xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn bản “chết yểu”, ai chịu trách nhiệm?

TS PHẠM SANH

Các văn bản pháp luật không khả thi, không được dân đồng thuận sau một thời gian triển khai phải dừng thi hành không chỉ gây lãng phí tiền của mà còn khiến dân mất lòng tin

Vài năm trở lại đây, so với nhiều bộ, ngành khác, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã có nỗ lực thể hiện qua nhiều chương trình hành động đột phá mang lại kết quả nổi bật phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân.

Vô tư đổ thừa

Trong đó, phải kể tới hoạt động dịch vụ vận tải từ đường bộ, đường hàng không đến đường sắt đã có chuyển biến rõ rệt, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Ngành cũng kiên quyết lập lại trật tự trong kinh doanh vận tải, cơ bản ngăn chặn được tình trạng xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng đường. Nhiều chính sách trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai để nâng cao tiến độ, chất lượng công trình, thu hút vốn đầu tư xã hội hóa hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm trong lúc vốn ngân sách còn nhiều khó khăn. Ùn tắc và tai nạn giao thông có xu hướng giảm cả 3 tiêu chí. Để có được kết quả đó là sự nỗ lực, quyết tâm hành động của tập thể cán bộ viên chức ngành, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của bộ trưởng Bộ GTVT.

Bên cạnh nhiều kết quả làm được thì ngành GTVT cũng đang lộ ra ít nhiều sơ hở trong quản lý nhà nước, trong đó phải kể đến việc tham mưu, phối hợp hoặc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) không khả thi, gây nhiều tranh cãi. Đơn cử như quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn và mới đây là chủ trương thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Trước khi được ban hành, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều nhưng sau đó, quy định thu phí sử dụng đường bộ vẫn được ban hành. Sau hơn 1 năm triển khai, ý kiến trái chiều đối với quy định này vẫn chưa lắng xuống và chuyện gì đến cũng đã đến. Tại cuộc họp đánh giá về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định bộ sẽ hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ đề nghị dừng thu phí đường bộ đối với xe máy.

Chuyện ban hành các VBQPPL trái quy định, không khả thi, thậm chí vô duyên không phải là hiếm ở Việt Nam. Có thể kể đến như: Ghi tên cha mẹ trong CMND, cấm nghe điện thoại ở cây xăng, cấm bán thịt heo trong 8 giờ, cấm lắp kính trên nắp quan tài, cộng điểm ưu tiên cho bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Điều đáng nói là chưa bao giờ thấy Chính phủ hay bộ, ngành nào xử lý kỷ luật trách nhiệm thật nghiêm những người tham mưu hoặc ban hành văn bản sai còn vô tư đổ thừa do lỗi kỹ thuật, lỗi văn thư đánh máy, lỗi “đội bạn”...

 

Quy định về thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy không được sự đồng thuận của người dân sẽ được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dừng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quy định về thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy không được sự đồng thuận của người dân sẽ được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dừng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Mất lòng tin của người dân

VBQPPL có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và duy trì ổn định chính trị đối với một nhà nước pháp quyền. Nó là công cụ truyền đạt, giải thích, định hướng chủ trương chính sách cực kỳ hiệu quả giữa Chính phủ và người dân. Sự cần thiết thì đã rõ nhưng tác hại của các VBQPPL không đúng luật, không khả thi, thiếu thực tế hoặc không được số đông người dân đồng tình vẫn chưa được các cấp lãnh đạo bộ, ngành đánh giá, nhận dạng đầy đủ. Ngay cả chuyện sau khi dừng hoặc bổ sung điều chỉnh VBQPPL, quyết định hồi tố hoặc bất hồi tố cũng chưa rõ ràng.

Như việc ngừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy nếu được Chính phủ đồng ý chắc chắn sẽ gây tranh cãi giữa các địa phương “khó khăn” và các địa phương “giàu”. Nhưng quan trọng là hệ lụy của nó vẫn chưa dừng ở lãng phí tiền bạc, công sức; cái mất lớn nhất chính là lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của nhà nước. Vai trò thực thi pháp luật, khái niệm pháp chế, tác dụng giáo dục răn đe không còn được nhiều người dân tin tưởng tuyệt đối như ban đầu.

Lỗi ban hành VBQPPL không khả thi, không được người dân đồng tình ủng hộ ít khi xuất hiện do sai thẩm quyền, sai nội dung hình thức, sai trình tự thủ tục quy định mà là do chủ quan nóng vội, thiếu kinh nghiệm quản lý vĩ mô, không thực tế, thiếu tôn trọng người dân hoặc các đối tượng bị (được) áp dụng điều chỉnh. Chưa kể, đang có hiện tượng các nhà làm cơ chế chính sách chạy theo “nhóm lợi ích”. Ở Việt Nam, lỗi này nằm ở khâu ban hành và quyết định là chính; còn phản biện, thẩm tra thẩm định, kiểm tra giám sát… chỉ có trách nhiệm liên đới vì thẩm quyền vai trò quá yếu, chưa rõ.

