Để xây dựng một nền hành chính chính quy, nhiều năm qua, nước ta đã tổ chức thi tuyển công chức. Được kỳ vọng rất nhiều song việc thi tuyển công chức đã để lại không ít điều tiếng.
Không thể tự ra đề, tự tổ chức, tự chấm thi...
Kỳ thi tuyển công chức tại Cục QLTT và Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương mới đây cũng đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng do lộ đề hoặc gian lận trong tổ chức thi. Các cuộc thi gần như biến thành việc “hợp lý hóa” số cán bộ, công chức hợp đồng (mà đa số là con em trong ngành), khiến dư luận xã hội bức xúc.
Thi tuyển với cơ chế tự ra đề, tự tổ chức, tự chấm thi... thì khó mà không xảy ra những chuyện lùm xùm. Chưa kể, các môn hành chính, nghiệp vụ và ngoại ngữ - tin học (môn điều kiện) đều nặng về kiến thức học thuộc lòng nên không đánh giá chính xác năng lực của ứng viên.
Việc thi tuyển công chức trong ngành thuế vừa qua đã làm theo cách khác: Tổng cục Thuế chỉ đạo tất cả cục thuế địa phương có tuyển dụng cán bộ, nghiêm cấm cục cũng như cán bộ của cục luyện thi cho thí sinh; việc phối hợp với các trung tâm tổ chức ôn tập cũng bị cấm dưới mọi hình thức. Tổng cục Thuế không làm đề thi mà đặt hàng cho nhiều cơ quan khác nhau. Mỗi bài thi của từng môn sẽ do nhiều đơn vị ra đề khiến thí sinh khó “dò sóng”.
Có thể coi cách làm này là nỗ lực thay đổi, cải tiến phương thức thi tuyển cán bộ, công chức. Bởi lẽ, muốn hạn chế tiêu cực thì phải cải tổ cả hệ thống thi tuyển. Việc này không khó ở khía cạnh kỹ thuật mà nằm ở “quyết tâm chính trị” của những người có trách nhiệm, kể cả sự vào cuộc của toàn xã hội, từ truyền thông, công luận đến đại diện của dân và hệ thống công quyền.
Bộ Nội vụ là cơ quan nhà nước đầu tiên tổ chức thi tuyển công chức trực tuyến trên máy tính. Hội đồng thi chỉ xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án, sau đó nhập vô máy tính. Việc ra đề, chấm thi, đánh giá kết quả và quản lý thời gian thi đều do máy tính thực hiện. Phương thức thi này góp phần thực hiện một cách triệt để nguyên tắc khách quan, công bằng; xóa bỏ mọi băn khoăn, nghi ngờ về các hiện tượng tiêu cực, chạy chọt mà dư luận vẫn đề cập đối với tuyển dụng công chức.
Kỳ thi tuyển công chức của Bộ Nội vụ năm 2013 có 349 thí sinh tham dự với chỉ tiêu tuyển dụng là 52 người. Theo lộ trình của Bộ Nội vụ, đến năm 2015, phải có 70% bộ, ngành và địa phương thi tuyển công chức trực tuyến trên mạng.
Cần sát hạch kỹ càng
Thực tế lâu nay, sau khi trúng tuyển và được tuyển dụng vào bộ máy công quyền, công chức được bảo đảm bằng “chế độ biên chế”. Qua một thời gian thực thi công vụ, công chức đa phần tỏ ra thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ì, không đủ năng lực…
Nhiều nước tiên tiến cũng từng xuất hiện “não trạng” này. Vì thế, họ đưa thêm vào luật công chức công vụ chế định sát hạch công chức (khác xa việc kiểm điểm hằng năm ở nước ta), với những căn cứ khách quan cho việc khuyến khích công chức tận tâm làm việc, nâng cao hiệu suất công tác của cơ quan nhà nước.
Nội dung sát hạch gồm: Công việc (đủ những kiến thức mà công việc đòi hỏi hay chưa, giải quyết công việc có gì sai sót), tính cách (tích cực hay tiêu cực, giỏi biện luận hay trầm lặng, thận trọng hay hời hợt...), năng lực (phán đoán, lý giải, sáng tạo, thực hành), tính thích ứng (tính nghiên cứu, tính kế toán, tính thẩm tra, tính chất thảo luận...).
Các nước có nền công vụ tiên tiến đều hết sức coi trọng việc sát hạch công chức, nhất là sát hạch thành tích thực tế trong công tác. Việc bổ nhiệm, đề bạt đều dựa trên cơ sở sát hạch nghiêm khắc để có căn cứ về năng lực, hiệu quả công tác của công chức. Thiết nghĩ, nước ta rất cần học theo cách làm này.
Tránh việc “chạy” vào công chức
Về lâu dài, để tránh tổ chức thi tuyển khép kín, nên để những cơ quan độc lập lo việc thi tuyển công chức. Dựa vào kết quả thi, cơ quan cần tuyển dụng chiếu theo yêu cầu của mình mà tuyển người, tránh việc “chạy” vào công chức. Việc thi tuyển tốt nhất là để các hiệp hội, các trung tâm tư vấn kết hợp với chính quyền đảm trách.
Bình luận (0)