Mặc ông Ksor Phước nói và mặc cho dân hưởng ứng ý kiến đó, trụ sở như cung điện cứ đua nhau mọc lên. Mới toanh, Hải Dương đề xuất xây dựng khu hành chính tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Các địa phương khác như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lai Châu... cũng đang lăm le dự án xây tòa nhà hành chính. Có lẽ họ muốn vươn vai cho ngang tầm với Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu?
Dân không cần “đẳng cấp bê-tông”
Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh nhận định: “Cái này chính xác là hiệu ứng domino. Tức là ông này xin được, xây được thì ông khác cũng muốn có, chí ít không hơn cũng phải bằng như thế. Đó là tâm lý chứng tỏ đẳng cấp”. Hiệu ứng domino ở Việt Nam có từ lâu. Khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, sân golf, trường đại học... đua nhau mọc như nấm.
“Mốt” mới nhất, thời thượng nhất là xây tòa nhà hành chính. Sân golf hay trường đại học là tiền tư nhân, còn tòa nhà hành chính là tiền ngân sách. Đã không ít trường hợp người ta xài tiền ngân sách như tiền chùa. Vì vậy, khi dự án được đề xuất kèm theo số vốn vài ngàn tỉ đồng, dân nghe phải hoảng vía.
Thế nhưng, tiền đâu ra khi cả nước đang thất sắc vì nợ công chạm ngưỡng an toàn với con số 90 tỉ USD; khi Quốc hội đau đầu vì không có tiền thực hiện lộ trình tăng lương theo dự kiến; khi các dự án phục vụ quốc kế dân sinh phải tạm dừng vì thiếu vốn; khi bệnh viện quá tải và thiếu thốn thiết bị vẫn như sự thách thức; khi trẻ em học trường tranh tre, nứa lá như là sự trêu ngươi...? Có một điều rất lạ là lãnh đạo một số địa phương đều biết rõ tình hình của đất nước nhưng họ vẫn quyết tâm xây trụ sở lộng lẫy để “ngự”. Người làm quan phải lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân nhưng họ đã không làm vậy. Họ có đủ lý do để biện minh cho việc xây dựng nơi làm việc quá mức cần thiết và quá lãng phí.
Các địa phương hùng hồn tuyên bố rằng xây tòa nhà hành chính là vì phục vụ dân, để dân thuận tiện đi lại. Xin cảm ơn, nhưng cái đó hãy để sau! Trước hết, dân cần thủ tục hành chính thông suốt, cần nền hành chính lành mạnh và những công chức lương thiện. Nếu việc tập trung các cơ quan hành chính về một mối cho thuận lợi là đúng thì hãy xây nhỏ thôi, dành tiền làm cầu cho dân đi, xây trường cho trẻ học và bao nhiều việc khác sát với nhu cầu đời sống dân sinh.
Đẳng cấp ư! Dân không đánh giá lãnh đạo chính quyền qua tòa nhà hoành tráng hay chiếc xe hơi xa xỉ mà bằng các chính sách thông minh và những sản phẩm xã hội có chất lượng. Nếu có được những sản phẩm đó thì dù làm việc trong một trụ sở bình thường, đẳng cấp của người lãnh đạo cũng ở tầm cao. Ngược lại, tòa nhà càng xa hoa, dân càng chán ghét, bất bình.
Góp phần làm nghèo đất nước
Ngoài “hội chứng đua đòi”, đằng sau phong trào xây trung tâm hành chính, một vấn đề được đặt ra là liệu có “lợi ích nhóm” đằng sau những tòa nhà hoành tráng này?
Để xây dựng khu hành chính, cần phải có nguồn ngân sách của địa phương và trung ương. Nguồn địa phương có thể thu từ việc bán trụ sở cũ. Việc bán này có công khai, minh bạch không? Xây cái mới có hoa hồng, phần trăm không? Trước thực trạng chia chác, phần trăm trong các dự án đầu tư công, dân có quyền hoài nghi sự trong sáng của những ai đặt bút ký duyệt một dự án mà ở đó không có sự hiện diện của quyền lợi chung, chưa cho thấy sự cần thiết, bức thiết phải có công trình.
Chưa kể, để một công trình hoành tráng mọc lên phải vượt qua những hàng rào thủ tục, giấy phép, con dấu. Để bán được trụ sở cũ cũng có quy định của pháp luật, bởi đó là tài sản của nhà nước. Để có được ngân sách từ trung ương dội về bổ sung xây dựng dự án cũng phải qua bao nhiêu cơ quan phê duyệt. Không dễ dàng nhưng tại sao tòa nhà hành chính vẫn mọc lên hết cái này đến cái khác?
Hãy siết chặt chi tiêu công, đầu tư công để dành tiền thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia khác. Những tòa nhà lộng lẫy đó không làm nên sự phồn vinh mà thậm chí còn góp phần làm nghèo đất nước!
Có thật sự cấp bách?
Cũng phải nói rõ là việc xây trụ sở mới ở nhiều địa phương đều từ nguồn tiền ngân sách, gồm: Dự toán ngân sách hằng năm và tiền bán quyền sử dụng đất trụ sở cũ. Dù tiền thu được từ bán quyền sử dụng đất được để lại địa phương 100% nhưng quy định hiện hành khẳng định khoản thu này chỉ dùng cho đầu tư phát triển, không phải cho tiêu dùng.
Tránh xảy ra tình trạng “chấm mút”
Việc Hải Dương nghiên cứu xây dựng trung tâm hành chính, tôi có biết bởi họ đã rậm rịch từ lâu. Họ mở một con đường lớn vào trung tâm TP và định quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính bên cạnh con đường đó. Quy hoạch như thế thì cần nhưng làm vào lúc nào thì phải tính. Tôi chưa rõ hằng năm, Hải Dương có đóng góp gì cho ngân sách trung ương không hay vẫn phải nhận trợ cấp từ trung ương về. Nếu trung ương trợ cấp về mà lại lấy tiền đó đi xây trụ sở thì không ổn.
Bình Dương ngân sách khá nên họ mới xây một trung tâm hoành tráng. Động thái ấy cũng làm nhiều tỉnh, thành khác “nóng mặt”. Nếu ngân sách địa phương lo được thì cũng phải xem xét có khoản chi tiêu gì cần ưu tiên hơn không, bởi xây dựng trung tâm hành chính thường rất lớn. Hiện nay, có một một cách mà nhiều địa phương đã và đang muốn áp dụng là bán trụ sở cũ, bán đất để có tiền xây dựng mà không cần ngân sách trung ương. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi khi chưa bán được đất thì chắc chắn phải đi vay tiền thực hiện, khi thực hiện xong mà không bán được thì đổi trụ sở cho doanh nghiệp theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Những vấn đề này cần phải tính toán kỹ lưỡng để tránh xảy ra tình trạng “chấm mút”.
Lâm bệnh hoành tráng
Chúng ta đang có cái bệnh gọi là “bệnh hoành tráng”, con gà tức nhau tiếng gáy. Không chỉ trung tâm hành chính mà nhiều công trình công cộng khác trị giá tiền tỉ cũng đua nhau mọc lên. Tỉnh này, huyện này có sân vận động lớn thì địa phương kia cũng phải làm sân vận động lớn mà không cần tính toán lưu lượng dân số được hưởng thụ từ công trình đó là bao nhiêu.
Nếu chúng ta cắt bớt những khoản đó thì hoàn toàn có được tiền để làm những công việc khác bức bách hơn, như tăng lương, giảm tải y tế, đầu tư cho đồng bào nghèo... Đầu tư công, lấy từ tiền của nhân dân thì phải được sử dụng cho thực sự hiệu quả. Ngược lại, nếu sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích thì sẽ có lỗi với dân.
Thế Dũng - Đỗ Du ghi
Bình luận (0)