Việt Nam từ lâu cũng thấy được ý nghĩa, vai trò của các VBQPPL. Chúng ta đã có Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 cùng nhiều nghị định liên quan. Thực tế, nội dung các quy định trong đó chưa nhận dạng rõ lỗi VBQPPL không khả thi, thiếu tính thực tế, gây phản ứng trong dân. Các quy định chỉ tập trung vào các lỗi về ban hành trái pháp luật, không đúng thẩm quyền, lỗi nội dung... mà hầu như thiếu hẳn các quy định chế tài các cá nhân, tổ chức gây thiệt hại khi tham gia soạn thảo, phản biện, thẩm định, ban hành, kiểm tra, giám sát... các VBQPPL không khả thi, phải dừng thực hiện.

Đã đến lúc Quốc hội và Chính phủ nên bổ sung, sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL và các nghị định có liên quan theo hướng xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị tham gia soạn thảo thiếu trách nhiệm dẫn đến bổ sung hoặc vô hiệu VBQPPL. Riêng ngành GTVT, một ngành kinh tế kỹ thuật liên quan đến tổng thể tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề, quyết định đến phát triển kinh tế lẫn ổn định xã hội, chính trị thì người lãnh đạo ngành càng phải bám sát thực tế; nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân để không còn các VBQPPL “chết yểu” gây giảm lòng tin của mọi người.

 

Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Đoàn Luật sư TP HCM:

Không thể hồi tố phí bảo trì đường bộ

Từ khẳng định của bộ trưởng Bộ GTVT có thể thấy quy định về thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sẽ dừng trong một sớm một chiều. Tuy nhiên hiện tại, nhiều địa phương đã tổ chức thu loại phí này trong khi cũng có địa phương chưa thu. Khi quy định này chính thức dừng, sẽ có nhiều người đặt câu hỏi tiền đã đóng có được hoàn lại không? Theo quy định thì việc này là không thể.

Ở đây cần phải nói rõ các ngành chức năng ở những địa phương đã thu phí đường bộ đối với xe máy làm đúng trình tự pháp luật. Nghị định do Chính phủ ban hành có hiệu lực thì phải thi hành là lẽ đương nhiên. Và trên hết, việc thu phí này (chỗ sớm, chỗ muộn tùy địa phương) đều dựa vào sự đồng thuận của HĐND chứ không phải chính quyền muốn làm gì thì làm.

Chuyện luật ban hành rồi sửa đổi gây thiệt hại cho một nhóm người nhưng cũng đành chịu bởi không thể hồi tố không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra hầu khắp các nước trên thế giới. Quốc tế không có tiền lệ hồi tố thì Việt Nam cũng vậy.

Theo ý kiến cá nhân tôi, khi việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy dừng lại, để người dân những địa phương đã đóng phí rồi không bức xúc, Chính phủ cần đưa ra giải pháp giải quyết số tiền đã thu như thế nào cho hợp lý. Cụ thể, yêu cầu những địa phương đã thu phí phải thống kê lại toàn bộ số tiền đã thu, giao địa phương quản lý số tiền này để đầu tư cho các công trình an sinh xã hội thiết yếu.

Ông Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên):

Cần công khai, minh bạch

Vừa rồi, tôi đã nộp 100.000 đồng phí bảo trì đường bộ đối với xe máy của mình. Tôi thấy loại phí này phi lý nhưng quy định thì phải nộp. Việc Bộ GTVT có ý kiến  đề nghị bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy là hợp lý, dù có muộn.

Qua vụ việc này mới thấy việc ban hành các VBQPPL của nước ta nhiều bất cập. Lẽ ra phải nghiên cứu thật kỹ, lấy ý kiến nhiều ngành, nhiều thành phần thì nhà nước lại bỏ qua những góp ý của dân để một chủ trương ban hành không khả thi lại phải bỏ. Ví như việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, nếu lắng nghe và tôn trọng ý kiến phản hồi của người dân ngay từ đầu thì đã không có quy định như vậy.

Bây giờ đề xuất dừng thu phí này dù ít nhiều cũng để lại hệ lụy. Người chưa nộp phí thì không nói gì nhưng người đã nộp rồi thì sao đây? Theo tôi, số tiền đã thu tuy rằng không lớn nhưng yêu cầu phải trả lại cho những người đã nộp phí trước đây nhằm tạo sự công bằng. Nếu việc trả lại tiền phí bảo trì đường bộ đối với xe máy cho người đã nộp là không thể thì nhà nước cần công khai, minh bạch việc sử dụng số tiền này vào việc công.

Đ.Thông - H.Ánh ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo