Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ thí điểm tổ chức mô hình “Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông” ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, trong đó có dịch vụ đưa người nhậu say về tận nhà. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết đó là ý tưởng nằm trong kế hoạch phối hợp giữa cơ quan này với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát. Dự kiến các quán ăn uống an toàn, nhận giữ xe qua đêm và đưa khách say xỉn về tận nhà sẽ xuất hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM ngay trong tháng 1-2015.
Áp dụng mô hình của nhiều nước
“Đây sẽ là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch kiểm soát, xử lý người điều khiển xe sau khi uống rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán 2015” - ông Thái nói.
Theo kế hoạch, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ cùng với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát tìm kiếm một số nhà hàng lớn, đông khách để vận động cùng tham gia. “Chủ các hàng quán này phải cam kết khi khách uống tới tầm say rồi thì sẽ không bán bia, rượu nữa hoặc sẽ hỗ trợ khách bằng cách để họ gửi lại phương tiện rồi bố trí nhân viên đưa về tận nhà. Ở Hàn Quốc người ta đã làm rồi và rất thành công. Việc đưa khách say xỉn về nhà có thể thực hiện bằng taxi hoặc xe của nhà hàng” - ông Thái giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Thái, đây mới chỉ là ý tưởng. Sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát sẽ bàn bạc cụ thể để đưa ra những tiêu chí lựa chọn quán ăn uống cũng như chính sách hỗ trợ, tập huấn cụ thể. “Chủ quán phải thực sự thích thú với ý tưởng này và sẵn sàng hợp tác vì đây là một ý tưởng hết sức văn minh. Người vợ nào cũng rất lo lắng mỗi khi chồng đi nhậu. Nếu chồng nhậu ở quán có dịch vụ đưa người say về tận nhà an toàn như vậy thì chắc chắn họ sẽ an tâm hơn nhiều” - ông Thái nhìn nhận.
Người ủng hộ, kẻ hồ nghi
Ủng hộ hoàn toàn ý tưởng nêu trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng đây là một sáng kiến tốt, khả thi nếu được tính toán, thực hiện bài bản. “Trước mắt, nên thí điểm tổ chức ở những quán lớn, khách chủ yếu là người sử dụng ô tô. Tôi tin chắc nếu quán nào mở thêm dịch vụ này sẽ càng đông khách bởi thực tế, nhiều người uống xong rồi không biết phải xử lý với chiếc ô tô của mình như thế nào nên đành phải cầm lái phóng về” - ông Thanh nhận định.
Theo ông Thanh, điều quan trọng là các nhà hàng phải có nơi để xe cho khách và có nhân viên biết lái ô tô đưa khách về. “Một vài lần thì khách thích ngay mà người thân của họ cũng thích. Tôi nghĩ những người sử dụng ô tô không tiếc khi phải trả thêm một khoản phí cho dịch vụ này đâu. Thậm chí, nhà hàng không lấy phí cũng được bởi có dịch vụ này, họ sẽ được khách hàng ưa chuộng, đến nhiều hơn. Riêng đối với thực khách đi xe máy say xỉn thì nên bố trí nhân viên đưa họ về bằng taxi rồi gửi lại xe máy tại quán” - ông Thanh đề xuất.
Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hà Nội, lại cho rằng việc này hơi viển vông. “Tôi thấy ý tưởng có vẻ mang đậm việc thích đánh bóng tên tuổi nhiều hơn. Ngành giao thông có nhiều việc cấp thiết phải làm ngay như xây dựng các điểm cấp cứu ở dọc đường. Thế giới người ta có dịch vụ đưa người say về tận nhà vì dân trí họ rất cao, còn ở Việt Nam mà áp dụng cái này thì khó khăn lắm” - ông Liên bày tỏ.
Theo ông Liên, tai nạn giao thông vào dịp Tết chủ yếu liên quan đến người điều khiển xe máy sử dụng bia rượu. Vì thế, việc tuyên truyền, kiểm soát phải tập trung mạnh vào những đối tượng này để họ và người thân thay đổi nhận thức.
Trong khi đó, chủ một chuỗi quán nhậu lớn ở Hà Nội tỏ ra hào hứng với ý tưởng nêu trên nhưng còn băn khoăn về việc lấy đâu ra địa điểm có vị trí rộng rãi để thực khách gửi được nhiều ô tô qua đêm. Hơn nữa, việc tuyển thêm nhiều nhân viên biết lái xe để đưa khách về nhà sẽ tốn kém không ít nên không phải quán nào cũng ủng hộ.
Về việc này, ông Nguyễn Trọng Thái cho biết quán nào đồng ý tham gia thực hiện thí điểm sẽ nhận được những sự hỗ trợ nhất định từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát.
CSGT mở rộng kiểm tra nồng độ cồn
Theo kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán 2015 mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa triển khai, lực lượng CSGT cả nước sẽ mở 3 đợt cao điểm tuần tra: Đợt 1 từ ngày 15 tới 31-12-2014, đợt 2 từ ngày 15 tới 31-1-2015 và đợt 3 từ ngày 15 tới 28-2-2015.
Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), cho rằng việc kiểm tra, xử lý người sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện không chỉ ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn giao thông mà còn hạn chế tình trạng chống người thực thi công vụ. Bộ Công an đã tổ chức thí điểm kiểm tra nồng độ cồn tại 8 địa phương trên cả nước và đạt được hiệu quả tích cực nên sắp tới sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn để mở rộng hoạt động này.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, dù kế hoạch không nói tới việc CSGT sẽ túc trực gần khu vực các quán nhậu nhưng công an các địa phương chắc chắn sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tại những đầu mối giao thông quan trọng, đông quán ăn uống.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA):
Đường còn dài
VBA tham gia một phần vào chương trình thí điểm mô hình kinh doanh rượu bia an toàn giao thông bằng cách vận động, tuyên truyền cho người tiêu dùng ý thức lái xe khi uống rượu bia. Trong thời gian thí điểm, VBA chọn một số nhà hàng, điểm kinh doanh đồ uống có cồn để vận động những nơi này lên phương án đưa khách về bằng taxi, xe ôm…
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu mô hình này có khả thi không khi thực tế rất ít người Việt Nam chịu bỏ xe lại nhà hàng, quán nhậu để về bằng phương tiện khác. Với vai trò và chức năng của hiệp hội, VBA sẽ vận động, tuyên truyền là chính. Một số nước cũng đã làm như thế nên chúng ta cứ làm và xác định đường còn dài.
Bà Trần Thanh Hương, Giám đốc Nhà hàng Vietheritage (quận 3, TP HCM):
Làm không xuể
Tại các nhà hàng, lực lượng bảo vệ bao giờ cũng có nhiệm vụ trông giữ xe cho khách và gọi taxi cho họ đi về nếu thấy không an toàn. Thế nhưng, đặc điểm của người nhậu là háo thắng, họ say nhưng chẳng bao giờ thừa nhận mình say. Do đó, thời điểm “nhạy cảm” này mà có người bảo họ say rồi gửi xe lại, đưa họ về nhà... là dễ gây ra hiểu lầm, có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc.
Mặt khác, cho dù có phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ này thì bao nhiêu người, bao nhiêu mặt bằng nhận giữ xe qua đêm cho xuể, trong khi chỉ riêng khu vực nội thành TP HCM, mật độ quán nhậu đã phân bổ dày đặc?
Anh Nguyễn Văn Duy,ngụ quận Tân Bình, TP HCM:
Ít dân nhậu nào nhận mình đã say
Việc khuyến khích người dân đến quán nhậu uống rượu bia xong để lại xe máy rồi thuê người chở về nhà là không khả thi. Ai bảo đảm việc để lại tài sản ở quán nhậu sẽ không xảy ra sự cố mất mát, hư hỏng? Quan trọng hơn, đi taxi về rồi sáng hôm sau đi làm bằng phương tiện gì, dẫn đến đủ thứ tốn kém và phức tạp phát sinh.
Việc lập bãi giữ xe, khuyến khích người nhậu gửi xe lại rồi đi về chẳng khác nào nói “anh say quá rồi, đừng chạy xe về” nhưng người đã uống bia rượu thì không ai tự nhận mình say cả. Trình độ dân trí của người Việt Nam mình còn hạn chế, nhiều người nhậu vào thì tính khí rất bốc đồng và thường cho rằng “sừng sừng chạy xe mới đã”. Với những trường hợp đó thì việc vận động họ gửi xe lại để có người đưa về sẽ dễ dẫn tới cãi vã, mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự.
T. Nhân - N.Mai - T.Phương ghi
Bình luận (0)