Một nghiên cứu vừa được trình bày tại hội nghị của Hội Tim mạch học Mỹ ở châu Á năm 2024 (ACC Asia 2024) cho thấy uống cà phê chỉ tốt cho sức khỏe nếu dùng với mức vừa phải.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi bác sĩ Nency Kagathara từ Trường Đại học Y khoa và Bệnh viện Zydus (Ấn Độ) xoáy vào lợi ích sức khỏe hàng đầu của cà phê, đó là các tác động lên hệ tim mạch.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy cà phê là một "thần dược" cho hệ tim mạch. Với một vài tách mỗi ngày, bạn có cơ hội kiểm soát huyết áp tốt hơn, giảm nhiều nguy cơ về vấn đề tim mạch nguy hiểm.
Thế nhưng, nghiên cứu mới cho thấy với 400 mg caffeine một ngày sẽ khiến bạn gặp rắc rối.
Một tách cà phê thường chứa trung bình 80-100 mg caffeine tùy theo cách pha, có thể nhiều hoặc ít hơn một chút. Vì vậy, 400 mg caffeine tương ứng 4 tách cà phê tương đối đậm hoặc 5 tách pha nhạt.
Lượng caffeine này cũng tương ứng 10 lon nước ngọt soda thông thường hoặc 2 lon nước tăng lực.
Phân tích chi tiết với một nhóm tình nguyện viên từ 18-45 tuổi, các tác giả phát hiện rằng nếu duy trì hằng ngày, mức caffeine cao này có thể làm rối loạn hệ thần kinh phó giao cảm, dẫn đến huyết áp và nhịp tim tăng cao, bất chấp họ còn trẻ.
Trong đó, nhóm quá ghiền cà phê - mức caffeine tiêu thụ trên 600 mg/ngày - thậm chí vẫn bị tăng nhịp tim và huyết áp đáng kể sau 5 phút nghỉ ngơi, sau khi thực hiện bài kiểm tra đi bộ.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy với lượng cà phê vừa phải, huyết áp dù tăng ngay sau khi uống nhưng nhanh chóng phục hồi.
Lâu ngày, việc uống đều đặn, thường xuyên vài tách cà phê mỗi ngày thậm chí giúp cơ thể tự điều chỉnh huyết áp tốt hơn trước các tác động. Tuy nhiên, dường như cơ thể khó phục hồi ở người nạp caffeine "quá liều".
Bình luận (0)