Năm 1998, quy định về công khai tài sản, thu nhập được đề cập trong Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng. Năm 2005, văn bản này đã thành luật rồi tiếp tục sửa đổi, bổ sung vào năm 2012. Gần đây (năm 2013), các nghị định, thông tư của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng liên quan đến tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng được ban hành.
Hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập; sau đó được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 68/2011...
Quá trình triển khai các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập cho thấy vẫn còn có cách hiểu khác nhau đối với bản chất của vấn đề. Trong đó, đặc biệt là việc thực hiện quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Theo Nghị định 78/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản và thu nhập, có 2 quy định rất cụ thể về hình thức, thời điểm công khai, phạm vi công khai bản kê khai tại cuộc họp. Việc công khai này còn được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 08/2013 của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế là dù đã có nhiều văn bản quy định nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện, xử lý được vụ tham nhũng nào từ những số liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Để việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thực sự góp phần hữu hiệu vào công tác phòng chống tham nhũng, thiết nghĩ cần bổ sung vào Luật Phòng chống tham nhũng năm 2012 một số quy định, như:
- Mua, bán tài sản có giá trị lớn phải thanh toán qua tài khoản, không dùng tiền mặt.
- Giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, đặc biệt là sự biến động về tài sản giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn.
- Quy định rõ việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; đồng thời quy định phạm vi công khai rộng rãi hơn nữa, như ở khu dân cư, trên báo chí, toàn cơ quan, cả nước hay trong tỉnh… tùy theo chức vụ của cán bộ (ở nhiều nước, nếu là tổng thống thì tài sản, thu nhập phải công khai toàn quốc).
- Quan chức đã nghỉ hưu, nếu xuất hiện tài sản khác với bản khai trước khi về hưu thì bắt buộc phải giải trình; bổ sung các quy định về việc phát hiện, tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập và sự biến động về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
- Bổ sung quy định theo hướng tăng trách nhiệm pháp lý đối với người kê khai khi không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Cũng cần quy định rõ người kê khai chịu xử lý thế nào nếu kê khai gian dối; cơ quan có chức năng thẩm tra, xác minh phải bị xử lý ra sao nếu việc thẩm tra, xác minh không chính xác...
Ngoài ra, cần bổ sung những quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chẳng hạn, quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác; nghĩa vụ giải trình của người bị khởi tố...
Chỉ 1 người không trung thực!
Tại hội thảo về việc hoàn thiện các giải pháp phòng chống tham nhũng do Quốc hội tổ chức mới đây ở tỉnh Phú Yên, công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đã được đề cập. Nhiều đại biểu cho rằng công tác này còn nặng tính hình thức. Theo Thanh tra Chính phủ, từ đầu năm 2013 đến cuối tháng 5-2014, gần 920.000 cán bộ, công chức (98,3%) ở 101 cơ quan bộ, ngành, địa phương đã kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ có 5 người được xác minh và 1 người bị phát hiện không trung thực. Như vậy, việc kê khai có phản ánh đúng thực tế tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, thừa nhận thu nhập của cán bộ, công chức khó được kiểm soát một cách đầy đủ, toàn diện. Khá nhiều khoản như chi phí sinh hoạt, học tập ở nước ngoài cũng như các khoản hiến, tặng, cho đối với những người phải kê khai là không kiểm soát được. Nhiều trường hợp tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được chuyển dịch sang con cái đã thành niên (không thuộc đối tượng kê khai) để tránh kiểm soát.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng việc kê khai tài sản, thu nhập chỉ được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ. Bản kê khai của cán bộ, công chức chỉ được xác minh khi bổ nhiệm, có đơn tố cáo hoặc yêu cầu của cơ quan thẩm quyền giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng lên không hợp lý; cũng chỉ được công khai ở cơ quan nơi cán bộ, công chức làm việc nên rất khó phát giác tài sản, thu nhập có nguồn gốc tham nhũng.
Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, việc kê khai còn nặng hình thức là do chỉ dựa vào ý thức tự giác, hầu hết không được kiểm tra, xác minh. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng, tài sản của công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà không giải trình được đã là hành vi làm giàu bất hợp pháp, phải xử lý. Trong khi đó, Việt Nam chỉ quy định người kê khai phải chủ động giải trình hoặc giải trình theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền nếu tài sản tăng là nhà, đất hoặc có giá trị trên 50 triệu đồng.
Với việc mỗi cán bộ, công chức phải kê khai 3 bản bằng giấy thì riêng chi phí in, sao mỗi năm cũng tiêu tốn hơn 5 tỉ đồng cho gần 1 triệu người; chưa kể chi phí gửi bản kê khai, niêm yết và tổ chức các cuộc họp để công khai thu nhập. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu để kiểm soát tốt việc kê khai này vẫn chưa thể hình thành.
Hồng Ánh
Luật sư Đỗ Pháp - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng:
Dễ đánh đồng
Thạc sĩ Huỳnh Văn Út - TAND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau:
Lỗ hổng lớn
Mặt khác, cần quy định cả người nhà cán bộ, công chức (đối với ai giữ chức lãnh đạo) cũng phải kê khai thu nhập. Bởi lẽ, không loại trừ trường hợp cán bộ có chức vụ để người nhà đứng tên tài sản chỉ trên danh nghĩa.
Việc không quy định cán bộ, công chức về hưu phải kê khai tài sản là một lỗ hổng lớn. Cần quy định trước khi nghỉ hưu, phải “chốt” lại tài sản hiện có của cán bộ, công chức. Sau đó, nếu thấy tài sản phát sinh của họ có dấu hiệu bất minh thì có thể kiểm tra, xác minh; đồng thời có chế tài kèm theo như thu hồi nếu tài sản phát sinh từ nguồn gốc tham nhũng, tiêu cực.
Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An:
Chưa bảo đảm bình đẳng
Hình thức công khai bản kê khai bằng cách chỉ niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp đã hạn chế việc người dân tiếp cận, thực thi quyền giám sát. Hơn nữa, chỉ có người trong cùng cơ quan, tổ chức theo dõi nhau thì rất dễ xảy ra tình trạng bao che, nể nang, không bảo đảm tính khách quan, trung thực. Nghị định cũng chưa quy định rõ ràng, cụ thể về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra gian dối.
H.Dũng - D.Nhân - Đ.Ngọc ghi
Bình luận (0)