động đó. Bởi thế, mỗi lần rùa hồ Gươm nổi lên, người dân đều nô nức đến xem và coi như đó là điềm lành.

Từ năm 2005-2016, cụ rùa có hơn 136 lần nổi lên mặt nước. Năm 2011, cụ rùa được lai dắt lên bờ điều trị vết thương do bệnh, thời gian điều trị khoảng 100 ngày. Ngày 19-1-2016, cụ rùa chết do quá già yếu.

 

img

PGS Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia:

Nên coi là chuyện bình thường

Không ai định tuổi được rùa hồ Gươm cả nên nói cá thể này có từ thời Lê Sơ, gắn với Lê Lợi trong cuộc chiến chống giặc Minh là hoàn toàn không có chứng cớ khoa học. Còn sự tích “trả gươm cho rùa” của ông cha ta chính là thần thoại hóa việc sống chung với lũ lụt để phát triển nghề nông nghiệp ở thời Lê Sơ. Đó chính là sự tích văn nghệ hóa, huyền thoại hóa của ông cha ta kể cho con cháu sau này mà thôi.

Về phía người dân Hà Nội, họ nhìn rùa hồ Gươm như là một kỷ niệm, là một con vật mà họ thường gặp nên họ yêu quý. Sống lâu thì có tình cảm, quen thuộc thì thấy thân thương, nên khi rùa Hồ Gươm chết, tất nhiên là người dân Hà Nội sẽ cảm thấy thiếu vắng. Chúng ta nên nhìn ở góc độ này và coi đây là chuyện hết sức bình thường.

 

 

PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):
PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):

Có thể ướp xác để trưng bày, tốn kém quá thì thôi!

Nói không thể thiếu rùa hồ Gươm là không phải. Cụ rùa đã ra đi thì chúng ta có thể ướp xác để trưng bày ngay tại khu vực hồ Gươm kèm với thông tin giới thiệu về ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Như vậy con cháu thế hệ sau và khách du lịch đều sẽ biết đến và hiểu được giá trị.

Việc tìm cá thể khác để thay thế cụ rùa hồ Gươm không nhiều ý nghĩa lắm. Phương án thay thế cũng cần cân nhắc đến yếu tố kinh tế, nếu thấy tốn kém quá thì thôi, còn không tốn kém thì làm cũng được. Có điều cần cân nhắc kỹ phương án thay thế bởi một cụ rùa mới không thể là biểu trưng cho hình ảnh rùa vàng từ thời vua Lê trả gươm thần cho Long Vương.

 

 

TS Bùi Quang Tề, Trưởng Nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho rùa hồ Gươm năm 2011:
TS Bùi Quang Tề, Trưởng Nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho rùa hồ Gươm năm 2011:

Đưa rùa mới về thì phải thuần dưỡng

Việc đưa rùa mới về là không có gì để bàn cãi. Đưa rùa từ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) về cũng là một trong các phương án cần xem xét đến. Tuy nhiên, muốn thực hiện việc này, cần phải phân tích xem rùa ở Đồng Mô có cùng loài với rùa hồ Gươm hay không và nếu đúng vậy thì phải tiến hành các bước thuần hóa. Rùa hồ Gươm sở dĩ nổi lên mặt nước rất nhiều lần, thậm chí hàng trăm người đứng xem nhưng rùa không hề có biểu hiện gì sợ hãi là vì đã được thuần hóa, quen với cuộc sống có con người xung quanh. Rùa ở Đồng Mô vốn sống trong môi trường lòng hồ diện tích hàng ngàn hecta, khi đưa về hồ Gươm chỉ có vài chục hecta thì phải thuần dưỡng dần để rùa quen.

D.Thùy ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo