Trước hết, tôi xin giới thiệu, tôi là phụ huynh của 2 cháu, 1 đứa lớp 6 và 1 đứa lớp 8. Cả hai đều học ở trường THCS huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Mấy ngày nay đọc báo qua điện thoại, tôi thấy người ta nói nhiều về chuyện lạm thu ở trường học và Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) trở thành "tội đồ" mà tội danh chính là đề ra các khoản thu vô tội vạ và nạn nhân và các cháu học sinh và phụ huynh.
Nói thật, là một phụ huynh ở vùng quê miệt vườn, tôi thấy bất ngờ về những gì mình đọc được, nghe được. Tôi cứ nghĩ ở thành thị thì trường lớp khang trang, sạch đẹp hơn nên học sinh cũng sướng hơn. Chỉ có ở quê, trường lớp không được đầu tư nhiều như ở thành thị thì mới khổ. Ai ngờ ngược lại.
Tình trạng lạm thu ít xảy ra ở các trường thuộc vùng nông thôn.
Ở trường con tôi học cũng có Ban đại diện CMHS của trường và của lớp nhưng chưa khi nào tôi nghe thông báo yêu cầu đóng góp gì từ ban này. Mỗi năm, ban họp khoảng 2-3 lần, thường là đầu năm học và cuối các học kỳ. Họp chủ yếu là thông báo tình hình học tập, điểm lại các trường hợp học sinh khó khăn cần giúp đỡ hay bàn cách giáo dục những trẻ hư, bỏ học...
Thành viên trong Ban đại diện CMHS cũng chẳng ai xa lạ, toàn người trong xã. Họ đa phần là người có học, có uy tín và cũng có nhiều thời gian rảnh. Mỗi khi trong lớp có học sinh hư, bỏ học (chủ yếu do cha mẹ bận việc ít quan tâm tới chuyện học của con cái) thì các thành viên trong ban sẽ cùng với giáo viên chủ nhiệm đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, trao đổi với phụ huynh xem có khó khăn gì để giúp đỡ và vận động học sinh đó đi học lại.
Kinh phí cho các hoạt động này thường do trường vận động từ các mạnh thường quân là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn hoặc do các phụ huynh có điều kiệu đóng góp và chủ yếu là của các thầy cô giáo. Số tiền này chủ yếu như mua giúp cho các em học sinh nghèo quần áo, giày dép, cặp vở… hay hỗ trợ thuốc men khi các em đau ốm.
Thầy cô giáo ở quê tôi rất bình dân, tử tế. Học sinh nào khó khăn là thầy cô giáo bỏ tiền túi, mỗi người một ít ra giúp đỡ, nhiều khi chẳng nhờ gì đến hội phụ huynh. Thấy thầy cô có lòng thì phụ huynh ai có điều kiện khá giả cũng không ngại đóng góp khi cần kinh phí để làm gì đó có ích cho học sinh.
Trong các dịp lễ, ngày Nhà giáo Việt Nam, ban đại diện CMHS cũng bàn nhau tổ chức chúc mừng thầy cô và cho tụi nhỏ vui chơi. Cũng không có gì hoành tráng, ai có tiền góp tiền, ai không có tiền thì góp của.
Do xứ miệt vườn, trái cây gà vịt có đủ nên ví dụ nhà này đem chôm chôm thì nhà kia góp nhãn, quýt. Phụ huynh này nấu cháo gà thì phụ huynh kia nấu chè, đổ rau câu. Cứ thế mỗi người một ít đem đến trường tổ chức tiệc. Cũng chẳng ai so đo nhiều ít và cũng chẳng có thầy cô nào phiền lòng.
Tôi kể lể dài dòng như thế chỉ để nói rằng cái Ban đại diện CMHS có ích và vui mà, đâu có tội gì đâu mà nhiều người đòi bỏ.
Nhiều người nói Ban đại diện CMHS là cánh tay nối dài của ban giám hiệu nhà trường và các khoản thu đó thực chất do các thầy cô trong ban giám hiệu vẽ ra. Nếu vậy, mấu chốt cần loại bỏ, thay đổi chính là những giáo viên đã lợi dụng hội phụ huynh để tư lợi.
Nếu mọi người cứ chăm chăm xác định lỗi ở Ban đại diện CMHS rồi đòi giải tán thì tôi nghĩ rằng tình trạng lạm thu cũng chưa chắc chấm dứt bởi cách đó chỉ giải quyết được phần ngọn. Thay vì vậy, nên giải quyết phần gốc đó là những giáo viên tham lam, coi trọng tiền hơn tư cách bản thân cũng như sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Nghề nào cũng cần cái tâm mà nghề giáo theo tôi còn cần nhiều hơn nữa bởi cái tâm đó sẽ quyết định nhân cách của cả một thế hệ.
Với những trường, những ban giám hiệu, những hiệu trưởng và những thầy cô chỉ chăm chăm dựa vào Ban đại diện CMHS để thu tiền thì tôi nói thẳng họ không có đủ cái tâm để làm giáo dục.
Nhà nước nên xem lại tư cách những người này, nếu thay đổi được thì thay đổi còn không thì loại bỏ họ thay vì loại bỏ Ban đại diện CMHS, một tổ chức luôn luôn cần tồn tại, không chỉ vì vui mà vì chuyện học hành của con em chúng ta.
Bình luận (0)